Tinh thần và khí phách Gạc Ma sẽ được truyền dạy cho thế hệ mai sau

Tinh thần và khí phách của 64 chiến sỹ trên đảo Gạc Ma, đã anh dũng hy sinh trong trận đánh không cân sức để chống lại quân xâm lược, sẽ được truyền dạy cho các thế hệ mai sau.
Tinh thần và khí phách Gạc Ma sẽ được truyền dạy cho thế hệ mai sau ảnh 1Dâng hương tại Bia tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma ở Khánh Hòa. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)

Trận hải chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988 sẽ chính thức được đưa vào chương trình giảng dạy trong hệ thống trường phổ thông. Tinh thần và khí phách của 64 chiến sỹ trên đảo Gạc Ma, đã anh dũng hy sinh trong trận đánh không cân sức để chống lại quân xâm lược nhằm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, sẽ được truyền dạy cho các thế hệ mai sau.

Đó là khẳng định của Tổng chủ biên Chương trình môn Lịch sử, Chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo sư Phạm Hồng Tung (Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày diễn ra sự kiện Gạc Ma (14/3/1988-14/3/2018).

Xin trân trọng giới thiệu nội dung cuộc trao đổi:

- Là Tổng chủ biên Chương trình môn Lịch sử, Chương trình giáo dục phổ thông mới, đồng thời cũng là đồng tác giả của một bộ sách giáo khoa lịch sử mới, ông có thể cho biết sự kiện trận hải chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988 có được đưa vào nội dung giảng dạy trong nhà trường hay không?

Giáo sư Phạm Hồng Tung: Tôi khẳng định trong môn Lịch sử của Chương trình giáo dục phổ thông mới và trong bộ sách giáo khoa lịch sử Việt Nam mới dùng trong nhà trường do tôi là đồng tác giả chắc chắn sự kiện Gạc Ma 14/3/1988 sẽ được đưa vào với những phương thức, mức độ, nội dung và vị trí khác nhau ở từng cấp học với thời lượng khác nhau.

Chúng tôi xác định đây là vấn đề khoa học. Sở dĩ sau tròn 30 năm các nhà sử học, nhà giáo dục mới đưa Gạc Ma vào chương trình giảng dạy vì có những lý do khách quan như: Các sự kiện lịch sử cần có độ lùi thời gian nhất định để cho nhà sử học làm công tác nghiên cứu thu thập đủ tư liệu, nghiên cứu thật sâu sắc. Đặc biệt là với các sự kiện lịch sử tương đối phức tạp, liên quan đến quan hệ đối nội, đối ngoại của đất nước thì phải nghiên cứu thật kỹ càng trước khi công bố và đưa vào giảng dạy. Liên quan đến định hình nhận thức, định hướng văn hóa và tư tưởng cho thế hệ mai sau và bạn bè quốc tế thì càng phải thận trọng hơn.

Việc đưa trận hải chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988 vào sách giáo khoa môn Lịch sử chính là hình thức mà chúng tôi với tư cách là những nhà sử học (và tôi tin là nhân dân cả nước cũng đồng tình, đồng thuận với chúng tôi ) - coi đây là hoạt động tri ân với 64 chiến sỹ đã hy sinh trong trận chiến ấy để bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương, bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

- Đây đúng là một thông tin quan trọng. Tôi nghĩ những người lính đã ngã xuống và thân nhân của họ sẽ thấy ấm áp hơn rất nhiều trước quan điểm và cách tiếp cận rất khoa học và tiến bộ mà ông vừa đưa ra. Giáo sư có thể cho biết những nội dung và thông điệp chính về sự kiện lịch sử Gạc Ma sẽ được trình bày trong Chương trình sách giáo khoa mới để trao truyền cho thế hệ trẻ?

Giáo sư Phạm Hồng Tung: Chúng tôi sẽ đưa sự kiện Gạc Ma vào chương trình giáo dục phổ thông theo cách thức như sau:

Ở bậc Tiểu học, các em học khái niệm lịch sử trong môn Lịch sử và Địa lý, do các em dưới 10 tuổi nên chưa đề cập đến sự kiện Gạc Ma vì chưa phù hợp khả năng nhận thức, tâm lý lứa tuổi.

Ở bậc Trung học cơ sở, trận hải chiến Gạc Ma được đưa vào như một phần của lịch sử Việt Nam, lịch sử khu vực Đông Nam Á, lịch sử thế giới trong thời kỳ hiện đại (vào cuối lớp 8 và đầu lớp 9). Trong bậc Trung học cơ sở có một chủ đề tích hợp giữa lịch sử và địa lý là Chủ đề biển, đảo Việt Nam. Trận hải chiến Gạc Ma sẽ được đặt trong chủ đề tích hợp đó.

Các thế hệ mai sau sẽ được học về Biển Đông, về đảo của Việt Nam với tất cả các khía cạnh địa lý, kinh tế, môi trường, địa chính trị... cho đến lịch sử chủ quyền và tất cả các cuộc đấu tranh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam trên cơ sở những chứng cứ pháp lý, chứng cứ lịch sử đầy đủ của Việt Nam và công ước quốc tế. Việc này giúp các thế hệ mai sau thấy việc chúng ta đấu tranh bảo vệ, khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông là có cơ sở pháp lý đầy đủ. Trận Hoàng Sa 1974, trận Gạc Ma 1988, chính nghĩa thuộc về quân và dân Việt Nam.

Tinh thần và khí phách Gạc Ma sẽ được truyền dạy cho thế hệ mai sau ảnh 2Chân dung các chiến sỹ Gạc Ma trong Nhà trưng hiện vật của Khu tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma ở Khánh Hòa. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)

Ở bậc Trung học phổ thông có 2 chủ đề: Lịch sử các cuộc đấu tranh giải phóng và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, trong đó trận Gạc Ma được đưa vào là một cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc suốt từ cổ đại đến bây giờ. Chủ đề thứ hai là Biển Đông và hải đảo cũng có nội dung về trận hải chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988.

Như vậy là tại Chương trình giáo dục phổ thông mới, sự kiện Gạc Ma được chính thức đề cập, khắc sâu trong tâm trí các thế hệ mai sau 4 lần.

- Là một nhà sử học, đồng thời là một chuyên gia giáo dục, giáo sư có thể cho biết ý nghĩa và bài học cần rút ra từ sự kiện Gạc Ma?

Giáo sư Phạm Hồng Tung: Việc đưa trận hải chiến Gạc Ma vào giảng dạy, tôi muốn nêu quan điểm đầu tiên là phải tôn trọng sự thật khách quan. Trận chiến ấy có thật trong lịch sử, đã xảy ra một trận hải chiến, diễn biến như thế nào, kết quả như thế nào, phải tôn trọng sự thật.

Nhìn nhận lịch sử là phải tôn trong sự thật nhưng phải khép lại quá khứ, không được khơi sâu thêm hận thù, mâu thuẫn của quá khứ để tái sinh hận thù trong tương lai.

Từ việc giảng dạy chính thức trong nhà trường về sự kiện này, quan trọng nhất là cần cho các thế hệ mai sau hiểu phải hướng tới tương lai hòa bình, hợp tác không chỉ với nhân dân Trung Quốc mà cả với nhân dân các nước trong khu vực và nhân dân thế giới.

Quan điểm khoa học, nhân văn, nhân bản, hướng tới hòa bình, hợp tác là quan điển xuyên suốt để đưa các sự kiện liên quan chiến tranh biên giới phía Bắc, chiến tranh biên giới Tây Nam, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam, trong đó có trận hải chiến Gạc Ma vào giảng dạy chính thức trong hệ thống nhà trường.

[Đại lễ cầu siêu tại Tokyo cho các chiến sỹ hy sinh trong trận Gạc Ma]

Từ trận hải chiến Gạc Ma này, từ khúc bi tráng mà những người lính đã tô thắm nên trang sử dân tộc, từ tinh thần kiên quyết và khí phách của 64 chiến sỹ đã anh dũng hy sinh trong ngày 14/3/1988 khi chống trả lại đoàn quân xâm lược với phương tiện và vũ khí tối tân hơn rất nhiều, tôi nghĩ sự kiện lịch sử Gạc Ma đã gửi đi 3 thông điệp tới tương lai.

Thứ nhất đó là: Bài học cảnh giác, luôn sẵn sàng bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Chúng ta đang sống trong hòa bình nhưng hòa bình không có nghĩa là chủ quyền không bị đe dọa. Trước đây, khi bị đe dọa trực tiếp bằng mưa bom bão đạn, bằng các cuộc xâm lăng, xâm lược, cha ông ta đã hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ đất nước. Ngày nay các nguy cơ đe dọa phức tạp hơn nhiều. Ngoài nguy cơ "nóng" còn có nguy cơ an ninh phi truyền thống như các cuộc tấn công mạng... Các thế hệ sau này phải hiểu trách nhiệm công dân, có tinh thần sẵn sàng cống hiến sức lực, trí tuệ, tâm huyết để bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ bằng các giải pháp hòa bình, sử dụng trí tuệ và công nghệ cao...

Thứ hai là phải thấm đẫm tinh thần Tổ quốc trên hết, dân tộc trên hết, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để bảo vệ đất nước và quê hương (như những người lính đã thể hiện trong trận hải chiến Gạc Ma).

Thứ ba là không gì đau thương, lầm lỗi hơn trong lịch sử nhân loại bằng để xảy ra chiến tranh. Chiến tranh có chính nghĩa và phi nghĩa, nhưng chiến tranh luôn là sự thất bại chung của nhân loại. Trẻ em Việt Nam, trẻ em Trung Quốc phải hiểu thấu lịch sử cha ông, rút ra bài học từ quá khứ nhưng phải biết đối thoại liên văn hóa, biết chung sống hòa bình, hướng tới tương lai hòa bình, hiểu biết và hữu nghị.

- Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của giáo sư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục