Những ngày này, dạo quanh một vòng tại các địa điểm tâm linh trên địa bàn thành phố Hà Nội, tình trạng đổi tiền lẻ vẫn diễn ra khá phổ biến.
Nghị định 96/2014/NĐ-CP Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng có ghi rõ “Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật.”
Tại Phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ), du khách thập phương tấp nập đến lễ bái nhiều hơn thường nhật. Theo quan sát của phóng viên, ngay cổng vào phủ, trong khoảng vài chục mét đã có đến 5 điểm đổi tiền lẻ công khai.
Những xấp tiền lẻ 500 đồng, 1.000 đồng mới tinh được chia thành từng thếp nhỏ xếp thành chồng gọn ghẽ trong hộp kính.
Tại một điểm đổi tiền lẻ trước cổng Phủ Tây Hồ, trong vai người đi lễ, phóng viên ngỏ ý muốn đổi 50.000 đồng thành tiền lẻ, chủ cửa hàng lần lượt chỉ vào tập tiền 1.000 đồng và 500 đồng rồi nói: “Đây là 10 ăn 8, bên này 10 ăn 7.”
Khi được hỏi có tiền mệnh giá 5.000 đồng hay không, chủ cửa hàng bĩu môi: “Ôi giời, có 50.000 đồng thì cháu hỏi làm gì. Không bõ đổi. Cháu đổi 500.000 đồng thì được khoảng 400.000 đồng loại tờ 5.000 đồng.”
Chùa Hà (quận Cầu Giấy) nổi danh là nơi cầu duyên linh nghiệm, nên ngay từ đầu năm có rất nhiều bạn trẻ từ khắp nơi đổ về.
Nắm bắt được nhu cầu, các các chủ cửa hàng bán đồ lễ trước cổng chùa Hà cũng công khai làm dịch vụ đổi tiền lẻ. Các xấp tiền 500 đồng, 1.000 đồng được bó lại bằng dây chun và đặt cạnh hàng hóa của cửa hàng.
Khách đổi tiền sẽ phải chấp nhận tỷ lệ “10 ăn 8” tiền mệnh giá 1.000 đồng và “10 ăn 7” tiền mệnh giá 500 đồng.
Bà Nguyễn Thị Bẩy (Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, tuy nhà chùa đã đặt hòm công đức ở cạnh mỗi bệ thờ nhưng có nhiều du khách lại “tiện tay” công đức ở những nơi khác.
Trên bục đặt đồ lễ, các tờ tiền 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng rải rác khắp nơi. Có người kỳ công hơn, tìm cách nhét tiền lẻ vào bên trong mặt kính bảo hộ tượng thờ.
Tại hai điện thờ nhỏ trong sân, nhiều du khách không cho tiền vào hòm công đức trước điện mà đặt trên mặt đá của điện thờ. Thực trạng này gây mất mỹ quan, rất cần được các cấp ngành xử lý dứt điểm, để các khu tâm linh được chay tịnh, sạch đẹp như vốn có.
Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng cho rằng, thực trạng tiền lẻ đổi tràn lan dẫn tới việc tiền lẻ xuất hiện khắp nơi trong khuôn viên thờ cúng tâm linh, thậm chí ngay trên bục đặt đồ lễ gây phản cảm cho chốn linh thiêng thờ tự.
Muốn chấm dứt tình trạng đổi tiền lẻ trái luật, cần phải tăng cường tuyên truyền cho du khách không đổi tiền lẻ tại các điểm đổi tiền trái phép để tránh gây lãng phí; đồng thời cho tiền vào hòm công đức để giữ gìn cảnh quan cho nhà chùa.
Bên cạnh đó, cần phải chấm dứt tình trạng mở điểm đổi tiền lẻ trái phép bằng cách các cơ quan, ban, ngành tích cực kiểm tra và có hình phạt thích đáng với những người cố tình làm trái luật.
Hiện lực lượng liên ngành bao gồm Công an, Quản lý thị trường, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Hà Nội đang tích cực thanh kiểm tra các đơn vị kinh doanh hoạt động đổi tiền trên địa bàn, nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các điểm đổi tiền lẻ trái luật, để bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại các di tích, nơi tổ chức các lễ hội, tín ngưỡng trên địa bàn Thủ đô./.