Tổ chức Công đoàn các lái tàu Đức kêu gọi đình công bảy ngày

Tổ chức Công đoàn các lái tàu Đức đã kêu gọi các lái tàu đình công 7 ngày nhằm đòi quyền lợi về tăng lương và giảm giờ làm việc.
Các công nhân lái tàu Đức đình công. (Nguồn: Getty Images)

Sau nhiều cuộc đàm phán bất thành giữa đại diện Công ty đường sắt quốc gia Đức và phía công đoàn, Tổ chức Công đoàn các lái tàu Đức (GDL) ngày 3/5 đã kêu gọi các lái tàu hỏa chở hàng và chở khách tiến hành cuộc đình công kéo dài tới 7 ngày. Đây sẽ là cuộc đình công kéo dài nhất lịch sử ngành đường sắt ở Đức.

Cuộc đình công nói trên của lái tàu chở hàng sẽ bắt đầu từ 15 giờ địa phương (20 giờ Việt Nam) ngày 4/5, trong khi các lái tàu khách sẽ bắt đầu đình công từ 2 giờ sáng 5/5 và kéo dài tới 9 giờ sáng 10/5. Hoạt động này được cho là sẽ ảnh hưởng tới các tàu chạy đường dài, liên vùng cũng như các tàu chạy trong thành phố (S-Bahn) do Deutsche Bahn vận hành.

Đây đã là cuộc đình công thứ tám trong 10 tháng qua theo lời kêu gọi của GDL liên quan tới tranh cãi về mức lương và giờ làm việc của các lái tàu. Phía GDL yêu cầu tăng thêm 5% lương, đồng thời giảm 1 giờ làm mỗi tuần cho các lái tàu.

Ngoài ra, GDL cũng yêu cầu được đại diện quyền lợi cho khoảng 17.000 công nhân viên đường sắt, bên cạnh việc đại diện cho 20.000 lái tàu như hiện nay.

Theo Chủ tịch GDL Claus Weselsky, những yêu cầu mà GDL đưa ra đều không được Deutsche Bahn đáp ứng và nghiệp đoàn này không còn lựa chọn nào ngoài việc kêu gọi tiến hành đình công để gây sức ép với giới chủ.

Trong cuộc đàm phán gần đây nhất, GDL đã từng bác bỏ đề xuất tăng 4,7% lương từ ngày 30/6 năm nay theo 2 giai đoạn cũng như việc thanh toán một lần số tiền 1.000 euro/người trước cuối tháng 6/2015.

Công ty Deutsche Bahn đã lên án cuộc đình công này là "không phù hợp và vượt quá khuôn khổ," đồng thời cảnh báo việc đình công kéo dài như vậy sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới người đi tàu, tới chính 300.000 công nhân viên và các công ty, cũng như tác động tiêu cực tới nền kinh tế Đức.

Deutsche Bahn là sự lựa chọn của đông đảo người dân Đức cho việc đi lại cũng như vận chuyển hàng hoá. Công ty này phục vụ khoảng 5,5 triệu lượt khách mỗi ngày, đồng thời là nhà vận chuyển tới 1/5 khối lượng hàng hoá ở Đức.

Trong khi đó, tổ chức GDL từng bị lên án gây thiệt hại cho Deutsche Bahn 150 triệu euro do tiến hành 6 cuộc đình công trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 10 năm ngoái./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục