Tại cuộc họp ngày 6/8 về công tác khắc phục mưa lũ tại Quảng Ninh, ông Đặng Thanh Hải, Tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp than-khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, TKV sẽ nỗ lực để khắc phục các sự cố xảy ra do mưa lũ và đảm bảo không để thiếu than cho sản xuất điện.
Theo TKV, do ảnh hưởng mưa lũ, sản lượng than sản xuất và tiêu thụ dự kiến năm 2015 sẽ đạt khoảng 35 triệu tấn, giảm 1 triệu tấn so với kế hoạch được giao, trong đó chủ yếu là tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, tập đoàn đảm bảo cung cấp đủ than cho các hộ tiêu thụ trong nước.
Kế hoạch trong năm 2016, TKV sẽ tiếp tục ổn định sản xuất, đầu tư các cơ sở bãi thải, thoát nước. Sản lượng dự kiến 36 triệu tấn, trong đó tập trung đảm bảo than cho sản xuất điện tăng thêm, có các nhà máy Mông Dương 1, Duyên Hải, đi vào ổn định sản xuất từ đầu năm.
TKV sẽ có phương án tổ chức nhập khẩu, pha trộn than để đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ của các hộ trong nước cho phù hợp (đặc biệt là các dự án nhiệt điện tại miền Nam).
Để thực hiện khắc phục sự cố và sản xuất khai thác than trong thời gian tới, ông Đặng Thanh Hải cũng kiến nghị Chính phủ cho phép TKV triển khai các dự án cấp bách về môi trường, phòng chống bão theo cơ chế chỉ định thầu để rút ngắn thời gian thực hiện.
TKV cũng đề nghị giảm thuế suất thuế tài nguyên môi trường đối với sản phẩm than về mức 5% với than hầm lò và 7% với than lộ thiên; Gia hạn thời hạn nộp thuế 2 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế với các công ty của TKV bị ảnh hưởng do bão lũ. Đồng thời có chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về tiền lương, trợ cấp đối với người lao động...
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng chỉ đạo, đối với TKV, cần tiếp tục nhanh chóng để khắc phục hậu quả của thiên tai vừa qua, đối với sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là tìm cách giảm thiểu tác động tiêu cực đối với đội ngũ khoảng công nhân viên và lao động ngành than.
Bộ trưởng cũng hoan nghênh TKV thời gian qua đã khắc phục sự cố và cung cấp than cho hộ trọng điểm là ngành điện.
Tuy nhiên, Bộ trưởng nhấn mạnh, trong cung cấp than thì cũng phải theo thứ tự ưu tiên, trước hết là các hộ sản xuất điện, thứ tự sau đó là phân bón, vật liệu xây dựng và hộ dân dụng. Riêng trong các hộ sản xuất điện thì cần ưu tiên cung cấp than cho các hộ ở xa trước như Vĩnh Tân 2 và Duyên Hải 1…
Đồng thời, đối với các kiến nghị của TKV, tinh thần và chủ trương của Bộ ủng hộ đề xuất hợp lý của tập đoàn, trong đó liên quan các cơ chế đặc thù khắc phục ngay những vấn đề xảy ra, cấp bách.
Tập đoàn cần tính toán những thiệt hại cụ thể và những kiến nghị về thuế và tài chính… để báo cáo đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ.
Với EVN, Bộ trưởng cũng đề nghị Tập đoàn Điện lực chỉ đạo tới điện lực Quảng Ninh nhanh chóng khắc phục hậu quả xảy ra với các trạm phân phối điện, để cung cấp đủ điện cho ngành than khắc phục hậu quả...
Theo báo cáo của TKV, tính đến ngày 3/8, đơn vị này đã bị thiệt hại khoảng 1.200 tỷ đồng do mưa lũ. Các mỏ khắc phục nhanh nhất phải 1 tuần mới có thể ổn định sản xuất. Riêng mỏ Mông Dương phải hết tháng 10 dự kiến mới có 1-2 lò chợ và 8 lò chợ khác phải hết năm mới có thể sản xuất.
Có tới 21 đơn vị vùng Hòn Gai, Cẩm Phả và Uông Bí phải ngừng sản xuất để ứng phó với mưa lũ và hiện còn khoảng 30.000 người chưa thể đi làm trở lại, nhiều đơn vị bị ảnh hưởng nặng nề có thể phải cho công nhân nghỉ dài ngày hơn như Mông Dương, Quang Hanh.../.