Tình trạng sử dụng mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng còn phổ biến

Theo thống kê của WHO, hiện nay, tại Việt Nam, tổng số người đội mũ bảo hiểm đạt tỷ lệ cao nhưng số người cài dây mũ và đội mũ đạt chuẩn chỉ chiếm khoảng 70%.
Trẻ em đội mũ an toàn giao thông để bảo vệ tính mạng. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nay, tại Việt Nam, tổng số người đội mũ bảo hiểm đạt tỷ lệ cao nhưng số người cài dây mũ và đội mũ đạt chuẩn chỉ chiếm khoảng 70%.

Thông tin trên được tiến sỹ Kidong Park - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đưa ra tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi môtô, xe gắn máy tại Việt Nam, diễn ra sáng nay (15/12) tại Hà Nội.

"Đáng chú ý, năm 2013, theo khảo sát của WHO, chỉ có 30% tổng số mũ bảo hiểm trên thị trường đạt chuẩn. Tuy nhiên, ngay cả với các loại mũ đạt chuẩn, khi chúng tôi tiến hành kiểm tra thì chỉ có 40% đáp ứng tất cả các yêu cầu chung,” ông Kidong Park cho biết thêm.

[Đội mũ bảo hiểm rởm giống như dùng thuốc và thực phẩm giả]

Có cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng cho rằng, vấn đề sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ kém chất lượng, mũ giả, mũ nhái kiểu dáng mũ bảo hiểm vẫn còn rất phổ biến.

Cụ thể, có 20% tổng số người tham gia giao thông đội mũ giả mũ bảo hiểm (mũ lưỡi trai nhựa); trong đó, phần lớn tập trung ở Hà Nội (chiếm khoảng 40%). Số cơ sở sản xuất có khả năng chủ động chủ động sản xuất từ khâu đầu đến khâu cuối còn hạn chế (trên toàn quốc chỉ có khoảng 20/80 cơ sở).

“Hiện nay, việc kinh doanh mũ bảo hiểm chủ yếu là các cơ sở, cá nhân nhỏ lẻ, bày bán trên lòng đường, vỉa hè, không có địa chỉ kinh doanh cố định, bán lẫn với các loại hàng hóa khác (trong đó, có những kiểu loại mũ gần giống như mũ bảo hiểm, gọi là mũ giả mũ bảo hiểm). Bởi vậy, việc kiểm tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn,” ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết.

Thực tế này tiếp tục đặt ra những yêu cầu cấp bách trong việc chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm; hoàn thiện khung pháp lý và các quy định kỹ thuật về mũ bảo hiểm để tăng cường quản lý chất lượng mũ bảo hiểm trong thời gian tới; quyết liệt xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (đặc biệt là tình trạng đội mũ giả mũ bảo hiểm); đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về việc đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, sau 10 năm thực hiện, quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đã đạt được những con số ấn tượng. Ý thức người dân được nâng lên trong vấn đề chấp hành luật giao thông.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm ở vùng nông thôn chỉ đạt 50% là quá thấp so với hơn 90% ở vùng đô thị. Bên cạnh đó, tình trạng người mua mũ bảo hiểm rởm (chỉ để đối phó với cảnh sát giao thông) còn phổ biến, thể hiện sự không coi trọng tính mạng của bản thân.

Đặc biệt, theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, việc các cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng được xem là một tội ác. “Quản lý thị trường biết, cảnh sát giao thông biết và đã tổ chức nhiều đợt thanh tra nhưng tại sao vẫn chưa xử lý triệt để mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng? Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng cần phải lên kế hoạch xử lý tận gốc vấn đề này,” ông Thể nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục