Ngày 1/10, tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ 2 theo hình thức trực tuyến, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã thẩm tra tình hình quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2020.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến ngày 31/12/2020, số người tham gia bảo hiểm y tế là 87,96 triệu người, đạt 100,2% kế hoạch. Trong đó, ngân sách Nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng Bảo hiểm y tế trên 51 triệu người, chiếm 58% số đối tượng. Tổng số chi ngân sách Nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng năm 2020 là 43.638,5 tỷ đồng, bằng 41% tổng số thu tiền đóng Bảo hiểm y tế.
Về tình hình khám bệnh, chữa bệnh Bảo hiểm y tế năm 2020, có 2.612 cơ sở khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế, tăng 166 cơ sở (6,8%) so với năm 2019. Đối với việc khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế theo loại hình nội trú, ngoại trú, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, toàn quốc có hơn 167 triệu lượt khám chữa bệnh, giảm hơn 10% so với năm 2019.
Bên cạnh đó, tại một số địa phương bị phong tỏa hoặc có cơ sở khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế bị phong tỏa do có ca nhiễm COVID-19 đã dẫn đến thời gian điều trị nội trú buộc phải kéo dài ngày khiến tỷ lệ chi phí giường bệnh nội trú tăng hơn so với năm 2019, chiếm gần 25% tổng chi khám chữa bệnh nội trú, gần bằng tỷ lệ chi phí thuốc, hóa chất, dịch truyền, máu và chế phẩm máu của người bệnh điều trị nội trú.
[Sáu chính sách mới về bảo hiểm y tế có hiệu lực từ ngày 1/7]
Đánh giá nội dung thẩm tra tại Phiên họp, Thường trực Ủy ban Xã hội cho biết các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, điều hành theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế đã được ban hành cơ bản đầy đủ, kịp thời, đáp ứng được yêu cầu trong công tác quản lý, điều hành, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, điều kiện hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và sử dụng hợp lý, hiệu quả Quỹ Bảo hiểm y tế.
Trong năm 2020, các văn bản ban hành tập trung khắc phục những vướng mắc trong thanh toán, mua sắm, đấu thầu thuốc, hóa dược; giá dịch vụ kỹ thuật y tế; đồng thời ban hành văn bản tăng cường trong công tác phối hợp giữa Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Tuy nhiên, qua giám sát, Thường trực Ủy ban nhận thấy hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về Bảo hiểm y tế vẫn còn một số tồn tại từ nhiều năm trước, như còn tình trạng văn bản hướng dẫn thực hiện chưa thống nhất với luật; chưa ban hành đầy đủ quy định về chuyên môn kỹ thuật, hướng dẫn điều trị và gói dịch vụ y tế cơ bản do Bảo hiểm y tế chi trả một cách toàn diện theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế để đảm bảo việc chỉ định điều trị hợp lý, hiệu quả, ngăn ngừa trục lợi quỹ Bảo hiểm y tế...
Ủy ban Xã hội cũng đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành về Bảo hiểm y tế. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội giao tại Nghị quyết 68/2013/QH13 đều đã và đang được Chính phủ tích cực đưa ra những giải pháp để thực hiện, nhiều hợp phần chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đạt và vượt mức kế hoạch đề ra.
Có 7 chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đạt được nhưng vẫn còn 3 chỉ tiêu, mục tiêu chưa hoàn thành hoặc mới chỉ hoàn thành được một phần theo Nghị quyết 68/2013/QH13, trong đó có việc quy định gói dịch vụ y tế cơ bản do bảo hiểm y tế chi trả phù hợp với mức đóng và điều kiện kinh tế-xã hội mới chỉ thực hiện được một phần mục tiêu mà Nghị quyết đề ra.
Thảo luận tại Phiên họp, thành viên Ủy ban và các đại biểu tham dự chỉ ra rằng mặc dù tỷ lệ tham gia Bảo hiểm y tế tăng nhưng chưa bền vững, số đối tượng ở nhóm người lao động và người sử dụng lao động đóng giảm do tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế cũng như từ dịch COVID-19; các nhóm đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế chưa đồng đều, nhóm đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ mức đóng vẫn chiếm tỷ lệ cao.
Một số đại biểu nêu rõ, tỷ lệ trạm y tế xã có bác sỹ định biên ở một số địa phương chưa cao, nguồn nhân lực chưa được phân bổ đồng đều giữa các tuyến, chất lượng khám chữa bệnh chưa đảm bảo nhu cầu của người dân, tỷ lệ lượt khám chữa bệnh tại tuyến xã vẫn chiếm tỷ lệ thấp (17%). Nếu chất lượng khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế tuyến cơ sở không được cải thiện sẽ tạo sự chênh lệch lớn về tỷ lệ khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế giữa các tuyến, đặc biệt là đối với các tỉnh miền núi khi chính sách thông tuyến tỉnh trong điều trị nội trú Bảo hiểm y tế có hiệu lực.
Về việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2020, các đại biểu chỉ ra rằng, tình trạng trốn đóng, nợ đóng Bảo hiểm y tế vẫn còn diễn ra phổ biến ở các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ do nhiều nguyên nhân.
Ngoài ra, một số ý kiến đại biểu nhấn mạnh, tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế từ phía cơ sở khám chữa bệnh và người bệnh vẫn chưa giải quyết triệt để, đặc biệt là trong bối cảnh các bệnh viện chịu áp lực lo “cơm áo gạo tiền” cho cán bộ, công nhân viên khi phải thực hiện cơ chế tự chủ; giá giường bệnh tăng cao dẫn đến tỷ lệ chỉ định bệnh nhân vào điều trị nội trú gia tăng, khó kiểm soát.
Phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo phí dịch vụ được áp dụng trong những năm qua tiếp tục bộc lộ những bất cập; các hướng dẫn về xã hội hóa, hợp tác công tư chưa đầy đủ, thiếu chế tài giám sát dẫn đến tình trạng khó quản lý chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế từ hình thức này.
Đánh giá cao những góp ý thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các thành viên Ủy ban, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban cơ bản đồng tình với báo cáo thẩm tra về việc thực hiện Nghị quyết 68/2013/QH13; việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020.
Trên cơ sở các ý kiến thảo luận của đại biểu và giải trình từ phía bộ, ngành, Ủy ban sẽ hoàn thiện báo cáo thẩm tra để báo cáo Ủy ban Thường vụ vào Phiên họp tháng 10; trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 sắp tới.
Cũng trong Phiên họp, Ủy ban Xã hội đã thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về hoạt động và quản lý, sử dụng Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá trong hai năm 2019-2020./.