Tình trạng bất bình đẳng tiếp cận vaccine COVID-19 có được giải quyết?

Tính đến ngày 7/12, cơ chế COVAX mới chỉ phân phối được 628 triệu liều cho 144 quốc gia, khác xa so với mục tiêu được đặt ra ban đầu là 2 tỷ liều vào cuối năm nay.
Tình trạng bất bình đẳng tiếp cận vaccine COVID-19 có được giải quyết? ảnh 1Người dân chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Tunis (Tunisia). (Ảnh: THX/TTXVN)

Tổng kết một năm thúc đẩy triển khai chương trình tiêm vaccine trên toàn cầu để phòng chống COVID-19, nhật báo Libération của Pháp số ra ngày 8/12 bình luận: "Một năm sau khi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng toàn cầu và bất chấp những hứa hẹn tuyệt vời của các nước giàu, những nước nghèo nhất vẫn đang dài cổ ngóng đợi những liều vaccine dành cho họ, trong khi chính họ mới là những người đầu tiên dễ bị tổn thương trước sự xuất hiện của các biến thể mới."

Theo báo này, cách đây tròn một năm, vào ngày 8/12/2020, cụ bà Margaret Keenan (90 tuổi người Anh) đã trở thành người đầu tiên trên thế giới được tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech.

Những hình ảnh liên quan đến sự kiện này đã được truyền đi khắp thế giới, khiến mọi người cảm thấy ấm lòng và tràn đầy hy vọng, đồng thời đánh dấu sự sự khởi đầu của một chiến dịch tiêm chủng toàn cầu chưa từng có để đối phó với đại dịch lịch sử này.

Là những nước được cung cấp vaccine đầu tiên, các quốc gia giàu đã có hứa sẽ chia sẻ nguồn vaccine sớm nhất có thể. Nhưng rồi khi thời gian trôi đi, các cam kết co hẹp dần và tạo ra một sự phân cách lớn trong việc phân phối và thụ hưởng vaccine.

Theo Liên hợp quốc, cho đến nay, 65% người dân ở hầu hết các nước phát triển đã được tiêm ít nhất một mũi, so với 8% ở những nước nghèo nhất. Khoảng cách được thấy rõ ràng hơn qua các tin tức y tế. Trong khi các chiến dịch tiêm nhắc lại được phát động ở các nước phát triển, biến thể Omicron đang đe dọa những khu vực được tiêm chủng ít nhất.

"Cần sự đầu tư lớn"

Cuộc khảo sát về tỷ lệ tiêm chủng do trang web Our World in Data của Đại học Oxford thực hiện đã vẽ ra một bức tranh đối lập rõ nét. Ở Liên minh châu Âu (EU), cũng như ở Mỹ, 7/10 người đã được tiêm ít nhất một liều vaccine.

Ở Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), tỷ lệ này là 98%, Canada và Nhật Bản khoảng 80%. Ở Nam Mỹ, Chile cũng ghi nhận tỷ lệ 88%, trong khi ở Bolivia chỉ có 44%. Tỷ lệ này ở Indonesia là 52% và Philippines là 36%.

Tệ nhất là châu Phi, với mức trung bình chỉ dao động quanh 12%, trong đó các quốc gia có mức sống thấp nhất như Burundi chỉ đạt 0,02%. Tính đến ngày 6/12, có tổng cộng 21 triệu người sống ở các nước thu nhập thấp đã được tiêm chủng đầy đủ, trong khi 20 triệu người ở Anh đã được tiêm liều nhắc lại.

[Đoàn kết quốc tế để đảm bảo tiếp cận vaccine COVID-19 công bằng]

Việc tiêm vaccine với hai tốc độ khác nhau tiềm ẩn những nguy cơ mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã liên tục chỉ ra trong nhiều tháng qua. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus một lần nữa nhắc lại hôm 30/11: "Chúng ta càng để cho đại dịch kéo dài - bằng cách không giải quyết sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận vaccine hoặc không thực hiện các biện pháp xã hội và sức khỏe cộng đồng một cách phù hợp và chặt chẽ - chúng ta càng tạo cơ hội cho loại virus này có khả năng thay đổi theo cách mà chúng ta không thể lường trước và cũng không thể ngăn chặn.”

Trong trường hợp cụ thể là sự xuất hiện của biến thể Omicron (được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi, nơi chỉ có 25% dân số được tiêm chủng đầy đủ), các nhà nghiên cứu vẫn muốn dành thời gian để phân tích tình hình.

Florence Débarre - chuyên gia nghiên cứu trong ngành sinh học tiến hóa, phân tích, thuộc Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS) - nói: “Chúng ta không biết làm thế nào Omicron có thể phát sinh. Liệu đó có trực tiếp là do tỷ lệ bao phủ tiêm chủng không đủ, hay nó sinh ra thông qua một người bị suy giảm miễn dịch.

Vì vậy với kiến thức hiểu biết hiện tại, nói một cách chính xác, chúng ta không thể sử dụng ví dụ về Omicron để nói về hậu quả của sự bất bình đẳng trong tiêm vaccine. Nhưng điều đó không làm thay đổi vấn đề phân cách giữa các quốc gia. Việc phân phối vaccine không công bằng gây ra các trường hợp phải nhập viện hoặc tử vong, điều đó đủ để chúng ta phải lên tiếng. Chúng ta cũng biết rằng càng có nhiều người nhiễm bệnh, càng có nhiều cơ hội để tạo ra các biến thể và do đó đại dịch sẽ tiếp tục."

Nhà dịch tễ học Arnaud Fontanet, thành viên của Hội đồng khoa học Pháp, chia sẻ ý kiến tại một cuộc họp báo ngày 29/11: "Hành tinh sẽ chỉ an toàn khi tất cả các quốc gia đều an toàn, nghĩa là khi chúng ta đã đạt được tấm chắn miễn dịch trên toàn hành tinh và điều đó có nghĩa là cơ bản sẽ hạn chế được sự lây lan. Nếu có thể rút ra bất kỳ bài học nào từ sự xuất hiện của biến thể Omicron thì nó cần phải được xem xét cực kỳ nghiêm túc nếu chúng ta muốn thoát khỏi cuộc khủng hoảng này. Đó không phải là điều có thể đạt được chỉ với một cái búng tay. Đó là một khoản đầu tư lớn."

COVAX lên tiếng

Một số yếu tố có thể giải thích cho sự bất bình đẳng này. Các nước giàu nhất rất nhanh chóng thâu tóm lượng vaccine, gây bất lợi cho những nước nghèo nhất. Đôi khi họ nắm giữ lượng vaccine đủ để tiêm cho số lượng gấp 4 lần dân số của họ. Một năm sau, liệu đại đa số các quốc gia có bắt đầu làm điều tương tự như vậy không?

Theo một báo cáo định kỳ 6 tháng của Cơ chế COVAX, được sáng lập vào tháng 4/2020 để đảm bảo việc tiêm chủng cho hầu hết các quốc gia kém phát triển hơn, tính đến ngày 7/12, cơ chế do Liên minh vaccine (GAVI) và WHO thành lập này mới chỉ phân phối được 628 triệu liều cho 144 quốc gia, khác xa so với mục tiêu được đặt ra ban đầu là 2 tỷ liều vào cuối năm nay.

Bởi vì thay cho việc cùng đoàn kết quốc tế, các nước giàu đã ưu tiên đàm phán trực tiếp với các phòng thí nghiệm, bất chấp những lời kêu gọi liên tục từ các tổ chức quốc tế về việc tiếp cận công bằng với vaccine.

Ngay từ khi khởi động các chiến dịch tiêm vaccine, người đứng đầu WHO đã chỉ trích các nhà sản xuất tìm kiếm sự chấp thuận của cơ quan quản lý ở các quốc gia giàu có, nơi lợi nhuận là cao nhất, thay vì gửi số liệu của họ cho cơ quan Liên hợp quốc.

WHO, cùng với nhiều quốc gia và các tổ chức phi chính phủ, đã kêu gọi trong vài tháng về việc tạm thời dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19 để giảm bớt sự bất bình đẳng.

Ý tưởng này đã bị các "đại gia" dược phẩm phản đối dữ dội, bắt đầu là Pfizer, BioNTech và Moderna - các công ty theo đánh giá của tổ chức phi chính phủ Oxfam là họ kiếm được 1.000 USD lợi nhuận mỗi giây.

Vaccine hết hạn

Làn sóng chết chóc quét qua Ấn Độ vào mùa Xuân vừa qua cũng chẳng thể khiến mọi người tỉnh ngộ. Trong khi lẽ ra phải là đầu tàu của COVAX, Viện Huyết thanh của Ấn Độ - nhà sản xuất vaccine ngừa COVID-19 lớn nhất thế giới - đã thông báo rằng họ đang tạm dừng tất cả các hoạt động xuất khẩu để đối phó với làn sóng dịch bệnh trong nước.

Điều này đã làm chậm lại đáng kể các nỗ lực tiêm chủng trên toàn thế giới. Một số tổ chức lấy làm tiếc trong một tuyên bố chung gần đây rằng nếu các khoản quyên tặng hiện nay ngày càng nhiều, kể cả thông qua các hiệp định song phương, "chất lượng của chúng phải được cải thiện."

Tuyên bố này có đoạn: "Phần lớn các khoản quyên tặng cho đến nay thường diễn ra cùng một lúc, ít khi báo trước và thời hạn sử dụng ngắn."

Vào tháng 5 vừa qua, Malawi đã đốt ít nhất 17.000 liều vaccine AstraZeneca do có các thông tin "tuyên truyền" chống lại công ty dược phẩm Thụy Điển-Anh này.

Sau khi một số trường hợp bị đông máu sau khi tiêm sản phẩm này được báo cáo ở châu Âu, một số quốc gia đã bị cáo buộc muốn loại bỏ hàng tồn kho bằng cách gửi chúng đến châu Phi.

Tháng trước, Namibia cũng thông báo 270.000 liều vaccine ngừa COVID-19 sắp hết hạn sử dụng do chiến dịch tiêm chủng diễn ra chậm chạp và sự miễn cưỡng của người dân. Trong suốt một năm, những tin đồn điên rồ nhất lan tràn trên mạng xã hội ở nhiều nước châu Phi đã hủy hoại chiến dịch tiêm chủng.

Một vấn đề khác vẫn còn tồn tại, đó là nhiều nước chậm phát triển không có cơ sở hạ tầng y tế cần thiết để quản lý vaccine, đặc biệt là bảo quản và vận chuyển.

Tuy nhiên, trên Twitter, giám đốc điều hành GAVI Seth Berkley cho biết hiện nay "các quốc gia đang bắt đầu lên kế hoạch triển khai với sự tự tin hơn."

Theo ông, tiếp nhận vaccine ở các nước là phần dễ nhất, song việc đưa chúng đến các địa phương mới là khó và cần sự hợp tác tích cực của tất cả các bên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục