Tỉnh Quảng Bình tập trung giải quyết tình trạng tàu cá “3 không”

Hiện theo thống kê, toàn tỉnh Quảng Bình có 800 tàu cá “3 không;” trong đó, có 711 tàu cá chiều dài từ 6m đến dưới 12m; 50 tàu cá từ 12m đến dưới 15m; 39 tàu cá từ 15m trở lên.
Ngư dân tỉnh Quảng Bình đưa tàu lên bờ để thực hiện kiểm tra để hoàn thành hồ sơ thủ tục cấp phép. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Tỉnh Quảng Bình đang hỗ trợ ngư dân trong việc đăng ký, đăng kiểm, cấp phép cho những tàu cá hoạt động bất hợp pháp, nhằm giải quyết tình trạng tàu cá “3 không” trên địa bàn.

Trực tiếp cùng Tổ công tác của Trung tâm đăng kiểm (Chi cục Thủy sản Quảng Bình) về tại xã Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới) để thực hiện việc kiểm tra tàu, thiết bị trên tàu nhằm sớm hoàn thành hồ sơ thủ tục cấp phép cho bà con ngư dân, mới thấy được sự phấn khởi của chủ tàu “3 không.”

Theo lịch đăng ký, nhiều bà con ngư dân cùng phương tiện tàu cá đã có mặt tại cơ sở đóng tàu tại xã Bảo Ninh để tham gia việc kiểm tra.

Ông Mai Văn Mùi (xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới), chủ tàu cá công suất 320CV vừa được tổ công tác ký biên bản kiểm tra hoàn tất thủ tục vui mừng cho biết nhiều năm liền do không có hồ sơ đăng ký nên tàu cá gia đình ông xem như hoạt động không phép.

Do đó, việc ra khơi đánh bắt thủy hải sản rất khó khăn, thậm chí không thể ra khơi được. Khi có quy định hỗ trợ, gia đình rất vui mừng vì khi có đầy đủ giấy phép tàu cá có thể ra khơi đánh bắt cá theo đúng quy định.

Hiện không chỉ có tàu cá của gia đình ông, mà nhiều gia đình khác cũng rất vui mừng bởi quy định mới này.

Trước đó, từ cuối tháng 5/2024, chính quyền xã Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới, Quảng Ninh) đã tiến hành thông báo, thực hiện tuyên truyền đến các chủ phương tiện tàu cá “3 không” khai báo, đăng ký danh sách để tiến hành thực hiện các thủ tục đăng ký, đăng kiểm theo quy định mới.

Đây là cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vươn khơi, bám ngư trường một cách hợp pháp.

Ông Đào Quang Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Ninh cho biết thực tế tàu “3 không” gồm không đăng ký, không đăng kiểm và không giấy phép khai thác thủy sản khá nhiều.

Từ lâu nay, bà con ngư dân rất mong muốn, các cơ quan chức năng xem xét cấp phép, để yên tâm đưa tàu ra biển đánh bắt thủy sản hợp pháp. Tuy nhiên, do chưa có quy định hỗ trợ nên các tàu cá “3 không” này vẫn hoạt động nhưng chỉ đánh bắt gần bờ và như hoạt động lậu.

Cán bộ Trung tâm đăng kiểm (Chi cục Thủy sản Quảng Bình) kiểm tra tàu, thiết bị trên tàu để hoàn thành hồ sơ thủ tục cấp phép cho ngư dân. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Trước thực tế đó, Thông tư sửa đổi, bổ sung 1 số điều của Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ NN-PTNT quy định về đăng kiểm viên tàu cá; công nhận cơ sở đăng kiểm tàu cá; bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá, tàu kiểm ngư; đăng ký tàu cá, tàu công vụ thủy sản; xóa đăng ký tàu cá và đánh dấu tàu cá… vừa ban hành vào đầu tháng 5/2024 đã giúp ngành chức năng tháo gỡ những vướng mắc.

Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Bình cho biết từ lâu nay, việc quản lý tàu cá "3 không" ở các địa phương vẫn đang gặp một số khó khăn như một số địa phương chưa rà soát đầy đủ, chưa tập hợp được chủ tàu cá để phối hợp với Chi cục Thủy sản kiểm tra, cấp đăng ký; một số tàu cá nằm bờ tự ý cải hoán máy, chuyển sang nghề lưới kéo, chưa làm thủ tục sang tên, đổi chủ; một số tàu cá hoạt động ngoại tỉnh không về địa phương, hoặc nằm bờ không hoạt động, bị ngân hàng thu giữ.

Hiện theo thống kê, toàn tỉnh Quảng Bình có 800 tàu cá “3 không;” trong đó, có 711 tàu cá chiều dài từ 6m đến dưới 12m; 50 tàu cá từ 12m đến dưới 15m; 39 tàu cá từ 15m trở lên.

Các địa phương có số lượng tàu cá “3 không” nhiều gồm thị xã Ba Đồn (424 tàu cá), huyện Quảng Ninh (120 tàu cá) và huyện Quảng Trạch (95 tàu cá). Những khó khăn trong quản lý tàu cá “3 không” là một trong những trở ngại nhằm khắc phục khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Theo ông Lê Ngọc Linh, khi có Thông tư sửa đổi, bổ sung về quy định về đăng kiểm tàu cá đã mở hướng mới cho tàu cá “3 không.”

Hiện hồ sơ đăng ký tàu cá, tờ khai đăng ký phải có xác nhận của Ủy ban Nhân dân cấp xã, phường nơi chủ tàu đăng ký hộ khẩu thường trú để làm căn cứ cho cơ quan chức năng xác định đúng đối tượng, phương tiện.

Ngoài ra, chủ tàu phải cung cấp các bản sao chụp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật của tàu cá, bản thông báo nộp lệ phí trước bạ của tàu và ảnh màu chụp toàn tàu theo hướng 2 bên mạn tàu.

Chi cục Thủy sản Quảng Bình đã phổ biến các giấy tờ, thủ tục cần thiết đến tận xã và các thôn có biển hoặc có phương tiện đi biển. Qua đó, bà con đã xác định những thủ tục cần thiết để đến cấp chính quyền xác nhận, kê khai.

Đến nay, tỉnh Quảng Bình đã hoàn thành thủ tục cấp phép cho gần 600 tàu “3 không”, thành tàu có hồ sơ hợp pháp và đang tiếp tục triển khai cấp các loại giấy phép cho gần 200 tàu còn lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục