Tỉnh Thanh Hóa đặt hàng đào tạo 80 chỉ tiêu ngành sư phạm

Với “đơn đặt hàng” là 80 chỉ tiêu đào tạo ngành sư phạm cho Đại học Hồng Đức, Thanh Hóa đã trở thành tỉnh tiên phong trong cả nước thực hiện đào tạo sư phạm theo địa chỉ, gắn với sử dụng lao động.
(Ảnh minh họa: TTXVN)

Với “đơn đặt hàng” là 80 chỉ tiêu đào tạo ngành sư phạm cho Đại học Hồng Đức trong năm 2018, Thanh Hóa đã trở thành tỉnh tiên phong trong cả nước thực hiện đào tạo sư phạm theo địa chỉ, gắn với sử dụng lao động.

Cụ thể, theo Đề án đào tạo chất lượng cao trình độ đại học, ngành sư phạm tại trường Đại học Hồng Đức vừa được Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa thông qua, Thanh Hóa giao Đại học Hồng Đức đào tạo sư phạm chất lượng cao năm 2018 với bốn ngành là Sư phạm Toán học, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử.

Ngành Sư phạm Toán tuyển theo bốn tổ hợp gồm Toán-Lý-Hóa, Toán-Lý-Tiếng Anh, Toán-Lý-Sinh và Toán-Hóa-Tiếng Anh. Trong đó, môn Toán là môn chủ chốt

Ngành Sư phạm Vật lý tuyển theo các tổ hợp Toán-Lý-Hóa, Toán-Lý-Tiếng Anh, Toán-Lý-Sinh và Văn-Toán-Lý. Trong đó, môn Lý là môn chủ chốt.

Ngành Sư phạm Ngữ văn tuyển theo các tổ hợp Văn-Sử-Địa, Văn-Toán-Tiếng Anh, Văn-Toán-Sử, Văn-Toán-Tiếng Anh. Trong đó môn Văn là môn chủ chốt.

Ngành Sư phạm Lịch sử tuyển theo tổ hợp các môn Văn-Sử-Địa, Văn-Toán-Sử, Văn-Sử-Tiếng Anh. Trong đó, môn Sử là môn chủ chốt.

Chỉ tiêu mỗi ngành đào tạo là 20 sinh viên. Tất cả các sinh viên sau khi đào tạo, tốt nghiệp từ loại khá trở lên, sẽ được tỉnh tuyển dụng để bổ sung nguồn giáo viên chất lượng cao cho các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Theo Hiệu trưởng Đại học Hồng Đức Nguyễn Mạnh An, đây là những ngành thế mạnh nhất của trường.

"Mặt khác, do là chương trình đào tạo chất lượng cao nên giai đoạn đầu, trường chỉ tập trung thí điểm bốn ngành học để thực hiện cho tốt. Giai đoạn sau có thể rút kinh nghiệm và mở rộng hơn," ông An nói.

Điểm chuẩn một số ngành sư phạm của Đại học Hồng Đức giảm mạnh qua các năm. Đây cũng là tình trạng chung của các trường sư phạm trên cả nước. (Đồ họa: Phạm Mai/Vietnam+)

Hình thức tuyển sinh dựa trên điểm thi trung học phổ thông quốc gia. Điều kiện dự tuyển là thí sinh có kết quả rèn luyện ba năm ở bậc trung học phổ thông đạt loại tốt, đạt từ học lực khá trở lên. Tổng điểm thi ba môn theo tổ hợp xét tuyển đại học đạt  từ 24 điểm trở lên, trong đó không môn nào dưới 5 điểm, môn chủ chốt của ngành đào tạo phải đạt từ 8 điểm trở lên. Điểm xét tuyển là tổng điểm của bai bài thi theo thang điểm 10 với từng môn thi cộng với điểm ưu tiên đối tượng, ưu tiên khu vực theo quy định.

Việc xét tuyển được thực hiện theo nguyên tắc xét từ thí sinh có điểm cao nhất đến hết chỉ tiêu được giao. Nếu có thí sinh cùng điểm xét tuyển trường sẽ ưu tiên thí sinh có điểm môn chủ chốt cao hơn hoặc có tổng điểm thi cao hơn.

[Ngành sư phạm "rớt thảm", Bộ Giáo dục và Đào tạo họp khẩn]

Trường có xét tuyển thẳng cho chương trình đào tạo chất lượng cao, nhưng không vượt quá 30% chỉ tiêu mỗi ngành. Đối tượng tuyển thẳng là học sinh đạt giải quốc tế, quốc gia (giải nhất, giải nhì và giải ba) các môn văn hóa tương ứng với ngành đăng ký xét tuyển. Học sinh tốt nghiệp các trường trung học phổ thông chuyên có ba năm học trung học phổ thông chuyên đạt học sinh giỏi hoặc đạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh trở cũng sẽ được xét tuyển thẳng.

Việc xét tuyển thẳng sẽ được ưu tiên theo thứ tự từ giải quốc tế đến giải quốc gia, giải cấp tỉnh và từ giải nhất, nhì, đến giải ba.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, việc đặt hàng đào tạo theo địa chỉ sử dụng nhằm thu hút được học sinh giỏi, xuất sắc vào học các ngành sư phạm, đáp ứng yêu cầu nguồn giáo viên trung học phổ thông chất lượng cao của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2030.

Hiệu trưởng Nguyễn Mạnh An khẳng định với chương trình mới, chất lượng đầu ra sẽ được đảm bảo. Đại học Hồng Đức có tiền thân là trường Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa, một trong những trường cao đẳng sư phạm lớn nhất cả nước. Vì thế, đội ngũ cán bộ giảng viên sư phạm của trường rất nhiều và chất lượng. Hiện trường có 120 tiến sỹ thì khối sư phạm chiếm đến 75%.

Bên cạnh 80 chỉ tiêu đào tạo sư phạm chất lượng cao, năm 2018, Đại học Hồng Đức cũng tuyển 1590 chỉ tiêu đào tạo cho 32 ngành trình độ đại học (trong đó có 11 ngành sư phạm) và 200 chỉ tiêu cho 6 ngành trình độ cao đẳng.

Việc đào tạo nhân lực ngành sư phạm theo địa chỉ sử dụng là một trong những giải pháp được cho là thiết thực nhất để khắc phục tình trạng chất lượng đầu vào ngành này ngày càng giảm sút trong những năm gần đây, không chỉ ở Thanh Hóa mà trên phạm vi cả nước. 

Năm 2017, nhiều trường sư phạm thậm chí không tuyển đủ chỉ tiêu dù đã lấy điểm chuẩn ở mức chạm đáy, chỉ 15,5 điểm cho ba môn thi với bậc đại học và xuống đến 9 điểm ở bậc cao đẳng. Điều này đã khiến dư luận lo ngại về chất lượng đội ngũ nhà giáo trong tương lai sẽ ảnh hưởng xấu đến chất lượng giáo dục.

Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là sinh viên học xong không xin được việc làm. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng đã đến lúc phải chấm dứt đào tạo sư phạm ra không sử dụng. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này cần sự vào cuộc không chỉ của ngành giáo dục mà còn có vai trò rất lớn của các địa phương, đơn vị trực tiếp sử dụng lao động.

Vì thế, sự vào cuộc của Thanh Hóa đã mang lại tín hiệu tích cực cho ngành sư phạm xứ Thanh và là kinh nghiệm cho các địa phương khác. “Quan trọng là ra trường có việc làm thì sẽ thu hút được người học. Tôi rất hy vọng cách làm này sẽ nâng được chất lượng đầu vào ngành sư phạm, từ đó nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên,” Hiệu trưởng Nguyễn Mạnh An nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục