Trước thềm kỷ niệm Ngày Tị nạn Thế giới (World Refugee Day - 20/6), Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) đã kêu gọi thay đổi trong cách thức giải quyết các vụ khủng hoảng về người tị nạn, đồng thời thúc giục các nước chia sẻ gánh nặng với nhau về vấn đề này.
Theo số liệu mà AI đưa ra, lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, số người bắt buộc phải rời bỏ nhà cửa đã vượt quá 50 triệu trên toàn thế giới vào năm 2013. AI đặc biệt nhấn mạnh đến tình trạng người di cư tại Syria do giao tranh.
Hiện cứ 5 người ở Libya có 1 người tị nạn từ Syria, tuy nhiên lời kêu gọi gây quỹ cho người tị nạn Syria của Liên hợp quốc mới nhận được 23% yêu cầu.
Ngoài ra, những người chạy trốn bạo lực ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, Nigeria và Burundi đang gia nhập thêm vào đội ngũ người tị nạn lâu nay từ các nước chịu thiên tai như Somalia, Ethiopia, Sudan và Congo.
Gần đây nhất, làn sóng người di cư trái phép vượt Địa Trung Hải để đến châu Âu đã tăng mạnh bất chấp nguy hiểm dẫn tới hàng nghìn người bỏ mạng trên biển. Kể từ đầu năm 2015, số người di cư thiệt mạng trên biển đã lên tới 1.865 người, cao gấp gần 4 lần so với con số cùng kỳ năm 2014.
AI cũng lưu ý vấn đề người di cư ở Đông Nam Á, nơi hồi tháng Năm vừa qua một số tàu thuyền chở người di cư đã bị lực lượng chức năng Myanmar, Malaysia và Indonesia không cho cập bờ, buộc quay trở ra biển, dẫn tới nguy hiểm cho tính mạng của người di cư.
Trong báo cáo của mình, AI cho rằng cộng đồng quốc tế cần nhận thức vấn đề người di cư nay đã mang tầm cỡ toàn cầu và cần phải có một sự hợp tác quốc tế mới có thể giải quyết vấn đề này.
AI kêu gọi các nước châu Âu không phó mặc số phận những con tàu di cư đến từ Trung Đông và Bắc Phi, đồng thời hoan nghênh biện pháp tăng cường kiểm soát biên giới của Liên minh châu Âu (EU) và kêu gọi tiếp tục hành động, tạo thêm nhiều cơ sở pháp lý để tái định cư người di cư.
Theo đánh giá của AI, ít nhất 300.000 người di cư phải được tái định cư mỗi năm trong vòng bốn năm tới, để có thể tháo gỡ cuộc khủng hoảng di cư hiện nay.
AI kêu gọi cộng đồng quốc tế thành lập một quỹ toàn cầu tái định cư người tị nạn, đồng thời yêu cầu các nước phải cam kết cứu tính mạng của người tị nạn nếu gặp tai nạn và chống lại nạn buôn người, làn sóng bài ngoại./.