TKV và EVN hợp tác đảm bảo năng lượng cho phát triển kinh tế

TKV cam kết cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện thuộc EVN trong quý 2 là 5,1 triệu tấn than, các quý còn lại cùng thống nhất để các nhà máy nhiệt điện bảo đảm sản xuất.
TKV và EVN hợp tác đảm bảo năng lượng cho phát triển kinh tế ảnh 1Lễ ký kết giữa TKV và EVN. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 23/4, tại thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Tập đoàn Công nghiệp-Than khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có buổi làm việc, ký kết thỏa thuận hợp tác cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện thuộc EVN.

Tại buổi làm việc, TKV cam kết cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện thuộc EVN trong quý 2 năm 2022 là 5,1 triệu tấn than (so với đề nghị là 4,8 triệu tấn), các quý còn lại cùng thống nhất con số để các nhà máy nhiệt điện đảm bảo sản xuất, tránh thiếu hụt nguyên liệu và điện.

Hai bên cũng thống nhất phối hợp thường xuyên về việc cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện của EVN năm 2022; hợp tác xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình cung cấp than; trao đổi, thống nhất các nội dung liên quan và cùng báo cáo các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền các vấn đề vượt thẩm quyền.

Theo ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV, đầu năm 2022, nhu cầu than tiêu thụ trong nước tăng rất cao, trong khi đó điều kiện sản xuất gặp nhiều khó khăn, thách thức do nguy cơ thiếu hụt lao động vì ảnh hưởng của dịch bệnh COVID -19; bất ổn chính trị do xung đột giữa Nga và Ukraine dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng năng lượng thế giới, đẩy giá xăng dầu, sắt thép…và các chi phí đầu vào tăng cao, làm chi phí sản xuất than tăng; thời tiết tháng 2 mưa nhiều…

Với việc đảm bảo cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện theo hợp đồng đã ký, bình quân mỗi quý còn lại cho điện vào khoảng 9,7-10 triệu tấn/quý.

Tuy nhiên, TKV có thể cung cấp tới 11 triệu tấn/quý, cả năm có thể tăng thêm 4 triệu tấn.

[TKV tăng sản xuất than chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường]

Để kịp thời cung ứng than cho các nhà máy nhiệt điện thuộc EVN, TKV đã chỉ đạo các đơn vị chủ động xây dựng phương án điều hành, tổ chức sản xuất theo tinh thần linh hoạt, thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh nhằm huy động tối đa các nguồn lực thúc đẩy gia tăng sản xuất và đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh nhập khẩu than, tăng thêm nguồn cung cấp than nhập khẩu từ 2 quốc gia  Australia và Nam Phi để bù đắp nguồn than thiếu hụt từ Liên bang Nga.

TKV luôn theo dõi sát tình hình thị trường than thế giới để tiến hành mua than nhập khẩu ngay khi thị trường hạ nhiệt và áp dụng phương án mua than nhập khẩu linh hoạt phù hợp với quy định của pháp luật.

TKV đã xây dựng kế hoạch nhập khẩu than 6 tháng đầu năm là 2,8 triệu tấn và 6 tháng còn lại khoảng 2 triệu tấn. Trường hợp các nhà máy nhiệt điện có nhu cầu tiếp nhận tăng thêm so khối lượng hợp đồng đã ký thì TKV sẽ phải nhập khẩu thêm khoảng 4 triệu tấn (nếu được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại  doanh nghiệp phê duyệt bổ sung kế hoạch nhập khẩu than năm 2022).

Theo ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nhu cầu điện ngày càng tăng cao, trong khi giá nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là giá than tăng cao gây khó khăn cho việc sản xuất điện.

Trong khi đó, căn cứ số liệu tổng hợp được cập nhật đến ngày trong quý 1, tình hình cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện của EVN vẫn đang tiếp tục có nhiều khó khăn và thiếu hụt rất lớn so với hợp đồng cung cấp than đã ký.

Trong quý 1 năm 2022, tổng khối lượng than đã được cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện của EVN là 4,49 triệu tấn trên tổng số 5,85 triệu tấn theo hợp đồng đã ký (tương ứng tỷ lệ 76,76%). Như vậy, lượng than được cung cấp đã thiếu hụt 1,36 triệu tấn so với khối lượng trong hợp đồng.

Để đảm bảo an toàn an ninh năng lượng quốc gia. 2 bên cam kết phối hợp tốt hơn để đảm bảo cho các nhà máy nhiệt điện hoạt động đúng công suất, đảm bảo nguyên liệu đầu vào, cũng như việc cung ứng, mua bán điện của TKV 2 bên thường xuyên trao đổi, thống nhất nhiều nội dung quan trọng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục