Tính toán lại vị trí lập chốt trạm khi thực hiện giãn cách tại Gò Vấp

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho rằng vấn đề lớn nhất hiện nay của quận Gò Vấp là lưu thông và quản lý người ra vào địa bàn.
Lực lượng chức năng hướng dẫn người dân khai báo y tế tại chốt kiểm soát giao lộ Phan Văn Trị-Phạm Văn Đồng. (Nguồn: TTXVN phát)

Chiều 1/6, tại buổi kiểm tra công tác thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại quận Gò Vấp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho rằng vấn đề lớn nhất hiện nay của quận Gò Vấp là lưu thông và quản lý người ra vào địa bàn.

Theo ông Dương Anh Đức, trong 2 ngày qua (31/5 và 1/6), giao thông ở cửa ngõ quận Gò Vấp ùn tắc, cuối cùng phải xả chốt trạm. Việc lập chốt trạm kiểm soát y tế là cần thiết nhưng cần có sự phối hợp với các địa phương lân cận để giảm tải cho các chốt cũng như có phương án thực hiện đạt hiệu quả cao nhất.

Trên cơ sở đó, quận Gò Vấp sẽ họp với các quận giáp ranh để cân nhắc lại vị trí đặt chốt trạm theo hướng chốt lớn-chốt nhỏ, chốt trong-chốt ngoài về quy mô và tính chất nghiêm ngặt.

[TP.HCM: Lập lại chốt kiểm soát y tế từ 21h ngày 31/5 tại quận Gò Vấp]

Bên cạnh đó cũng cần có giải pháp để kiểm soát tốt bên trong, buộc phương tiện khi đi qua quận Gò Vấp không được dừng, đỗ cũng như người dân không tập trung đông người.

Để hỗ trợ cho quận Gò Vấp, Ủy ban Nhân dân Thành phố yêu cầu Sở Giao thông Vận tải cần có hướng dẫn các tuyến đường thay thế tuyến đường qua quận Gò Vấp và cảnh báo nguy cơ dịch bệnh để người dân lựa chọn lộ trình phù hợp.

Các địa bàn giáp ranh quận Gò Vấp có trách nhiệm hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ và chia sẻ với quận Gò Vấp.

Bên cạnh đó, quận Gò Vấp cần rà soát, lập danh sách các đối tượng không cấp thiết và cấp thiết để thực hiện việc kiểm soát việc ra, vào địa bàn quận.

Thậm chí đối với những người ở bên ngoài đi vào Gò Vấp làm việc, cần thực hiện cam kết lộ trình di chuyển, chỉ từ nhà đến chỗ làm và ngược lại, không được di chuyển lòng vòng các điểm khác trong quận Gò Vấp.

“Nếu phương tiện dồn ứ tại các chốt trạm thì đây sẽ là khu vực có nguy cơ lây nhiễm nguy hiểm hơn là việc các phương tiện di chuyển qua quận Gò Vấp mà không dừng, đỗ. Vì thế vào giờ cao điểm, tại các chốt trạm, lực lượng chức năng quận Gò Vấp có thể áp dụng phương pháp chọn xác suất, kiểm tra những người có biểu hiện về sức khỏe để kiểm tra rồi linh động cho lưu thông đối với số đông phương tiện khác,” Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Dương Anh Đức phân tích.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Đỗ Anh Khang, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Gò Vấp, cho biết hiện nay trên địa bàn quận Gò Vấp có 54 ca mắc COVID-19 và 4 ca nguy cơ cao. Toàn quận đã lấy được 95.557 mẫu để xét nghiệm, có 28 điểm bị phong tỏa thuộc 10/16 phường.

Công tác phòng, chống dịch đang được duy trì, khẩn trương truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm, phun thuốc khử trùng cũng quản lý vận hành khu cách ly tập trung.

Hiện nay, quận Gò Vấp có gần 700.000 hộ dân và 20.324 doanh nghiệp với 174.000 lao động.

Hiện quận đã buộc dừng hoạt động 29.000 hộ kinh doanh cá thể hoạt động trong lĩnh vực không thiết yếu với 42.597 lao động, chỉ duy trì 8.352 hộ hoạt động trong dịch vụ thiết yếu sử dụng 18.000 lao động.

“Lần đầu tiên quận Gò Vấp thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 nên phát sinh nhiều vấn đề, nếu chỉ dựa vào nội lực của quận Gò Vấp sẽ rất khó thực hiện. Trong đó một số vấn đề phát sinh như kiểm soát người và phương tiện đi từ Gò Vấp ra và từ ngoài vào quận," ông Đỗ Anh Khang cho biết.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Gò Vấp cho biết thêm: "Sở Giao thông Vận tải Thành phố đã có văn bản hướng dẫn việc phương tiện vận tải hành khách chỉ mượn đường đi qua quận Gò Vấp để đến địa bàn khác nhưng không được dừng, đỗ. Trong khi đó, có lượng lớn các phương tiện chở hàng thiết yếu đến các siêu thị hoặc vận chuyển nhu yếu phẩm từ bên ngoài vào dừng, đỗ ở nhiều khu vực.”

Theo Thiếu tướng Cao Đăng Hưng, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh, cần nghiên cứu cụ thể, xác định vị trí trước khi lập chốt kiểm soát cũng như xác định lực lượng chủ công, lực lượng hỗ trợ tại các chốt. Nếu chỉ lập chốt ở các cửa ngõ, ngoài thuận lợi cũng gây ùn ứ giao thông, chưa kể việc thực hiện gấp khiến truyền thông không theo kịp, gây tâm lý bất ngờ cho người dân. Ngoài ra, nếu đã xác định vị trí lập chốt thì phải có phương án di chuyển, in ra cho người dân dễ nắm và thực hiện.

“Nếu cần thiết, Công an Thành phố sẽ điều động Công an các quận giáp ranh phối hợp, hỗ trợ, có thể ở vị trí ngoài quận Gò Vấp để giải tỏa giao thông thuận tiện cho người dân. Ngoài ra, Công an Thành phố cũng sẽ tính toán phương án hỗ trợ lực lượng cho quận Gò Vấp,” đại diện Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thêm.

Phun khử khuẩn trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Trong khi đó, theo ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, nếu chỉ dựa vào các chốt trạm thì Ủy ban Nhân dân quận Gò Vấp khó kiểm soát y tế vì tại các chốt trạm, lượng phương tiện và người di chuyển đông đúc với nhiều loại hình vận tải. Thậm chí tại những chốt trạm ùn ứ sẽ có nguy cơ lây lan dịch bệnh cao.

Trên thực tế, người dân vẫn có thể đi vào và đi qua quận Gò Vấp ở những tuyến hẻm hoặc đường lớn mà không phải qua các chốt trạm.

Trong thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải sẽ treo băngrôn hướng dẫn người dân ở vị trí xa hơn, trước các chốt trạm và nghiên cứu việc tạm dừng hoạt động một số tuyến xe buýt đi ngang qua quận Gò Vấp cũng như phân luồng lại một số tuyến để tránh qua địa bàn Gò Vấp.

Trước đó, thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, từ 0 giờ ngày 31/5 Ủy ban Nhân dân quận Gò Vấp đã lập 10 chốt trạm kiểm soát, tuy nhiên đã xuất hiện sự chưa thống nhất tại một số chốt trạm, ảnh hưởng đến giao thông xung quanh các lối chính vào quận Gò Vấp cũng như ảnh hưởng việc di chuyển, làm việc của người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục