Lao động vượt biên trái phép sang nước bạn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong quá trình làm thuê ở nước ngoài, nhiều trường hợp lao động đã bị quỵt tiền, bóc lột công sức, lao động.
Một số người do không giấy tờ và cư trú bất hợp pháp nên bị lực lượng chức năng nước bạn bắt, giam giữ, phạt tiền rồi trao trả qua các cửa khẩu, hoặc đơn phương đẩy về qua đường mòn biên giới.
Ngoài ra, trong quá trình làm thuê ở xứ người, có trường hợp lao động bị tai nạn, thương tật vĩnh viễn; có trường hợp đi mấy năm gia đình mất liên lạc, không thấy quay về...
Tuy nhiên, do cuộc sống mưu sinh, nhiều lao động vẫn bất chấp mọi nguy hiểm đi làm thuê, mong có ngày được “đổi đời.”
Theo chân cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Đàm Thủy (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng), chúng tôi đến thăm gia đình chị Nông Thị Đ (sinh năm 1990, xóm Bản Mom, xã Đàm Thủy) có chồng sang Trung Quốc làm thuê và bị chết vào đầu năm 2016.
Chị Đ nghẹn ngào chia sẻ: “Nhà có mẹ già, hai vợ chồng và 2 đứa con, gia đình là hộ nghèo của xóm. Trình độ văn hóa thấp không được đi làm công nhân nên vào những lúc nông nhàn, không có việc làm, chồng tôi sang đó chặt mía, bốc vác thuê. Sang được mấy tháng, chồng tôi bị tai nạn và chết bên đó. Gia đình đã phải mất rất nhiều thời gian, tiền bạc để lo thủ tục, giấy tờ sang mang tro cốt của anh ấy về.”
[Vượt biên đi lao động ''chui'' - Thực trạng và nguyên nhân]
Bà Nông Thị M. (mẹ chồng chị Đ) ngậm ngùi: “Giờ tôi già yếu, bệnh tật, hai đứa cháu, đứa học lớp 5, đứa học lớp 3, chưa phụ giúp được việc gì. Từ khi con trai bị tai nạn chết nơi xứ người, một mình con dâu phải gánh vác việc gia đình, đồng áng, lo miếng cơm manh áo cho cả nhà. Tôi vẫn biết vượt biên sang nước ngoài làm thuê là vi phạm pháp luật, gặp nhiều rủi ro, nhưng nếu không đi cũng không trang trải được cuộc sống.”
Xã Đàm Thủy còn có gia đình ông Lý Văn N. ở xóm Phjắc Cát đã mất đi người con trai do vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê (năm 2012). Sau khi con trai ông chết một thời gian, người con dâu của ông không chịu được cuộc sống khó khăn cũng trốn sang nước bạn làm thuê, đến nay vẫn chưa về, để lại hai đứa con nhỏ cho ông nuôi.
Ông Num nói: “Thiếu vắng sự chăm sóc của cha mẹ, các cháu tôi thiếu thốn đủ bề. Giá như con tôi không vượt biên trái phép đi làm thuê, các cháu tôi đã không phải bơ vơ như bây giờ.”
May mắn không mất mạng nơi đất khách, anh Lương Văn P, xã Minh Long (Hạ Lang) vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể về những ngày làm thuê ở nước bạn.
Anh P kể cuối năm 2018, nghe người họ hàng rủ sang nước bạn làm thuê có thể cho thu nhập 10-12 triệu đồng/tháng, anh đã bán đôi lợn, 3 tạ thóc lấy tiền để đi đường sang nước bạn làm thuê. Theo đó, anh P được những người mai mối đưa đến một lối mòn và chờ đến nửa đêm, anh cùng mọi người lẩn trốn qua đường bờ sông, rồi đi bộ, lội sông hơn 2 ngày nguy hiểm mới tới được tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).
Tại Quảng Đông, anh P và một số người lao động được thuê làm việc ở nông trường mía. Do không biết nói tiếng Trung, anh P chỉ nghe qua một người lao động biết chút ít tiếng Trung để thỏa thuận với ông chủ nông trường mía là một ngày công được trả 60 Nhân dân tệ (khoảng 180 nghìn đồng).
Tại đây, mọi người đều “nai lưng” ra làm việc từ sáng tới đêm khuya, ông chủ cho ăn cơm canh đạm bạc không đủ no.
Làm được đến tháng thứ 3, anh P và hơn 17 người Việt Nam làm thuê bị lực lượng chức năng nước bạn bắt. Sau khi khai thác các thông tin cá nhân, khám sức khỏe, một số người được giải đi, còn anh P và một số người khác bị nhốt gần 1 tháng. Trong thời gian bị giam giữ, một ngày, anh P chỉ được ăn một bữa cơm nên rất mệt mỏi, trong khi đó toàn bộ tiền công bị tịch thu.
Khi được trao trả qua Cửa khẩu Trà Lĩnh (huyện Trà Lĩnh), anh P phải nhờ các chiến sỹ Biên phòng gọi điện báo cho gia đình đến đón. Sang Trung Quốc làm thuê được hơn 4 tháng, khi trở về anh P bị sụt 12kg. Anh P nói: “Từ giờ, tôi ở nhà tập trung tăng gia sản xuất, không bao giờ còn nghĩ đến vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê nữa vì cực khổ trăm bề.”
Không chỉ bản thân người lao động vượt biên trái phép đi làm thuê chịu nhiều thiệt thòi, những người thân trong gia đình họ cũng chịu nhiều ảnh hưởng.
Phần lớn những người vượt biên trái phép đi làm thuê là lao động chính trong gia đình nên khi họ quyết định mưu sinh nơi xứ người. Ở quê nhà, con cái thiếu bàn tay chăm sóc của cha mẹ; cha mẹ già phải làm việc cật lực để chăm sóc các cháu.
Chị Hoàng Thị B, xã Ngọc Động (huyện Quảng Uyên) cho biết, từ sau Tết 2019 đến nay, chồng chị đã sang Trung Quốc làm thuê nên mọi việc ruộng nương, chăm sóc bố mẹ, con nhỏ đều một mình chị gánh vác.
Chị B chia sẻ: “Từ ngày chồng tôi đi làm thuê, thi thoảng gọi điện thoại về báo bình an và gửi tiền về. Công việc của chồng tôi thay đổi liên tục, tôi cũng rất lo lắng, nhưng cũng không biết làm gì hơn. Những mảnh ruộng, nương ở xa nhà, một mình tôi không thể làm xuể nên đành bỏ hoang.”
Có thể thấy, việc vượt biên sang Trung Quốc làm thuê tuy có thu nhập cao hơn trong nước, nhưng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro mà người lao động phải gánh chịu. Hành trình vượt biên đầy gian khổ và những ngày nhọc nhằn nơi đất khách, đã khiến cho ngày trở về của những lao động này vẫn hoàn tay trắng, thậm chí có người không bao giờ trở về quê hương, hoặc mất mạng nơi đất khách.
Đặc biệt, người lao động khi gặp rủi ro đều không được hưởng bất cứ một quyền lợi nào, phải sống chui lủi để trốn tránh sự truy bắt của lực lượng chức năng nước sở tại. Việc lao động vượt biên trái phép đi làm thuê không chỉ là gánh nặng cho bản thân, gia đình mà cho toàn xã hội./.