Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình vừa có kiến nghị liên Bộ Tài chính và Giao thông Vận tải xem xét phương án cho phép tính toán kéo dài thời gian thu phí đối với trạm thu phí BOT tại km604+700 và trạm phí Quán Hàu của dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1 qua địa phương và chỉ đạo các nhà đầu tư sớm thực hiện việc giảm mức phí nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình cho rằng, theo kiến nghị của cử tri trên địa bàn, tỉnh đã có hai lần báo cáo và đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải xem xét, giảm từ 40-50% mức phí theo giá mới cho tất cả các xe chở người từ 9 ghế trở xuống và xe chở hàng có trọng tải từ 2 tấn trở xuống có biển kiểm soát đăng ký trong tỉnh Quảng Bình khi qua các trạm thu phí BOT trên Quốc lộ 1.
Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh (đơn vị thu phí trạm Quán Hàu) và Công ty Cổ phần TASCO (đơn vị thu phí tại km604+700 qua huyện Quảng Trạch) đều cho rằng, thời gian khai thác vừa qua, ngoài đề xuất của tỉnh Quảng Bình, nhà đầu tư cũng đã nhận được đề xuất của một số tổ chức, cá nhân trong tỉnh đề nghị giảm mức thu phí cho phương tiện giao thông khi lưu thông qua trạm thu phí.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng đưa ra lý lẽ, mức giá thu phí đối với các loại xe được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 29/2015/TT-BTC ngày 06/3/2015 và Thông tư sổ 93/2015/TT-BTC ngày 19/6/2015 của Bộ Tài chính.
Theo đó, để ban hành mức thu phí, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính đã có tính toán cụ thể mức thu phỉ đảm bảo phù hợp với điều kiện địa phương và đảm bảo hoàn vốn đầu tư của dự án. Do vậy, nếu điều chỉnh giảm theo đề xuất của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình (trong điều kiện hầu hết các phương tiện qua trạm thu phí là của tỉnh Quảng Bình) thì dự án sẽ không có khả năng hoàn vốn đầu tư, ngoài ra chưa xét đến tính khả thi của việc điều chỉnh mức phí 3 năm một lần.
Tuy nhiên, trong lần kiến nghị thứ ba và để có cơ sở đề xuất lần này, tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải đếm xe tại các trạm thu phí BOT và tính toán sơ bộ cho thấy, trạm thu phí TASCO bình quân khoảng 105 lượt xe qua trạm/ngày đêm, với mức phí đề nghị giảm 15.000 đồng/lượt thì trong 1 năm sẽ giảm doanh thu khoảng 570 triệu đồng; chiếm tỷ lệ khoảng 0,6% tổng kinh phí đầu tư cần thu để hoàn vốn cho dự án (tính toán đối với tổng mức đầu tư dự án là 2.005 tỷ đồng và thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 22 năm).
Đối với Trạm thu phí Quán Hàu bình quân khoảng 425 lượt xe qua trạm/ngày đêm, với mức phí đề nghị giảm 15.000 đồng lượt thì trong 01 năm sẽ giảm doanh thu khoảng 2,3 tỷ đồng. Dự án gồm hai dự án thành phần, hiện nay đang trình phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư và thời gian thu phí hoàn vốn.
“Do khoản chênh lệch khi giảm mức phí không ảnh hưởng lớn đến tổng doanh thu hoàn vốn cho các dự án, vì vậy có thể tính toán kéo dài thời gian thu phí để bù vào khoản chênh lệch khi giảm mức phí nói trên tại hai trạm thu phí,” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình khẳng định.
Trước đó, theo lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, do trạm thu phí được đặt tại các đường dẫn vào trung tâm huyện Quảng Ninh và huyện Quảng Trạch nên phương tiện cá nhân của nhân dân địa phương đi lại hàng ngày phải thường xuyên qua trạm. Nhiều trường hợp không đi qua đoạn tuyến BOT hoặc chỉ đi qua đoạn ngắn nhưng vẫn phải nộp đủ phí.
Đặc biệt, kể từ đầu năm 2016, khi tăng phí lên gấp 3,5 lần mức cơ bản trước đây (lên mức 35.000 đồng mỗi lượt cho một xe tiêu chuẩn), địa phương cho rằng như vậy là quá cao với khả năng thu nhập của người dân. Đây cũng là lý do khiến một số người dân huyện Quảng Ninh đã hai lần đưa phương tiện tới chặn trước trạm Quán Hàu để phản đối gây ùn tắc Quốc lộ 1.
“Sau khi được tỉnh vận động, người dân đã giải tỏa nhưng vẫn bức xúc về mức thu phí mới của các trạm BOT. Nếu không được giải quyết dứt điểm sẽ ảnh hưởng đến giao thông và trật tự,” lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cho biết/.