Tình thế của lãnh đạo Mỹ-Trung trong cuộc chiến thương mại

Trang Bloomberg nhận định rằng Bắc Kinh đang ở thế “thủ” để sẵn sàng đối phó với tình huống tồi tệ nhất có thể xảy ra trong cuộc cạnh tranh với Mỹ.
Tình thế của lãnh đạo Mỹ-Trung trong cuộc chiến thương mại ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: Reuters)

Theo Bloomberg.com/The Hill.com, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp đòn thuế quan mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Bloomberg nhận định rằng Bắc Kinh đang ở thế “thủ” để sẵn sàng đối phó với tình huống tồi tệ nhất có thể xảy ra trong cuộc cạnh tranh với Mỹ.

Trong khi đó, tờ The Hill cho rằng ông Trump chính là kẻ thù kinh khủng nhất của chính ông trong cuộc chiến này khi bị sao nhãng và phân tâm bởi những vấn đề “râu ria."

Nhìn chung, khả năng hai bên đạt được một thỏa thuận là khó xảy ra vào thời điểm hiện nay do mỗi bên đều vướng phải những sức ép riêng trong nước.

"Thế thủ" của Bắc Kinh

Có lẽ, không ai ngoài bản thân chính quyền Bắc Kinh bất ngờ trước tin tức cho rằng Trung Quốc đã kêu gọi Chính quyền Tổng thống Donald Trump tái khởi động các cuộc đàm phán thương mại.

Theo giới chức Trung Quốc am hiểu vấn đề, sau những tín hiệu rối rắm cuối tuần qua, uy tín của Trump đã trở thành một rào cản lớn để Trung Quốc đạt được một thỏa thuận lâu dài với Mỹ. Chỉ một vài nhà thương lượng ở Bắc Kinh cho rằng có thể đạt được một thỏa thuận nào đó trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020. Một phần vì sẽ là nguy hiểm để bất kỳ quan chức nào tham vấn Chủ tịch Tập Cận Bình ký kết một thỏa thuận mà ông Trump có thể rốt cục sẽ phá vỡ.

Trong bình luận ứng khẩu trước báo giới tại hội nghị thượng đỉnh G7 tại Pháp hôm 26/8, ông Trump cho biết giới chức Trung Quốc đã gọi điện cho “những nhân vật đàm phán thương mại hàng đầu của Mỹ” và đề nghị “hãy cùng nhau quay lại bàn đàm phán."

Những lần xuất hiện sau này trước báo giới, ông Trump coi lời yêu cầu này của Bắc Kinh là bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã rất “thèm muốn” ký kết một thỏa thuận. Ông nói: “Trung Quốc đã chịu tổn hại nặng nề song họ nhận ra đây là việc đúng đắn cần làm."

Những bình luận này đều làm nóng những dòng tít báo chí và tạo đà cho thị trường chứng khoán. Thế nhưng, không ai ở chính quyền Bắc Kinh nắm bắt được ý của ông Trump là gì. Tệ hơn, những nỗ lực của ông Trump nhằm minh họa Trung Quốc là bên “khát khao” đàm phán lại khiến họ khẳng định rõ ràng về mối lo lắng tồi tệ nhất của mình về Trump: Đó là ông Trump không đáng tin cậy để ký kết một thỏa thuận. 

Tao Dong, Phó Chủ tịch chương trình Greater China tại Ngân hàng Credit Suisse ở Hong Kong bình luận: “Bản chất không rõ ràng của ông Trump làm thổi bùng hơn nữa sự bất tin trong lòng Bắc Kinh. Điều này khiến việc nhanh chóng đạt được một thỏa thuận gần như là không thể."

Theo 3 quan chức Trung Quốc giấu tên, nước này đã chuẩn bị sẵn các kế hoạch phòng ngừa trong trường hợp không tiến tới thỏa thuận với Mỹ, bao gồm việc đưa các công ty Mỹ vào danh sách các thực thể không đáng tin cậy đồng thời kích thích tăng trưởng kinh tế. Mặc dù giới chức Bắc Kinh vẫn sẵn sàng tham gia đối thoại, song họ đồng thời đang tách Trung Quốc khỏi sự phụ thuộc vào nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tim Stratford, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ ở Trung Quốc cho rằng việc chia tách này đang diễn ra trên thực tế vì các công ty Trung Quốc phải có các kế hoạch thay thế khi tồn tại quá nhiều điều bất ổn.

Về mặt chính trị, ông Tập không có nhiều “dư địa” để chiều lòng ông Trump. Những nhân vật cứng rắn càng trở nên kiên quyết hơn mỗi khi ông Trump hủy bỏ lệnh đình chiến thương mại và gia tăng sức ép với Bắc Kinh. Mặc dù Trung Quốc để ngỏ mong muốn ký kết một thỏa thuận với Mỹ vốn bao gồm việc nhập khẩu nhiều hơn hàng nông sản Mỹ song về mặt chính trị, ông Tập khó có thể ký một thỏa thuận mà các đòn trừng phạt của ông Trump vẫn không bị tháo gỡ.

Ông Trump là kẻ thù của chính mình?

Trang mạng The Hill bình luận khi nói về việc đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, Tổng thống Trump có thể là kẻ thù tồi tệ nhất của chính ông.

Thay vì chấp nhận rằng ông đã đạt được không ít mục tiêu thương lượng mà Mỹ đề ra, và thực ra đã thắng trong cuộc chiến này, thì ông Trump lại bị làm chệch hướng bởi những vấn đề mang tính thủ tục và những chiêu trò đàm phán vốn gây xáo trộn thành công tổng thể trong chính sách của chính quyền.

[Giới phân tích: Chính sách thương mại Mỹ gây nguy cơ suy thoái kinh tế]

Chỉ mới hôm 23/8 vừa qua, ông Trump đã tạo ra rào cản mới cho việc chấm dứt cuộc chiến thương mại khi tuyên bố áp thêm thuế không cần thiết đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc. Điều này khiến quan hệ Mỹ-Trung “xuống dốc không phanh,” có nguy cơ gây ra một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ chính trị trong nước.

Ở Mỹ, ông Trump dường như muốn cho cử tri thấy một thành công mang tính quyết định của ông, tức Trung Quốc đầu hàng vô điều kiện trong cuộc chiến này, để tối đa hóa vị thế chính trị nhằm tái đắc cử vào năm 2020. Ví dụ, ông Trump đã tán dương việc Mỹ thu được hàng tỷ USD từ doanh thu thuế mới nhờ đòn thuế quan đánh vào hàng hóa của Trung Quốc, coi đây là bằng chứng Mỹ đang “thắng” mặc dù người tiêu dùng Mỹ cũng hứng chịu giá hàng hóa tăng cao.

Trong khi đó, ở Bắc Kinh, ông Tập cũng chẳng hơn gì Trump khi phải chịu sức ép từ công chúng để chứng minh rằng Trung Quốc sẽ không cho phép Mỹ cản trở con đường phát triển chính trị và kinh tế của mình.

Theo Bloomberg, hiện hai bên được cho là sẽ nối lại các cuộc đàm phán vào tháng 9 tới. Theo quan điểm của Trung Quốc, tiến triển đàm phán phần lớn phụ thuộc vào những tính toán chính trị của ông Trump trước cuộc bầu cử tổng thống 2020.

Theo Charles Liu, từng là nhà đàm phán kinh tế với phái đoàn Trung Quốc tại Liên hợp quốc, điều duy nhất được cho là đã thay đổi chính là việc ông Trump, chứ không phải Trung Quốc, đang chịu sức ép to lớn để đạt được một thỏa thuận.

Trong khi đó, quan điểm của Trung Quốc luôn là sẵn sàng đối thoại song khẳng định cách hành xử kiểu bắt nạt của ông Trump sẽ không giúp ích cho các cuộc thảo luận./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục