Tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất nông lâm trường vẫn 'nóng'

Hiện nay, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai có nguồn gốc từ đất nông, lâm trường vẫn còn xảy ra, trong đó có một số vụ việc phức tạp nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.
Tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất nông lâm trường vẫn 'nóng' ảnh 1Ảnh chỉ có tính chất minh hoa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Mặc dù, công tác quản lý đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên việc quản lý sử dụng vẫn chưa thực sự hiệu quả; tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai vẫn còn xảy ra, trong đó có một số vụ việc phức tạp, chưa được giải quyết dứt điểm.

Thông tin trên vừa được ông Lê Thanh Khuyến, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, đưa ra tại buổi Toạ đàm “Quản lý sử dụng đất tại các công ty nông, lâm nghiệp” do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 23/8, tại Hà Nội. Tham dự và chủ trì buổi tọa đàm có Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ.

Tranh chấp, lấn chiếm đất đai vẫn xảy ra

Ông Lê Thanh Khuyến cho biết: Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo của các địa phương, tổng số công ty nông, lâm nghiệp và chi nhánh sau rà soát là 246 đơn vị với diện tích đất giữ lại là 1.868.538 hécta tại 45 tỉnh, thành phố; diện tích các công ty nông, lâm nghiệp dự kiến bàn giao về địa phương để quản lý, sử dụng là 463.088 hécta.

Trong đó, tổng số diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp dự kiến giữ lại được chia theo các hình thức: Diện tích đất đang sử dụng theo hình thức giao đất (Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất) là 1.007.386 hécta; diện tích đang sử dụng theo hình thức thuê đất (Nhà nước cho thuê đất trả tiền hằng năm) là 706.575 hécta; diện tích đang sử dụng nhưng chưa lập hồ sơ giao đất, thuê đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất là 154.576 hécta.

Theo ông Khuyến, mặc dù công tác quản lý đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên đánh giá về tổng quan thì việc quản lý sử dụng chưa hiệu quả. Trên thực tế, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai có nguồn gốc từ nông lâm trường vẫn còn xảy ra, trong đó có một số vụ việc phức tạp (đặc biệt là giữa các công ty nông, lâm nghiệp với người dân) nhưng chưa được giải quyết dứt điểm làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội.

[Bộ TN&MT lên tiếng việc cấp hàng nghìn hécta đất để xây chùa]

Bên cạnh đó, việc giải quyết nhu cầu bố trí đất ở, đất canh tác cho người dân địa phương (chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, dân di cư tự do) cũng chưa có giải pháp một cách căn cơ, thấu đáo.

Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng khẳng định hệ thống các văn bản pháp luật về đất đai đã chỉnh sửa nhiều và cơ bản đã giải quyết được các vướng mắc; các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, công ty đã xây dựng phương án sử dụng đất. Đến nay chỉ còn 3 địa phương chưa trình được phương án tổng thể là Hà Nội, Thanh Hóa, Cà Mau do còn vướng mắc về vấn đề các công ty bàn giao đất cho địa phương; diện tích đất, tài sản trên đất nông lâm nghiệp các công ty bàn giao về địa phương còn ít.

Trong khi đó, những công ty nông, lâm nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sau khi sắp xếp phải chuyển sang thuê đất theo theo quy định của pháp luật đất đai, nhưng việc hoàn thiện lại hồ sơ, thủ tục thuê đất đòi hỏi nhiều thời gian; việc chậm phê duyệt phương án sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh; một số nơi chưa giải quyết dứt điểm tình trạng cho thuê, liên doanh, liên kết; sử dụng đất không đúng đối tượng, không đúng mục đích còn tiếp diễn.

Ngoài ra, vấn đề giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, dân cư mới đến các địa phương gắn với sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp hiệu quả thấp. Nguyên nhân là do hầu hết diện tích đất các công ty nông lâm nghiệp đã khoán ổn định lâu dài theo Nghị định 01/CP ngày 4/1/1995, Nghị định 135/2005/NĐ-CP ngày 8/11/2005 của Chính phủ và diện tích bàn giao về địa phương chưa được thực hiện rất lớn…

Tại buổi tọa đàm, đại diện các Ủy ban Nhân dân các tỉnh Hà Giang, Thanh Hóa, Đắk Nông, Cà Mau; các đơn vị Binh đoàn 15 Bộ Quốc phòng, Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Tập đoàn cao su Việt Nam, Tổng công ty Càphê cùng các chuyên gia cũng đánh giá về thực trạng công tác quản lý, sử dụng đất nông lâm nghiệp còn có những đơn vị để lại diện tích quản lý lớn nhưng chưa tương xứng với chức năng, hoạt động của công ty, dẫn đến hiệu quả sử dụng không cao…

Tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất nông lâm trường vẫn 'nóng' ảnh 2Ảnh minh hoa. (Nguồn: TTXVN)

Cần tiếp tục đổi mới căn bản về mô hình quản lý

Để giải quyết những tồn tại nêu trên, nhiều đại biểu đã có những kiến nghị, đề xuất Chính phủ những vấn đề liên quan đến việc sử dụng mô hình 2 thành viên để huy động nguồn lực để sử dụng đất hiệu quả; xây dựng phương án sử dụng đất; đo đạc quản lý sử dụng đất; xử lý dứt điểm đất đã giao khoán, liên doanh, cho thuê từ trước tới nay có tranh chấp.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng bày tỏ quan điểm kiên quyết xử lý minh bạch đối với cán bộ và người dân có vi phạm để giữ lại quỹ đất công; quản lý tốt diện tích đất hiện có; đổi mới quản lý doanh nghiệp, đẩy mạnh cổ phần hóa song song với có định hướng chiến lược trong quản lý đất rừng; rà soát, thu hồi đất sử dụng không đúng mục đích để giao lại cho các địa phương quản lý…

Phát biểu chỉ đạo tại buổi tọa đàm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các địa phương, đơn vị và các Bộ, ngành, chuyên gia.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện báo cáo sơ kết thực hiện Nghị quyết Nghị quyết số 30-NQ/TW.

Ngoài ra, các Bộ, ngành, địa phương cần rà soát lại đất do các công ty nông lâm trường giữ lại so với nhu cầu thực tế, năng lực quản lý so với thực trạng diện tích dự kiến để lại sử dụng; tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn thấp; việc giao đất cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp…

[Thanh tra việc sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường]

Các đơn vị cũng cần tiếp tục đổi mới căn bản về mô hình quản lý, quản trị công ty, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông lâm nghiệp; duy trì hình thành các vùng sản xuất tập trung, vùng nguyên liệu sản xuất sản phẩm theo nhu cầu thị trường; đất đai phải được đưa vào sử dụng hiệu quả, có giá trị gia tăng trên đất, có chủ là hộ gia đình, tổ chức hoặc cá nhân và được giao theo quy định.

Trường hợp đất lấn chiếm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu phải thu hồi theo quy định của pháp luật; nghiên cứu cơ chế tín dụng đầu tư về trồng rừng, trồng cây thay thế phù hợp, chính sách bảo vệ rừng trồng; rà soát lại đất đã giao nhưng không thu tiền sử dụng đất; rà soát lại thuế sử dụng đất nông nghiệp tại các công ty nông, lâm nghiệp; rà soát lại chính sách cổ phần hóa…

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo các công ty nông, lâm nghiệp trong quản lý và bảo vệ đất rừng; tiếp tục phê duyệt phương án sử dụng đất đối với các công ty còn lại; hoàn thành hồ sơ giao đất, thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; rà soát, hoàn thành căn bản cắm mốc ranh giới, cấp bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Các cơ quan cũng phải rà soát để xác định những diện tích đất rừng đã giao cho các công ty nhưng không có năng lực quản lý, sử dụng; quan tâm thu hút đầu tư đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ và bố trí đất cho đồng bào dân tộc thiểu số và di cư; xem xét cập nhật nội dung phương án, quỹ đất giao đồng bào dân tộc thiểu số.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục