Tình thế "tiến thoái lưỡng nan" của các nước giàu dầu mỏ ở vùng Vịnh

Các quốc gia Arab dầu mỏ vùng Vịnh sẽ rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan," khi họ vừa phải thực hiện các hành động vì khí hậu vừa duy trì nguồn lợi từ nhiên liệu hóa thạch.
Tình thế "tiến thoái lưỡng nan" của các nước giàu dầu mỏ ở vùng Vịnh ảnh 1Một cơ sở khai thác dầu ở thành phố Jubail (Saudi Arabia). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Báo điện tử Egypt Independent của Ai Cập mới đây đăng bài viết đánh giá về mục tiêu khí thải ròng bằng 0 của các quốc gia giàu dầu mỏ ở vùng Vịnh.

Bài viết nhận định các quốc gia Arab vùng Vịnh vốn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn thu từ dầu mỏ sẽ rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan," khi họ vừa phải thực hiện các hành động vì khí hậu vừa duy trì nguồn lợi từ nhiên liệu hóa thạch.

Theo nội dung bài viết, quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu có lẽ không ở đâu phức tạp hơn ở bán đảo Arab, nơi Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh khác đang mắc kẹt giữa hai kịch bản biến đổi khí hậu tồi tệ có thể đe dọa sinh kế của họ.

Theo kịch bản thứ nhất, thế giới ngừng tiêu thụ dầu mỏ và khí đốt để giảm lượng khí thải và điều này chắc chắn sẽ làm lung lay các nền kinh tế ở vùng Vịnh. Theo kịch bản thứ hai, nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng, có nguy cơ biến phần lớn địa hình vốn đã cực kỳ nóng của vùng Vịnh thành nơi không thể sinh sống được.

Sáu quốc gia vùng Vịnh, bao gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Qatar, Kuwait, Bahrain và Oman, có được sự ổn định chính trị nhờ các nguồn lợi từ nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ. Hai quốc gia “khát” năng lượng là Trung Quốc và Ấn Độ sẽ muốn nhiều dầu mỏ và khí đốt hơn nữa trong hai thập niên tới.

Chuyên gia Jim Krane, tác giả của báo cáo nghiên cứu "Các Vương quốc năng lượng: Dầu mỏ và sự tồn vong chính trị ở Vịnh Ba Tư," nhận xét: "Hành động vì khí hậu hầu như là một vấn đề sống còn đối với một chế độ quân chủ chuyên chế vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ. Họ cần hành động vì khí hậu để đạt được thành công mà không làm suy yếu thị trường dầu mỏ. Đó là một cây kim khó xâu chỉ."

[IEA: Khủng hoảng than đá và khí đốt thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ toàn cầu]

Với cam kết đạt mục tiêu khí thải ròng bằng 0 như Saudi Arabia, UAE và Bahrain đã đưa trong tháng này, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ được cắt giảm trong biên giới của họ, trong khi họ vẫn tiếp tục xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch ra thị trường bên ngoài. Saudi Arabia, quốc gia cung cấp khoảng 1/10 nhu cầu dầu mỏ của thế giới, đã đưa ra thông báo về cam kết trên trong tuần này khi Riyadh tổ chức diễn đàn lớn đầu tiên về biến đổi khí hậu.

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đưa ra kế hoạch đạt mục tiêu khí thải ròng bằng 0 vào năm 2060. Đây là một thông báo quan trọng đối với một quốc gia có trữ lượng dầu mỏ ước vào khoảng 265 tỷ thùng, trị giá 22.500 tỷ USD theo giá hiện hành.

Saudi Arabia đã bày tỏ quyết tâm “bơm dầu cho đến giọt cuối cùng,” nhưng với mục tiêu trên, họ chỉ có thể khai thác ít ỏi nguồn tài nguyên thiên nhiên lớn nhất của mình trong một thế giới chỉ sử dụng các loại năng lượng tái tạo và năng lượng Mặt Trời.

Các chế độ quân chủ vùng Vịnh đã sử dụng nguồn thu từ dầu mỏ để duy trì các chính sách hỗ trợ trong nước và mở rộng ảnh hưởng trong khu vực. Nguồn thu này đã giúp họ xây dựng quân đội quốc gia và cung cấp cho người dân các công việc phù hợp trong khu vực công. Người dân tại đây được hưởng các chính sách hỗ trợ rất hào phóng như dịch vụ y tế và giáo dục miễn phí, trợ cấp nhiên liệu, đất đai để xây nhà, tiền hỗ trợ kết hôn và trợ cấp hưu trí hậu hĩnh.

Chuyên gia nghiên cứu năng lượng Krane, thuộc Viện Chính sách Công Baker của Đại học Rice ở Texas (Mỹ), cho rằng nếu không có hệ thống bảo trợ này, các quốc gia ở vùng Vịnh có thể phải cho phép nhiều thành phần trong xã hội tham gia chính trị hoặc trở nên hà khắc hơn.

Các quốc gia Arab vùng Vịnh cam kết đạt mục tiêu khí thải ròng bằng 0 đang tự định vị mình là một phần của ngành năng lượng sạch trị giá nhiều nghìn tỷ USD, ngay cả khi họ tiếp tục kiếm được lợi nhuận từ dầu mỏ và khí đốt.

Tại Diễn đàn Sáng kiến Xanh Saudi Arabia diễn ra mới đây ở Riyadh, Đặc phái viên về khí hậu của Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông John Kerry, đã nói với các hoàng tử và thủ tướng các nước Arab vùng Vịnh rằng hành động khí hậu có thể tạo ra "cơ hội thị trường lớn nhất mà thế giới từng biết đến. Đó là sự chuyển đổi lớn nhất từng diễn ra trên hành tinh này kể từ cuộc cách mạng công nghiệp, nếu chúng ta làm được điều đó."

Bà Ellen Wald, chuyên gia cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ) đồng thời là tác giả cuốn sách "Saudi Inc," cho rằng cam kết đạt mục tiêu khí thải ròng bằng 0 cũng cho phép giới tinh hoa cầm quyền ở vùng Vịnh sử dụng ảnh hưởng tại các hội nghị như COP26 (Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu), nơi các chính sách hành động khí hậu đang được xây dựng. Điều quan trọng đối với họ là gia tăng ảnh hưởng và có tiếng nói tại các hội nghị này."

Theo một số tài liệu bị rò rỉ, Saudi Arabia là một trong một vài quốc gia đang vận động hậu trường trước thềm hội nghị thượng đỉnh COP26 để thay đổi cách diễn đạt xung quanh vấn đề khí thải.

Nước này dường như đang cố gắng làm giảm nhẹ một báo cáo sắp được công bố của Liên hợp quốc (LHQ) về tình trạng nóng lên toàn cầu. Các quốc gia Arab vùng Vịnh đang công khai ủng hộ các công nghệ thu giữ carbon thay vì loại bỏ nhiên liệu hóa thạch một cách nhanh chóng, đồng thời cảnh báo rằng một sự chuyển đổi vội vã sẽ khiến người nghèo không được tiếp cận với năng lượng.

Tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace), hiện có được các tài liệu bị rò rỉ nói trên, đã chỉ trích cách tiếp cận này, cho rằng các công nghệ thu giữ carbon "vẫn chưa được kiểm chứng" đó cho phép các quốc gia thải nhiều khí nhà kính hơn dựa trên giả định lạc quan rằng khí thải carbon sau này có thể được đẩy ra khỏi bầu khí quyển.

Trong khi đó, các tập đoàn năng lượng quốc gia như Saudi Aramco (Saudi Arabia), ADNOC (UAE) và Qatar Petroleum (Qatar) đang thúc đẩy các nỗ lực nhằm giảm phát thải và tăng cường đầu tư vào các sản phẩm hóa dầu được sử dụng để sản xuất phân bón, nhựa, cao su và các loại polyme khác giữa lúc thị trường thế giới đang có nhu cầu rất lớn về các sản phẩm này.

Aramco cho biết tập đoàn dầu mỏ lớn nhất thế giới này sẽ đạt mục tiêu khí thải ròng bằng 0 vào năm 2050 dựa trên các hành động khí hậu của họ, sớm hơn 10 năm so với cam kết của Chính phủ Saudi Arabia. Trong khi đó, ADNOC cam kết giảm 25% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030.

Theo một báo cáo của Viện Các quốc gia Arab vùng Vịnh có trụ sở tại Washington (Mỹ), Qatar Petroleum đã vận chuyển một lô hàng khí hóa lỏng (LNG) trung hòa carbon đến Singapore và sẽ kết hợp công nghệ thu giữ carbon trong các kế hoạch phát triển của họ.

Phát biểu tại Diễn đàn Sáng kiến Xanh Saudi Arabia ở Riyadh, Giám đốc điều hành ADNOC, ông Sultan Al-Jaber, đã kêu gọi các chính phủ "chín chắn và tỉnh táo một chút" khi thảo luận về quá trình chuyển đổi năng lượng, đồng thời nhấn mạnh rằng quá trình thảo luận về vấn đề này sẽ mất nhiều thời gian và phải bao gồm cả dầu mỏ và khí đốt.

Ông Al-Jaber nói: "Chúng ta không thể đột ngột đề cập đến quá trình chuyển đổi năng lượng và hoàn toàn bỏ qua hoặc đánh giá thấp tác động của dầu khí trong việc giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng toàn cầu". Ông cũng lưu ý rằng 80% tổng nhu cầu năng lượng toàn cầu bắt nguồn từ nhiên liệu hóa thạch, trong đó dầu khí chiếm 60%.

Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dự báo rằng trong khi quá trình chuyển đổi sang năng lượng thay thế và tái tạo sẽ mở ra một thời kỳ suy giảm nhu cầu dầu mỏ ở một số nơi trên thế giới, song dầu mỏ sẽ vẫn là nguồn năng lượng số 1 thế giới cho đến năm 2045. Theo dự báo của OPEC, trong số 2,6 tỷ chiếc ôtô lưu thông trên đường vào năm 2045, chỉ 20% sẽ vận hành bằng điện.

Mặc dù chi tiêu ngân sách của tất cả 6 quốc gia vùng Vịnh vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, song mỗi nước đều thực hiện các bước để cố gắng đa dạng hóa nền kinh tế của mình, với Saudi Arabia và UAE đang dẫn đầu các nỗ lực đó để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp mới.

Tuy nhiên, hơn một nửa nguồn thu ngân sách của Saudi Arabia là đến từ dầu mỏ, với doanh thu dự kiến đạt 150 tỷ USD trong năm nay nhờ giá dầu tăng mạnh lên 85 USD/thùng.

Chuyên gia Krane nhận xét: "Xuất khẩu dầu mỏ là nhân tố sống còn đối với nền kinh tế và hệ thống chính trị của Saudi Arabia. Quốc gia này sẽ rơi vào thảm họa nếu phần còn lại của thế giới nhanh chóng ngừng sử dụng dầu mỏ."

Giới khoa học cho rằng thế giới cần phải đầu tư vào năng lượng tái tạo để hạn chế sự nóng lên toàn cầu dưới 1,5 độ C, mặc dù một báo cáo vừa công bố của Liên hợp quốc cho thấy ngay cả những cam kết mới đây của các chính phủ cũng không đủ mạnh để duy trì mức tăng nhiệt độ dưới mức đó vào cuối thế kỷ này.

Hầu như nguyên nhân khiến Trái Đất nóng lên được cho là do việc phát thải các khí giữ nhiệt như carbon dioxide và methane gây ra. Các nhà khoa học cảnh báo nếu thế giới vượt qua giới hạn đó, thì thiệt hại sẽ không thể đảo ngược.

Phát biểu trước báo giới trong tháng này, Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad al-Kaabi đã nêu câu hỏi liệu những quốc gia cam kết đạt mục tiêu khí thải ròng bằng 0 dự định sẽ hành động như thế nào để đạt được mục tiêu đó./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục