Theo bài phân tích trên tuần báo The Arab Weekly số ra ngày 26/4, mối quan tâm hàng đầu của người dân trên toàn thế giới lúc này là câu hỏi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ tồn tại đến khi nào và những hạn chế để kiểm soát dịch bệnh sẽ kéo dài trong bao lâu.
Thế giới chắc chắn sẽ có nhiều biến chuyển sau khi đại dịch kết thúc. Nhiều khái niệm và thực tiễn sẽ thay đổi, bao gồm những mối quan hệ công việc trong cùng một tổ chức.
Ngày càng có nhiều người làm việc tại nhà, một số công ty sẽ nổi lên từ tình hình dịch bệnh, trong khi những doanh nghiệp khác đứng trước nguy cơ sụp đổ.
[WHO: COVID-19 có nguy cơ bùng phát tại các điểm nóng ở Trung Đông]
Vẫn chưa rõ lĩnh vực nào sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, nhưng có thể dự đoán rằng thương mại điện tử và dịch vụ giao hàng sẽ có lợi thế phát triển to lớn.
Không dễ để dự đoán chính xác về một Trung Đông biến đổi như thế nào sau dịch COVID-19, song có thể phác họa một số điểm nổi bật như sau.
Hậu quả đáng chú ý đầu tiên của đại dịch COVID-19 là sự sụt giảm đối với giá dầu, do nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ tụt dốc và kinh tế thế giới rơi vào đình trệ. Điều đó sẽ tạo ra những hệ lụy nghiêm trọng hơn nhiều sau đại dịch.
Dù sớm hay muộn, thế giới sẽ tìm ra vắcxin hoặc thuốc đặc trị COVID-19, song những hậu quả từ sự sụt giảm khủng khiếp đối với giá dầu và nền kinh tế có lẽ sẽ còn kéo dài.
Tại khu vực Trung Đông, hàng loạt quốc gia sẽ phải đối mặt với tình thế “ngàn cân treo sợi tóc,” trong đó có Iran, Iraq và Syria.
Syria sẽ không dễ dàng tìm thấy những đối tác sẵn sàng đầu tư để tái thiết đất nước.
Chi phí tái thiết Syria ước tính lên tới 200-500 tỷ USD, trong bối cảnh cuộc xung đột tại nước này vẫn tiếp diễn và không ai có thể hình dung chính xác về mức độ thiệt hại do cuộc nội chiến kéo dài hơn 9 năm qua.
Cả đất nước Syria bị hủy hoại, những nét đặc trưng của các thành phố và thị trấn lớn đã thay đổi.
Ngay cả trong trường hợp Syria có thể ổn định trở lại thì trở ngại lớn nhất sẽ là tìm kiếm các nhà tài trợ và doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vào tái thiết Syria sau chiến tranh và sau COVID-19.
Từ góc nhìn đó, chuyến thăm gần đây tới Damascus của Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khó có thể mang lại điều gì mới mẻ.
Chuyến thăm chỉ là một sự “ám chỉ” hay một thông điệp cho thế giới thấy rằng nước Cộng hòa Hồi giáo vẫn còn hiện diện ở Syria.
Đặc biệt, điều này có ý nghĩa như một tín hiệu khẳng định sự ủng hộ của Tehran dành cho Tổng thống Syria Bashar Assad vào thời điểm Nga đã bắt đầu có những nghi ngờ nghiêm trọng về khả năng duy trì quyền lực của nhà lãnh đạo Syria.
Giới quan sát đang đặt câu hỏi liệu “hồ sơ Syria” đã được chuyển từ đơn vị Quds sang Bộ Ngoại giao Iran hay không? Đó là một nghi vấn chính đáng, nhưng Iran cũng không thể giúp gì nhiều cho Syria trước sự sụt giảm mạnh của giá dầu và khí đốt, trong khi bản thân Tehran cũng đang phải chịu các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ. Ngay cả Nga cũng đang trong quá trình sửa đổi chiến lược Syria.
Moskva đã nhận ra rằng thế giới hậu COVID-19 và hậu khủng hoảng dầu mỏ sẽ rất khác so với thời kỳ “hoàng kim” ở Syria.
Vì vậy, giờ đây Nga buộc phải suy tính lại về chiến lược của mình ở đất nước này và thỏa hiệp với Thổ Nhĩ Kỳ tại miền Bắc Syria.
Iran và Syria gặp khó khăn, Iraq cũng cùng chung số phận. Quốc gia Trung Đông này bị sa lầy trong cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc.
Kể từ năm 2003, hàng trăm tỷ USD đã “bốc hơi” khỏi ngân khố của nước này, bắt nguồn từ tình trạng tham nhũng dựa trên chủ nghĩa thân hữu và giáo phái.
Ước tính, 90% nguồn thu của Iraq là từ dầu mỏ. Vì vậy, dù Thủ tướng được chỉ định Mustafa al-Kadhimi có thành công hay không trong việc thành lập chính phủ mới, thì Iraq cũng sẽ đối mặt với vấn đề không thay đổi: bài toán ngân sách để có thể trả lương cho khoảng 7 triệu công chức nhà nước.
Tình hình tại Lebanon cũng không tốt đẹp hơn những nước khác. Với việc giá dầu sụt giảm, Lebanon đứng trước tương lai u ám. Ai có thể viện trợ cho Lebanon lúc này? Chắc chắn không phải là từ các quốc gia Arab mà Beirut từng “ghẻ lạnh.”
Điều tồi tệ hơn là không có ai ở Lebanon có đủ can đảm thừa nhận thực tế rằng họ không có lựa chọn nào khác ngoài tìm kiếm sự trợ giúp từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Có thể nói, Trung Đông sẽ chứng kiến những biến động rất lớn trong thế giới hậu COVID-19 và thời kỳ hậu khủng hoảng hậu dầu mỏ.
Người Israel dường như đã nhận ra điều đó khi theo dõi những diễn biến xung quanh họ.
Điều đó cũng một phần lý giải nguyên nhân vì sao Thủ tướng Benjamin Netanyahu và đối thủ Benny Gantz, lãnh đạo của liên minh Xanh-Trắng, lại có thể bất ngờ đạt thỏa thuận thành lập một chính phủ khẩn cấp, sau ba cuộc tổng tuyển cử liên tiếp không thành chỉ trong một năm./.