Đầm Nại thuộc huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận có diện tích khoảng 1.200ha, là một trong 12 đầm phá ven biển lớn của Việt Nam.
Sau nhiều năm tích cực khôi phục hệ sinh thái, đến nay, đầm Nại dần được “hồi sinh” với những cánh rừng ngập mặn xanh tốt, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Đầm Nại có hình dạng giống như một cái túi chứa nước, nối với vịnh Phan Rang thông qua cửa biển Ninh Chữ. Hệ sinh thái rừng ngập mặn của Ninh Thuận nằm chủ yếu thuộc khu vực đầm Nại. Vào những năm 1980, khu vực này có khoảng 300ha rừng ngập mặn với các loài như đước đôi, đước vòi, đưng, sú đỏ, dà vôi, mắm... Tại đây có 320 loài thủy sản sinh sống mang lại nguồn lợi kinh tế đáng kể cho gần 14.570 hộ dân của 5 xã, thị trấn sống ven đầm nhờ khai thác, nuôi trồng thủy hải sản.
Trải qua thời gian, các khu dân cư, ngành nghề kinh tế dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên của đầm Nại không ngừng phát triển. Các hoạt động khai thác thủy sản, sản xuất muối, nuôi trồng thủy sản có giai đoạn gặp điều kiện thuận lợi đã phát triển tự phát quá nhanh. Việc chặt phá rừng ngập mặn để nuôi trồng thủy sản đã làm biến đổi cảnh quan tự nhiên khu vực, ảnh hưởng lớn tới hệ sinh thái tự nhiên, chuỗi thức ăn và mạng thức ăn trong tự nhiên; giảm chức năng sàng lọc các chất ô nhiễm từ các khu vực xung quanh đổ ra đầm.
[Ninh Thuận khẩn trương xử lý tình trạng ô nhiễm biển Đầm Nại]
Trước thực trạng trên, năm 2015, từ nguồn vốn Chương trình trồng mới, phục hồi và kết hợp quản lý bảo vệ rừng chống xâm thực bờ biển của Trung ương và nguồn vốn ODA, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm chủ dự án đầu tư khôi phục hệ sinh thái rừng ngập mặn đầm Nại (giai đoạn 2015-2020) với diện tích trồng rừng ngập mặn là 47,42ha.
Các đơn vị thi công trồng rừng đã triển khai nhiều biện pháp như: trồng những cây mắm, đước tại những khu vực bán ngập; kết hợp các biện pháp trồng dặm thường xuyên; trồng bằng cây con, cây lớn, cây có bầu, cây rễ trần; trồng trực tiếp bằng hạt, quả; nghiên cứu một số giống mới trồng thử nghiệm; thí nghiệm bọc thân cây trong bịch ni lông để tránh hà bám; tuyên truyền người dân không khai thác hải sản trong các lô rừng trồng...
Đến nay, các cây đã ken dày, xanh đặc, phát triển thành rừng trồng. Nhận thức của người dân từ đó cũng dần thay đổi trong việc giữ gìn, bảo vệ những cánh rừng ngập mặn để tạo sinh kế lâu dài, bền vững. Hơn 20 năm mưu sinh trên đầm Nại, ông Nguyễn Một (xã Tri Hải, huyện Ninh Hải) cho hay ông từng chứng kiến những cánh rừng ngập mặn với vô số cây mắm, cây đước nhiều năm tuổi bị người dân đốn hạ. Hệ lụy là nguồn lợi thủy sản trong đầm bị suy giảm, môi trường nước ô nhiễm khiến dịch bệnh trên thủy sản nuôi xảy ra liên tục. Nhiều gia đình lâm vào cảnh trắng tay.
Ông Một chia sẻ những người sống gắn bó gần như cả đời với đầm Nại như ông luôn thấu hiểu sự quan trọng của việc bảo vệ khu rừng ngập mặn. Đây là ngôi nhà chung của các loài thủy sản. Nhờ hệ sinh thái được phục hồi, cá tôm sinh sôi dưới tán rừng ngập mặn, các ngư dân có thu nhập từ việc khai thác cá, tôm trong đầm; mỗi ngày cũng được 100.000-200.000 đồng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận, diện tích rừng trồng ngập mặn đầm Nại góp phần quan trọng bảo vệ đê đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, đảm bảo sản xuất ổn định cho các diện tích kinh tế và đời sống của các hộ dân phía trong. Ngoài ra, việc hình thành các đai rừng ngập mặn trồng dọc theo những khu vực đầm sẽ trở thành những bãi giống, bãi đẻ tự nhiên cho các loài thủy sản, góp phần phục hồi, bảo vệ tính đa dạng sinh học; đồng thời cung cấp thức ăn cho nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế, giúp người nuôi trồng thủy sản có thể phát triển theo hướng nuôi sinh thái bền vững.
Những năm qua, tận dụng vùng mặt nước đầm Nại rộng lớn, ngư dân huyện Ninh Hải phát triển các mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương, ốc hương, cá mú Trân Châu, cua biển... Trong đó, mô hình nuôi hàu thời gian qua rất phát triển bởi chi phí không lớn, kỹ thuật nuôi đơn giản, đầu ra và giá cả lại khá ổn định. Đặc biệt, hàu là đối tượng ăn lọc, thức ăn cung cấp cho hàu chủ yếu từ nguồn nước tự nhiên. Vì vậy, nuôi hàu góp phần cải thiện môi trường nước tại khu vực nuôi. Đến nay, khu vực đầm Nại có khoảng 100 hộ nuôi hàu với khoảng 400 lồng bè.
Ông Nguyễn Khắc Đông, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ninh Hải cho biết huyện đang phối hợp với các cấp, ngành triển khai các biện pháp khôi phục và bảo vệ những khu rừng ngập mặn ven đầm Nại để tiếp tục khôi phục hệ sinh thái, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Các xã ven đầm Nại tập trung tuyên truyền, vận động ngư dân tuân thủ quy hoạch sản xuất và chú ý đến việc đảm bảo môi trường, xây dựng các mô hình nuôi sinh thái tạo sinh kế bền vững cho các hộ nuôi trồng thủy hải sản. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Hệ sinh thái đầm Nại được phục hồi tạo điều kiện để phát triển du lịch sinh thái. Khai thác vẻ đẹp thơ mộng nơi đây, nhiều tour, dự án phát triển du lịch đang được triển khai. Điển hình như mô hình du lịch cộng đồng làng bích họa Hòn Thiên đang là điểm đến hấp dẫn du khách tham quan, chụp ảnh. Tại đây, khách du lịch được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị về tìm hiểu môi trường, chèo thuyền khai thác cá, tôm; thưởng thức các món hải sản, mua hải sản tươi ngon được ngư dân khai thác trong ngày. Các hoạt động này giúp ngư dân sống xung quanh đầm có thêm nguồn thu nhập.
Nhằm tạo động lực thúc đẩy khu vực đầm Nại phát triển, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã ban hành quy hoạch chi tiết để xây dựng khu đô thị mới ven đầm Nại; kêu gọi thu hút đầu tư phát triển khu lịch sinh thái phù hợp với đặc điểm điển hình của đầm nhiệt đới khô hạn ven biển... Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, trong tương lai, khu vực đầm Nại sẽ phát triển mạnh, đời sống người dân sẽ có nhiều đổi thay./.