Tình trạng di cư tự do ở Tây Bắc và Tây Nguyên chuyển biến tích cực

Tình trạng dân di cư tự do đã có chuyển biến tích cực với số lượng giảm dần qua các năm, tuy nhiên về lâu dài để ổn định đời sống người dân vẫn cần nhiều giải pháp đồng bộ.
Tình trạng di cư tự do ở Tây Bắc và Tây Nguyên chuyển biến tích cực ảnh 1Huyện Mường Nhé (Điện Biên) cấp đất ở và đất sản xuất cho đồng bào dân tộc.(Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Tình trạng dân di cư tự do ở Tây Bắc và Tây Nguyên hiện đã có sự chuyển biến tích cực với số lượng giảm dần qua các năm. Một số hộ đã tái cư đã dần có cuộc sống ổn định và có khoảng 80% người di cư tự do được chính quyền tại nơi định cư quan tâm, chăm lo.

Đó là đánh giá của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị về dân di cư tự do, bố trí dân cư tự do ở vùng Tây Bắc và Tây Nguyên, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ban chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức sáng nay (13/8), tại Hà Nội.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, trong khoảng 10 năm trở lại đây bình quân mỗi năm có trên dưới 2.000 hộ di cư tự do ở khu vực Tây Nguyên.

Thời điểm có số dân di cư tự do cao nhất năm 2008 là 4.247 hộ với 18.490 khẩu; đến năm 2013, số dân di cư tự do đã giảm mạnh, ở mức 695 hộ với khoảng 2.408 khẩu và quý 1 năm 2014 có khoảng 48 hộ với 211 khẩu di cư tự do vào khu vực này.

Như vậy, số dân di cư tự do vào khu vực Tây Nguyên tính đến hết năm 2013 đã giảm tới hơn 83%.

Mặc dù đạt được kết quả trên nhưng theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn Cao Đức Phát, diễn biến của dân di cư tự do vẫn còn phức tạp và khó kiểm soát nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng miền núi Tây Bắc và Tây Nguyên. Thực trạng này gây nhiều khó khăn về công tác quản lý dân cư và đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Điểm đáng quan tâm là đa số người dân di cư tự do từ Tây Bắc vào khu vực Tây Nguyên chưa được bố trí ổn định cuộc sống và ở trong tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, một số hộ dân phải đi làm thuê, tỷ lệ đói nghèo cao… (trừ một số hộ dân mua được đất ở, đất sản xuất và đất được cấp hộ tịch, hộ khẩu nên đời sống tương đối ổn định).

Bên cạnh đó, những điều kiện phục vụ cho cuộc sống như cơ sở hạ tầng, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, văn hóa… rất hạn chế, tình trạng chiếm rừng, phá rừng, mua bán đất trái phép và tranh chấp đất đai diễn ra khá phổ biến. Công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu, an ninh trật tự xã hội gặp nhiều khó khăn.

Tình trạng di cư tự do ở Tây Bắc và Tây Nguyên chuyển biến tích cực ảnh 2Hội nghị về dân di cư tự do, bố trí dân cư ở vùng Tây Bắc và Tây Nguyên. (Ảnh: Thanh Tâm/vietnam+)

Từ thực tế trên, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiến nghị Chính Phủ cần bố trí đủ vốn để thực hiện dứt điểm các dự án cấp bách ổn định đời sống dân cư cả nơi đến và nơi đi cho khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên. Trong đó, Chính phủ cần đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng thực hiện trong giai đoạn 2-3 năm cho việc phát triển kinh tế xã hội các vùng khó khăn thuộc địa phương có dân di cư theo các chương trình, dự án hiện hành để cải thiện và nâng cao đời sống vật chất cho người dân, hạn chế tình trạng di cư tự do.

Nhấn mạnh tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp chính quyền cần chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành đối với tình trạng di dân tự do.

Theo đó, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động; rà soát, bổ sung, điều chỉnh cơ chế chính sách, nâng cao năng lực hệ thống chính trị gắn với việc thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới…

Trước mắt, các địa phương cần tập trung giải quyết ngay tình trạng bức xúc, cấp bách về đời sống của nhân dân chưa được bố trí ổn định ở Tây Nguyên, kết hợp với việc thực hiện bố trí dân cư nhằm ổn định và nâng cao đời sống cho nhân dân ở khu vực Tây Bắc, đặc biệt là khu vực biên giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục