Tỉnh Quảng Ninh nỗ lực phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ

Quảng Ninh đang khẩn trương triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh trước nguy cơ phát sinh các ổ dịch bệnh nhất là các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa.
Tỉnh Quảng Ninh nỗ lực phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ ảnh 1Dọn dẹp bùn đất, khơi thông cống rãnh thoát nước tại thành phố Bãi Cháy. (Ảnh: Nguyễn Hoàng/TTXVN)

Mưa lớn kéo dài trong những ngày cuối tháng Bảy, đầu tháng Tám đã gây ngập lụt diện rộng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, dẫn đến nguy cơ phát sinh các ổ dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như dịch tả, lỵ, thương hàn.

Tỉnh Quảng Ninh đang khẩn trương triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh.

Ngay sau khi nước lũ rút tại các điểm ngập lụt, đơn vị y tế, các địa phương đã nhanh chóng cung cấp Cloramin B cho nhân dân nhằm khử khuẩn, đảm bảo vệ sinh nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt của người dân.

Đến sáng 4/8, tại thành phố Hạ Long và Cẩm Phả, do đường ống dẫn nước cung cấp nước sinh hoạt cho người dân vẫn bị vỡ, nhiều hộ dân phải sử dụng nguồn nước đang có của gia đình đã bị ngập nước, không đảm bảo vệ sinh.

Trước tình hình này, ngoài lượng thuốc khử trùng Cloramin B dự trữ tại Trung tâm Y tế thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Quảng Ninh tiếp tục cấp thêm Cloramin B cho các địa phương này để cung ứng cho các hộ dân xử lý nguồn nước.

Bên cạnh đó, các địa phương huy động cán bộ, nhân viên của các trạm y tế trực tiếp xuống từng hộ hướng dẫn người dân khử khuẩn nguồn nước, tích trữ, bảo quản thực phẩm an toàn, đảm bảo không để dịch bệnh xảy ra.

Bác sỹ Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Ninh, cho biết Trung tâm đã phối hợp với Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe (Sở Y tế Quảng Ninh) và các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh mùa mưa lũ. Trung tâm cung cấp hóa chất, thuốc phun côn trùng cho các địa phương; đồng thời tích cực giám sát, phát hiện các ca bệnh để kịp thời khống chế dịch bệnh.

Bác sỹ Ninh Văn Chủ khuyến cáo người dân cần tắm rửa bằng nước đã được làm trong, khử khuẩn để phòng bệnh. Bệnh sốt xuất huyết và sốt rét lây lan là do muỗi đốt người bệnh rồi đốt sang người lành, do đó cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, diệt bọ gậy, phòng chống muỗi đốt; nguồn nước dùng ăn, uống phải được xử lý vệ sinh sạch sẽ.

Nếu trời mưa, người dân nên hứng nước mưa để sử dụng trong nấu nướng. Trường hợp phải dùng nước sông, suối, ao, hồ, cần làm trong và khử khuẩn nước rồi mới sử dụng.

Tỉnh Quảng Ninh nỗ lực phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ ảnh 2Dọn dẹp bùn đất, khơi thông cống rãnh thoát nước tại thành phố Bãi Cháy. (Ảnh: Nguyễn Hoàng/TTXVN)

Ông Nguyễn Minh Chung, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Ninh cho biết Chi cục đã phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường tỉnh tiến hành kiểm tra công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ ở thành phố Hạ Long và Cẩm Phả.

Kết quả kiểm tra một số mặt hàng thực phẩm cho thấy hầu hết các mặt hàng thực phẩm đều đảm bảo an toàn vệ sinh, chưa phát hiện thực phẩm bị nấm mốc, ôi thiu hay hết hạn sử dụng; giá cả không tăng so với thời điểm trước mưa lũ. Tuy nhiên, đoàn kiểm tra cũng phát hiện một số hộ kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và đã lập biên bản, tiêu hủy theo quy định.

Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Ninh, các hộ dân cần thực hiện việc ăn chín, uống sôi, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất như Cloramin B, viên Aquatabs hoặc những hóa chất khác được Bộ Y tế khuyến cáo để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống, sinh hoạt. Dụng cụ, bát đũa cần được rửa sạch; bảo quản tốt thức ăn đã nấu chín; không ăn các thức ăn đã bị ôi thiu, nghêu, sò, ốc, hến chưa được nấu chín.

Người dân cũng cần bảo quản tốt lương thực, thực phẩm, tránh ẩm, mốc, mối mọt và ngập nước, phòng chống côn trùng, động vật gây bệnh và ruồi, nhặng xâm nhập.

Người dân khi có các biểu hiện hoặc phát hiện các trường hợp nghi mắc bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, dịch tả, lỵ, thương hàn... cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị; đồng thời thông báo cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý, dập dịch, tránh dịch có khả năng lây lan rộng gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Theo thống kê, trận mưa lụt trong những ngày cuối tháng Bảy, đầu tháng Tám trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã làm 8.952 ngôi nhà bị ngập lụt; gần 1.200ha nuôi trồng thủy hải sản bị ngập, thiệt hại; 880 lồng bè nuôi trồng thủy sản của huyện Vân Đồn bị thiệt hại hoàn toàn; hơn 2.000 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi. Theo đánh giá của ngành Y tế tỉnh Quảng Ninh, đến thời điểm này, toàn tỉnh chưa phát hiện trường hợp mắc dịch bệnh do mưa lũ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục