Tổ chức ba hội thảo lớn về công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tại Nhật

Ba buổi hội thảo lớn về hợp tác đầu tư công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, giới thiệu dự án KCN hỗ trợ Nam Hà Nội, tổ chức từ 25-28/11, ở 3 thành phố Nhật Bản.
Quang cảnh một buổi hội thảo. (Ảnh: Trường Giang/Vietnam+)

Ba buổi hội thảo quy mô lớn về hợp tác đầu tư phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và giới thiệu dự án khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội, tổ chức trong ba ngày 25, 27 và 28/11,tại 3 thành phố của Nhật Bản.

Các buổi hội thảo này do Hiệp hội Doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội (Hansiba) phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka, Osaka cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp tại ba thành phố Fukuoka (FCCI), Osaka (OCCI) và Kyoto (KCCI) ở miền Trung và Nam Nhật Bản tổ chức.

Đây là lần đầu tiên Hansiba tổ chức hội thảo đầu tư trong lĩnh vực phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tại Nhật Bản, thực hiện theo cam kết nâng cấp quan hệ Việt Nam-Nhật Bản lên “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” kể từ sau chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 3/2014; và dựa trên quyết định số 1043/QĐ-TTg của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc phê duyệt chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Tham dự các cuộc hội thảo trên về phía Việt Nam có Chủ tịch Hansiba Nguyễn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư thành phố Hà Nội Trần Ngọc Nam, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka Bùi Quốc Thành, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka Trần Đức Bình cùng 20 đại diện doanh nghiệp Việt Nam muốn trực tiếp tìm kiếm các đối tác hợp tác Nhật Bản.

Tham dự hội thảo về phía Nhật Bản có Trưởng ban hợp tác quốc tế FCCI Nishioka Junji, đại diện OCCI, KCCI cùng hàng trăm nhà đầu tư, kinh doanh đến từ nhiều công ty, tập đoàn ở Nhật Bản.

Phát biểu tại các buổi hội thảo ở Osaka và Kyoto, Tổng Lãnh sự Trần Đức Bình khẳng định quan hệ Việt Nam-Nhật Bản phát triển tốt đẹp trên mọi lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, thương mại, nghiên cứu khoa học đến giao lưu nhân dân đang là tiền đề tốt đẹp để các nhà đầu tư Nhật Bản yên tâm tìm kiếm cơ hội kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam.

Khu vực Kansai gồm các tỉnh miền Trung như Osaka, Kyoto, Kobe…, chiếm khoảng 30% đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam và chiếm khoảng 1/4 tổng số các dự án của Nhật Bản tại Việt Nam.

Trong 8 tháng đầu của năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Kansai và Việt Nam đã đạt mức 4,5 tỷ USD. Việt Nam hiện đang đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng hướng tới mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa vào năm 2020.

Cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam còn rất nhiều, đặc biệt khu vực Kansai là trung tâm tài chính, kinh tế và khoa học công nghệ lớn thứ hai của Nhật Bản, nơi tập trung nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ với công nghệ và kỹ thuật cao, khả năng hợp tác giữa các doanh nghiệp này với đối tác Việt Nam trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là rất lớn.

Tổng Lãnh sự Fukuoka Bùi Quốc Thành cho biết quan hệ hợp tác giữa Việt Nam-Nhật Bản nói chung và khu vực Kyushu, Okinawa với các địa phương Việt Nam nói riêng, trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, du lịch và hợp tác nguồn nhân lực đang phát triển hết sức mạnh mẽ.

Hiện nay, có khoảng 50 công ty và tập đoàn thuộc khu vực Kyushu đang đầu tư tại Nhật Bản, song tiềm năng hợp tác giữa hai bên còn rất lớn, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, máy móc, nông nghiệp, chế biến nông thủy sản, đóng tàu, môi trường và tiết kiệm năng lượng. Tổng Lãnh sự Bùi Quốc Thành khẳng định buổi hội thảo lần này sẽ là bước khởi đầu cho hợp tác giao lưu cho các doanh nghiệp Kyushu và Việt Nam trong công nghiệp hỗ trợ.

Phát biểu tại các buổi hội thảo, Chủ tịch Hansiba Nguyễn Hoàng cho biết công nghiệp hỗ trợ đang được chính phủ Việt Nam hết sức quan tâm khuyến khích phát triển. Hiện nay, hầu hết các linh phụ kiện Việt Nam đều phải nhập khẩu từ nước thứ ba để phục vụ cho công nghiệp sản xuất, láp ráp trong nước như công nghiệp ôtô, điện tử, cơ khí chế tạo… với tỷ lệ nhập khẩu từ 60% (ôtô khách) lên tới 100% (linh kiện bán dẫn, chip điện tử). Điều này cho thấy thị phần sản xuất linh phụ kiện cần cấp riêng cho thị trường Việt Nam còn bỏ ngỏ quá lớn và là tiềm năng, cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Nhật Bản.

Các doanh nghiệp Việt Nam mong muốn hợp tác sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ với doanh nghiệp Nhật Bản để có thể đáp ứng cho chính các tập đoàn lắp ráp lớn của Nhật Bản như Toyota, Honda, Sony…; đồng thời hướng tới việc tiếp cận nền sản xuất công nghệ cao của Nhật Bản, tiếp cận chuỗi sản xuất toàn cầu của doanh nghiệp Nhật Bản và xuất khẩu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất ra các nước.

Hansiba với số thành viên gồm vài trăm doanh nghiệp, đang có nhu cầu hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản trên nhiều phương thức, từ gia công sản phẩm cho đến liên doanh, liên kết hoặc chuyển giao, mua lại công nghệ sản xuất của doanh nghiệp Nhật Bản. Điều này cho thấy tiềm năng hợp tác giữa Hansiba với doanh nghiệp Nhật Bản là vô cùng lớn trên tổng thể nhiều lĩnh vực.

Chủ tịch Nguyễn Hoàng cũng cho biết khu Công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (Hanssip) được thiết kết với quy mô 600 ha và định hướng mở rộng lên 2.000 ha, có thể bố trí cho 3.000 doanh nghiệp lớn, nhỏ. Khu công nghiệp này được chính phủ Việt Nam cho phép áp dụng nhiều chính sách ưu đãi cao nhất tại Việt Nam để thu hút các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và đây chính là điểm đến hấp dẫn nhất cho các nhà đầu tư Nhật Bản tìm kiếm cơ hội sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.

Tại các buổi hội thảo, các nhà đầu tư cũng được nghe trình bày của Phó Giám đốc Sở kế hoạch-Đầu tư Trần Hoài Nam về các chính sách ưu đãi của thành phố Hà Nội, giải đáp các thắc mắc liên quan đến các vấn đề thủ tục, pháp lý, môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, giới thiệu về khu công nghiệp hỗ trợ Hanssip và quá trình triển khai đầu tư, mở nhà máy của một số doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn của TTXVN Việt Nam, ông Takahashi Sugi đến từ Tập đoàn công nghiệp Meiko Hongkong, cho biết dù đang có nhà máy chế biến linh kiện tại Trung Quốc, song vẫn tìm đến các buổi hội thảo lần này để nắm bắt thông tin bởi đây là lần đầu tiên tập đoàn này có kế hoạch đầu tư vào Hà Nội, việc trực tiếp nắm bắt thông tin là vô cùng quan trọng do tập đoàn này có dự kiến mở một nhà máy thứ hai tại Việt Nam ngay trong năm tới.

Theo ông Takahashi, những thông tin tại hội thảo là vô cùng phong phú và cần thiết, giúp ông nắm bắt được các quy trình cần thiết trong việc xây dựng và triển khai hoạt động sản xuất tại Việt Nam.

Một nhà đầu tư khác đến từ Công ty B.U.I +, ông Wakamura cho biết trong năm 2014 công ty đã mở thêm hoạt động tuyển dụng nguồn nhân lực tại Việt Nam. Việc tham dự hội thảo lần này nhằm mục đích tìm kiếm các nhà đầu tư Nhật Bản cần hỗ trợ về nguồn nhân lực cũng như việc xây dựng nhà máy, hoạt động sản xuất tại Việt Nam để có thể tư vấn, hợp tác giúp quá trình này diễn ra thuận lợi.

Về phần mình, Chủ tịch Nguyễn Hoàng bày tỏ sự tin tưởng với thành công của chuỗi ba buổi hội thảo này, trong tương lai rất gần, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tới Việt Nam đầu tư, hợp tác, sản xuất cùng các doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục