Tình trạng xáo trộn kinh tế-xã hội ở Anh: Đâu là nguyên nhân thực sự?

Có một điều khiến nhiều người phải đồng ý, kể cả những người bảo thủ ủng hộ Brexit, là sự thiếu chuẩn bị và thiếu khả năng ứng biến của chính phủ Anh trong sự xáo trộn kinh tế-xã hội ở nước này.
Tình trạng xáo trộn kinh tế-xã hội ở Anh: Đâu là nguyên nhân thực sự? ảnh 1Thủ tướng Anh Boris Johnson. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đề cập đến tình trạng rối loạn trong một số lĩnh vực hiện nay ở Anh, báo Le Figaro nhận định không phải tất cả các vấn đề đều xuất phát từ sự kiện Brexit, chỉ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), mặc dù tác động của việc này là không thể phủ nhận.

Thủ tướng Anh Boris Johnson là người luôn tỏ ra lạc quan và những vấn đề của Anh ở thời điểm hiện tại đã không làm thay đổi điều này. Tại Manchester đầu tháng 10, ông Johnson đã có một bài phát biểu trấn an tương lai hậu Brexit của đất nước. Sau khi Brexit diễn ra, khẩu hiệu lớn của ông Johnson hiện nay là "Tái thiết tốt đẹp hơn." Ông muốn đưa Vương quốc Anh trở thành quốc gia "có mức lương cao và năng suất cao, bằng cách chấm dứt tình trạng nhập cư không kiểm soát."

Tuy nhiên, hậu quả của việc rời khỏi EU bắt đầu đeo bám ông ngay khi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 giảm bớt. Tình trạng thiếu xăng dầu, trục trặc nguồn cung trong siêu thị hay nhà máy, vấn đề thiếu nhân lực… đang diễn biến phức tạp. Và các hộ gia đình bắt đầu lo lắng cho sức mua của họ trong tương lai. Trong khi đó, ông Johnson lại đổ lỗi tất cả do “hậu đại dịch” và "các điều chỉnh" đơn giản sau khi rời EU.

Thủ tướng Boris Johnson đảm bảo rằng Brexit sẽ mang lại lợi ích về lâu dài và những vấn đề hiện tại chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn. Ngược lại, những người chỉ trích ông chỉ muốn "đổ lỗi" cho Brexit.

Nếu nhìn vào nội bộ nước Anh, có thể thấy hai thách thức đó là đại dịch COVID-19 và Brexit đang chồng chất lên nhau, và việc đổ lỗi cho yếu tố này hay yếu tố kia dễ được coi là mang tính giảm nhẹ hoặc thiên vị chính trị.

Rất khó để tách biệt mọi thứ bởi nguyên nhân là không rõ ràng. Chẳng hạn, với tình trạng thiếu tài xế có ba vấn đề đan xen nhau, gồm hiện tượng tổng thể do đại dịch, hệ quả từ Brexit nhưng cũng không thể không nhắc đến vấn đề nội tại vì bản thân nước Anh đã thiếu tài xế từ trước khi COVID-19 xuất hiện. Đó là ba yếu tố, nhưng trong các tranh luận chính trị, phe nào cũng muốn chỉ ra một mà thôi.

[Kinh tế Anh đang dần phục hồi, nâng dự báo tăng trưởng năm 2021]

Trên toàn cầu, việc các nền kinh tế mở cửa trở lại đã tạo ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung và lao động trên diện rộng, cũng như lạm phát gia tăng. Tuy nhiên, Anh cũng bắt đầu hứng chịu những tác động đầu tiên của việc rời EU khi tư cách thành viên thị trường chung và liên minh thuế quan được thay thế bằng một hiệp định thương mại tự do tối thiểu. Các điều khoản thương mại và dịch chuyển lao động giữa hai khối cũng đã thay đổi. Hiện tại, Anh đang phải đối mặt với 6 vấn đề thường nhật, nhưng cũng không đơn giản để giải quyết.

Tình trạng thiếu xăng dầu

Trong nhiều ngày, người Anh không khỏi sững sờ khi chứng kiến cảnh hàng loạt ôtô xếp hàng chờ trước các cây xăng. Tình trạng "mua hoảng loạn" đã khiến cả hệ thống suy sụp. Cuối tháng Chín vừa qua, Hiệp hội các nhà bán lẻ xăng dầu ước tính có tới 2/3 số cửa hàng của hội viên trống rỗng, điều chưa từng xảy ra trong quá khứ.

Trong khi đó, do tiếp tục được tiếp cận thị trường chung, Bắc Ireland may mắn không chịu ảnh hưởng từ "cuộc khủng hoảng xăng dầu" này. Việc hợp tác chặt chẽ với Cộng hòa Ireland đã giúp hoạt động tái phân phối nhiên liệu diễn ra thuận lợi hơn.

Sự thiếu hụt ở Anh không phải do thiếu nhiên liệu tại các điểm trung chuyển và nhà máy lọc dầu trong nước, mà là do thiếu rất nhiều tài xế chở hàng. Chuỗi cung ứng đứt gãy đã làm ảnh hưởng đến các lĩnh vực kinh tế khác trong nước.

Thiếu tài xế xe tải

Số lượng tài xế xe tải đủ điều kiện làm việc đã giảm 15% trong 4 năm trước cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, do nguyên nhân rời đi hoặc nghỉ hưu. Sau đó, COVID-19 đã làm đóng băng các cuộc thi cấp bằng lái xe, với ít nhất 40.000 hồ sơ bị hủy bỏ. Đã có ít nhất 20.000 tài xế châu Âu rời khỏi Anh do đại dịch, cũng như các hạn chế của luật nhập cư mới.

Số lượng lái xe châu Âu được tuyển dụng tại “xứ sở sương mù” đã giảm 30%. Với sự bùng nổ của mua sắm trực tuyến trong thời kỳ đại dịch, nhiều tài xế xe tải hạng nặng đã chuyển sang làm việc trong lĩnh vực giao hàng.

Theo Hiệp hội Vận tải Đường bộ Anh (RHA), một nửa trong số 600.000 người có bằng xe tải hạng nặng đăng ký ở Anh đã thôi việc và tình trạng thiếu hụt tài xế trước mắt ước tính khoảng 100.000 người.

Mặc dù tình trạng thiếu hụt tài xế đã được ghi nhận trên toàn châu lục, song tỷ lệ thiếu hụt ở các nước khác nhỏ hơn ở Anh nhiều. Do không còn chế độ tự do đi lại và những phức tạp phát sinh ở biên giới, London rơi vào hoàn cảnh khó khăn hơn.

Trước mức độ nghiêm trọng của vấn đề, chính phủ đã quyết định phá bỏ “điều cấm kỵ” đối với những người ủng hộ Brexit và cấp 5.000 thị thực lao động cho các tài xế. Tuy nhiên, cử chỉ này không thực sự hấp dẫn vì thị thực chỉ có giá trị trong ba tháng, khiến việc hợp lý hóa cuộc sống gia đình của tài xế không được đảm bảo khi các ngày lễ cuối năm đang đến gần, hơn nữa trên khắp châu lục đang không thiếu việc làm. Cho đến nay, trong số khoảng 300 hồ sơ đăng ký ứng tuyển mà nhà chức trách Anh nhận được, chỉ có vỏn vẹn 20 hợp đồng được ký kết.

Thiếu hụt thực phẩm

Các kệ hàng trong hệ thống siêu thị Anh vẫn đầy đặn, không có tình trạng thiếu thực phẩm tổng thể hoặc các mặt hàng thiết yếu khác. Ngược lại, có những căng thẳng và thiếu hụt không thể phủ nhận đối với một số sản phẩm nhất định.

Theo một nghiên cứu gần đây của Cơ quan thống kê quốc gia Anh (ONS), 17% số người được hỏi thừa nhận rằng họ không thể mua một sản phẩm cụ thể và chỉ 57% trong số này nói họ tìm thấy thứ mình cần. Ngoài ra, giá thực phẩm đã tự động tăng lên do tác động tổng hợp của việc tăng giá nguyên liệu và chi phí vận chuyển hàng hóa, cũng như tình trạng thiếu lao động.

Vấn đề nhân công

Theo thống kê, hiện có hơn 1,1 triệu vị trí việc làm cần tuyển dụng ở Anh, một con số kỷ lục trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp, khoảng 4,5%. Các lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là xây dựng, công nghiệp, hậu cần, khách sạn và nhà hàng, cũng như lĩnh vực chế biến nông sản và y tế.

Bất chấp nhu cầu, nhiều khách sạn, nhà hàng đã buộc phải hoạt động giảm công suất. Số lượng lao động đến từ EU đã giảm khoảng 200.000 người vào năm 2020. Trong khi sự ra đi của họ chủ yếu là do COVID-19, việc họ không quay trở lại (hoặc không di chuyển) phần lớn là vì Brexit.

Nhiều người lao động dù đã đạt được quy chế cư trú (định cư hoặc tiền định cư) cũng miễn cưỡng quay trở lại. Có thể thấy, mặc dù vấn đề lực lượng lao động đều được thấy ở các nước khác tại châu Âu hoặc ở Mỹ song rõ ràng Brexit đang khiến tình hình tại Anh trở nên trầm trọng hơn.

Tác động đến tiền lương

Đối với Thủ tướng Boris Johnson, thiếu hụt lao động chỉ là một sự quá độ đối với lợi ích lâu dài mà Brexit tạo ra. Ông khẳng định một phương án nhập cư mới không phải là giải pháp bù đắp cho tình trạng thiếu hụt nhân sự, đồng thời nhắc lại rằng trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 và sau đó là cuộc bầu cử năm 2019, các cử tri đã bỏ phiếu phản đối điều này.

Jonathan Portes, một chuyên gia nghiên cứu thuộc King's College, nhận định: “Cho đến nay, diễn tiến tiền lương ở Anh và EU, cũng như Mỹ, dường như không có sự khác biệt lớn, với sự phục hồi sau đại dịch bị xói mòn bởi lạm phát gia tăng.

Do vậy, vẫn chưa thể xác định tác động rõ ràng của Brexit về tổng thể, mặc dù điều này có thể được quan sát trong một số lĩnh vực như vận tải đường bộ. Mặc dù vậy, có một điều chắc chắn là nền kinh tế sẽ không thể có mức lương cao và năng suất cao hơn chỉ sau một cái búng tay.”

Vấn đề ngoại thương

Anh và các nước châu Âu không thống nhất về các con số. Vào cuối mùa Hè, ONS ước tính xuất khẩu hàng hóa của Anh sang EU, không bao gồm kim loại quý, cao hơn mức trước Brexit trong tháng 5 và tháng 6. Trong khi đó, Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) khẳng định xuất khẩu của Anh sang EU về giá trị đã giảm 18,2% trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2020.

Khác biệt này được cho là do sự khác biệt trong tính toán. Chuyên gia Jonathan Portes nhận xét: “Nhìn chung, hoạt động thương mại của Anh là yếu, đặc biệt là do xuất khẩu ra bên ngoài giảm 10%. Điều này thật đáng lo ngại vì trước đó, Brexit được cho là yếu tố sẽ kích thích trao đổi thương mại với các khu vực bên ngoài châu Âu.”

Tuy nhiên, việc ước tính tỷ lệ trách nhiệm của Brexit ở giai đoạn này là rất phức tạp, với nhiều dữ liệu vẫn khó phân tích. Mặt khác, do hậu quả của Nghị định thư Bắc Ireland, dòng chảy thương mại giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland đã tăng vọt. Đây có thể là một trong những lý do khiến chính phủ lo lắng về chủ đề này, bởi nếu Bắc Ireland làm tốt hơn phần còn lại của đất nước, thì đây có thể là minh chứng cho sự sai lầm khi rời bỏ thị trường chung châu Âu .

Thực ra, đánh giá tác động tích cực và tiêu cực của Brexit ở thời điểm hiện tại là một thách thức. Rối loạn là điều không thể tránh khỏi trong ngắn hạn và COVID-19 đang làm mờ đi mọi thứ. Rất khó để phân biệt cái tạm thời với cái lâu dài.

Anand Menon, Giám đốc phụ trách trung tâm tư vấn UK in Changing Europe, nhận xét: “Rõ ràng, một số vấn đề hiện nay không phải do Brexit mà là do sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu hoặc sự suy giảm năng lực sản xuất của Trung Quốc.

Nhưng rõ ràng cũng có những vấn đề liên quan đến Brexit và chúng sẽ kéo dài, chẳng hạn như căng thẳng về lực lượng lao động hoặc khó khăn thương mại.” Đồng thời, vẫn chưa thể đánh giá chính xác tác động từ những khó khăn của việc đi lại (ví dụ vấn đề thị thực...) đối với lĩnh vực dịch vụ do đại dịch. Và vào giữa tháng 9, Anh đã quyết định một lần nữa hoãn áp dụng các biện pháp kiểm soát hải quan đối với hàng nhập khẩu từ EU, điều có thể tác động thêm đến dòng chảy hàng hóa.

Theo nhiều nhà quan sát, một đánh giá đáng tin cậy đầu tiên chỉ có thể được đưa ra sau 5 năm nữa. Và từ nay đến thời điểm đó, tại Anh sẽ tiếp tục diễn ra các cuộc tranh cãi gay gắt, đặc biệt là vào dịp bầu cử năm 2023. Tuy nhiên, có một điều khiến nhiều người phải đồng ý, kể cả những người bảo thủ ủng hộ Brexit, là sự thiếu chuẩn bị và thiếu khả năng ứng biến của chính phủ ông Boris Johnson./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục