Tình trạng học sinh, sinh viên phạm pháp tiếp tục gia tăng cả về tính chất, mức độ nghiêm trọng của các vụ việc.
Đó là nhận định được nêu ra trong Báo cáo Tổng kết 5 năm thực hiện Thông tư Liên tịch số 34/2009/TTLT/BGDĐT-BCA của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Công an hướng dẫn công tác phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Bản Báo cáo do hai Bộ Giáo dục và Bộ Công an công bố tại Hội thảo Công tác bảo đảm an ninh, trật tự trường học và công tác học sinh, sinh viên năm học 2014-2015. Hội thảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng nay, ngày 5/8, tại Hà Nội.
Báo cáo cũng đưa ra con số thống kê (chưa đầy đủ) thì từ năm 2009 đến nay, học sinh, sinh viên liên quan đến trên 8.000 vụ việc pháp luật hình sự, trong đó các hành vi gây rối trật tự công cộng có 935 vụ, tội phạm ma túy có 357 vụ, giết người có 37 vụ, trên 6.000 vụ trộm, cướp tài sản…
Bạo lực học đường tuy đã được kiềm chế nhưng vẫn xảy ra tại nhiều địa phương. Tình trạng học sinh, sinh viên bỏ học, bỏ nhà sống lang thang, tụ tập thành băng nhóm gây rối trật tự công cộng, phạm pháp diễn biến phức tạp. Theo báo cáo sơ bộ của công an 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, từ năm 2010 đến nay, có trên 7.700 học sinh, sinh viên tham gia đánh nhau, bị xử lý kỷ luật.
Trước thực trạng trên, tại Hội thảo, Bộ Giáo dục Đào tạo và Bộ Công an đã chỉ ra những nguyên nhân cũng như đưa ra các giải pháp để khắc phục trong thời gian tới.
Cụ thể, các giải pháp được đưa ra gồm tăng cường sự phối hợp giữa ngành giáo dục và công an, chính quyền địa phương, gia đình học sinh; phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể của nhà trường và địa phương…
Phía công an sẽ thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình để phát hiện, đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội xâm nhập vào trường học; tham mưu với các cơ quan quản lý giáo dục và chính quyền địa phương về quản lý người học, nhà trọ…
Ngoài ra, hai bên cũng nhấn mạnh việc tăng cường hơn nữa công tác phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn trong các kỳ thi./.