Tỉnh Ninh Thuận nâng cao hiệu quả kinh tế từ nghề nuôi biển

Ngành thủy sản tỉnh Ninh Thuận phấn đấu sản lượng nuôi trồng thủy sản thương phẩm đạt 9.500 tấn và sản xuất giống thủy sản đạt 41,35 tỷ con trong năm 2022.
Phát triển nghề nuôi tôm trên biển của người dân ở huyện Ninh Hải. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Thực hiện Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 4/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Ninh Thuận tập trung phát triển nghề nuôi biển gắn với đổi mới và tổ chức lại lại sản xuất, phát triển công nghệ nuôi, thu hoạch và chế biến sâu để tạo ra các sản phẩm chất lượng góp phần làm gia tăng giá trị, đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ.

Ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận, cho biết năm 2022, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển các mô hình nuôi biển với nhiều loài có giá trị kinh tế cao như cá bớp, cá mú, cá chim, hàu, cua, ghẹ, ốc hương, tôm hùm, tôm thương phẩm... nhằm khai thác và tận dụng tối đa lợi thế đường bờ biển dài hơn 105km cùng hệ thống đầm, vịnh, ao đìa ven bờ đa dạng tại các địa phương.

Ngành thủy sản phấn đấu sản lượng nuôi trồng thủy sản thương phẩm đạt 9.500 tấn và sản xuất giống thủy sản đạt 41,35 tỷ con.

Để triển khai thực hiện, ngành thủy sản phối hợp các địa phương tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp về hướng dẫn ngư dân tuân thủ quy hoạch vùng nuôi, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm từ con giống, vật tư đầu vào, nuôi thương phẩm đến chế biến, bảo quản sau thu hoạch và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; trong đó, lấy doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác làm hạt nhân tổ chức liên kết sản xuất.

[Tạo nền tảng cho phát triển bền vững nghề nuôi biển ở Việt Nam]

Các đơn vị trực thuộc ngành nông nghiệp gồm trung tâm giống thủy sản cùng các công ty đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất, ương dưỡng nguồn giống các loại cá biển, tôm giống, các loài nhuyễn thể đủ số lượng, đảm bảo chất lượng phục vụ nuôi thương phẩm.

Tỉnh cũng tổ chức quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác nguồn giống đối với một số loài nuôi biển đang phụ thuộc vào nguồn giống thu gom từ tự nhiên (như tôm hùm, cua biển, ghẹ) bảo đảm không xâm hại đến nguồn lợi để phát triển bền vững.

Đối với hoạt động nuôi biển, ngành thủy sản tỉnh Ninh Thuận nghiên cứu, chuyển đổi dần từ hình thức nuôi cá lồng bè truyền thống, gần bờ chuyển sang nuôi biển công nghiệp, xa bờ bằng việc áp dụng hệ thống lồng, bè có kết cấu và vật liệu phù hợp với từng đối tượng nuôi, chịu được biến động thời tiết sóng to, gió lớn, bão như mô hình nuôi cá biển lồng công nghiệp theo công nghệ Na Uy.

Bên cạnh đó khuyến khích, hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh phát triển các mô hình nuôi biển theo hình thức hữu cơ, sinh thái gắn với bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản ven bờ.

Sơ chế cá trước khi đưa đi tiêu thụ tại bến cá Mỹ Tân (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận). (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận, các đơn vị chuyên môn sẽ thường xuyên mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, quan trắc môi trường nước, cảnh báo dịch bệnh kịp thời, hướng dẫn hộ nuôi các biện pháp phòng trị hiệu quả một số bệnh thường xảy ra gây hại cho tôm như bệnh đốm trắng, vi bào tử trùng, hoại tử gan tụy cấp tính, bệnh mù mắt trên cá bớp, bệnh lở loét trên cá mú...

Đồng thời tổ chức liên kết, hợp tác với các lực lượng để tổ chức hoạt động di dời người, lồng bè khi có các sự cố trên biển để đảm bảo an toàn và giảm thấp nhất về mức độ thiệt hại.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh huy động các nguồn lực; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút các đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư nghiên cứu, triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi biển theo quy mô công nghiệp, phát triển hoạt động nuôi biển tập trung xa bờ, sản xuất giống phục vụ nuôi biển theo hướng hiện đại, quy mô lớn nhằm thúc đẩy nghề nuôi biển phát triển bền vững, đưa lĩnh vực nuôi biển trở thành trụ cột chính trong phát triển ngành thủy sản của địa phương.

Thời gian qua, bên cạnh hoạt động khai thác hải sản, ngư dân ở các huyện ven biển Ninh Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, huyện Thuận Nam của tỉnh Ninh Thuận đã mạnh dạn đầu tư, phát triển nghề nuôi các loài cá biển, các loài giáp xác và nhuyễn thể trong lồng bè, ao đìa... Nhiều mô hình nuôi biển đã phát triển mạnh trở thành nghề chính của bà con ngư dân.

Qua thống kê của ngành thủy sản Ninh Thuận, năm 2021 toàn tỉnh có 276 bè, với 2.642 lồng nổi nuôi tôm hùm, sản lượng thu hoạch tôm hùm đạt khoảng 80 tấn.

Tuy gặp ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 song giá bán tôm hùm bông vẫn dao động ở mức từ 1.200.000-2.100.000 đồng/kg và tôm hùm xanh có giá 550.000-630.000 đồng/kg.

Song song đó, các hộ thả nuôi khoảng 730ha tôm thương phẩm với sản lượng thu hoạch trên 5.800 tấn; trên 1.000 lồng nuôi các loại cá biển như cá bớp, cá mú, cá chim với tổng sản lượng thu hoạch đạt khoảng 560 tấn, giá bán dao động từ 90.000-250.000 đồng/kg; thả nuôi 67ha ốc hương sản lượng thu hoạch khoảng 1.550 tấn, giá bán ốc hương dao động ở mức cao khoảng từ 245.000-275.000 đồng/kg; diện tích nuôi hàu, cua, ghẹ khoảng 25ha mặt nước; trong đó, có 402 bè nuôi hàu với tổng sản lượng thu hoạch đạt khoảng 1.200 tấn, giá cua, ghẹ dao động từ 240.000-280.000 đồng/kg.

Thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục nhân rộng các mô hình nuôi biển cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho cộng đồng cư dân ven biển.

Cùng với hoạt động khuyến khích phát triển nghề nuôi biển, tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành để sử dụng hiệu quả tài nguyên biển theo hướng bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục