Liên hoan Văn hóa Các Dân tộc lần thứ 20 và trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Thanh Hóa năm 2024 chủ đề “Xuân về trên quê Thanh” diễn ra tối 8/3, tại Quảng trường Lam Sơn (thành phố Thanh Hóa).
Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị, văn hóa xã hội sâu sắc, góp phần hiện thực hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc và phát triển văn hóa trong giai đoạn hiện nay.
Liên hoan Văn hóa Các Dân tộc tỉnh Thanh Hóa lần thứ 20 quy tụ gần 1.000 nghệ nhân, diễn viên, nhạc công đến từ 26 huyện, thị, thành phố cũng như các câu lạc bộ hát văn, hát chầu văn của tỉnh.
Tham gia Liên hoan, nghệ nhân, diễn viên quần chúng của các đơn vị trình diễn văn hóa đặc trưng của dân tộc mình như, làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc, màn trình diễn nghệ thuật Xòe Thái, Khèn Mông, cồng chiêng, những sáng tác mới về ca-múa-nhạc mang âm hưởng dân gian, ca khúc ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, tình yêu thiên nhiên, trình diễn nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống, trò chơi, trò diễn dân gian và trình diễn trang phục truyền thống của các dân tộc tỉnh Thanh Hóa.
Các tiết mục biểu diễn tại Liên hoan thể hiện nét đặc trưng của từng dân tộc, từng địa phương ở xứ Thanh, nêu bật tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào đối với quê hương, xứ sở.
Tiêu biểu như múa đèn, tổ khúc dân ca Đông Anh (huyện Đông Sơn), hát chèo (huyện Hậu Lộc), múa hát Pồn Pông (huyện Ngọc Lặc), hát Khặp dân tộc Thái…mang đến cho công chúng cái nhìn đa chiều, đa diện về tiềm năng văn hóa, du lịch xứ Thanh.
Ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, khẳng định Liên hoan Văn hóa Các Dân tộc Thanh Hóa lần thứ 20 là hoạt động văn hóa có ý nghĩa. Qua đó góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, tôn vinh, phát huy những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc tỉnh Thanh Hóa.
Đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, đồng bào trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa của cộng đồng bảy dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh, góp phần “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc," "Xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước."
Được tổ chức hai năm một lần, Liên hoan văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa là dịp để các nghệ nhân, diễn viên quần chúng trong tỉnh gặp gỡ, giao lưu, đua tài, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong những ngày đầu Xuân./.
Độc đáo Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia Múa đèn chạy chữ ở Thanh Hóa
Nét độc đáo của điệu “Múa đèn chạy chữ” ở là sự kết hợp giữa hát chèo chải cổ cùng các động tác múa để tạo nên tổ khúc múa đèn, ca ngợi công ơn Đức Thánh Cả và Thành hoàng làng.