Tình nghĩa quân dân trong đại dịch - mạch nguồn cuộn chảy

Trang sử vàng của Quân đội Nhân dân Việt Nam lại được viết thêm những chương mới rất đáng tự hào khi bộ đội Cụ Hồ đồng hành cùng nhân dân và đất nước đi qua những thời khắc khó khăn của đại dịch.
Lực lượng Quân y tại Trạm y tế lưu động số 1 (Phường 6, quận Tân Bình) mang các đồ dùng cần thiết (bình ôxy, máy đo nồng độ oxy, ống nghe, nhiệt kế, dung dịch sát khuẩn, khẩu trang…) để đến nhà F0. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Bộ đội gìn giữ quê hương, bộ đội hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân chiến đấu và nhân dân với tình cảm, sự yêu thương đùm bọc anh bộ đội Cụ Hồ cũng chính là yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh vô địch của quân đội Việt Nam.

Nghĩa tình quân dân trở thành tài sản vô giá của Quân đội Nhân dân Việt Nam suốt 77 năm qua. Và nay, trang sử vàng của Quân đội Nhân dân Việt Nam lại được viết thêm những chương mới rất đáng tự hào về tình quân dân ấy khi bộ đội Cụ Hồ góp phần giúp nhân dân và đất nước đi qua những thời khắc khó khăn của đại dịch COVID-19.

[Nghĩa tình quân dân là giá trị quan trọng góp phần làm nên chiến thắng]

Đại úy Đỗ Trung Thành, bác sỹ, lớp chuyên khoa 1 tai mũi họng khóa 45, hệ 1 (hệ sau đại học) của Học viện Quân y, đã viết những dòng nhật ký kể lại quãng thời gian đầy kỷ niệm khi anh làm Trạm trưởng Trạm Y tế lưu động số 7, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh.

"5 giờ sáng test nhanh COVID-19 cho các bạn shipper. Gọi điện hỏi thăm F0. Nhận điện thoại báo sức khỏe và đi cấp cứu bệnh nhân mắc COVID-19. Ăn trưa lúc 15-16 giờ. Ăn tối lúc 22-23 giờ."

"Đi cấp cứu cả ngày. Vác bình ôxy đến từng nhà dân, phối hợp cùng Trạm Y tế phường Tân Tạo A đi tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. Đi test cộng đồng với hàng nghìn ca mỗi ngày. Vận chuyển bệnh nhân F0 chuyển nặng đến cơ sở y tế tuyến trên. Hỗ trợ y tế khẩn cấp các trường hợp cần kịp thời nhất có thể…"

Nhớ lại thời gian chăm sóc sức khỏe người dân tại các khu nhà trọ nghèo ở phường Tân Tạo A, Đại úy Đỗ Trung Thành nói có nhiều điều sẽ khó quên về nghĩa tình quân dân trong đại dịch.

“Nhân dân rất tình cảm, chào đón bộ đội đến giúp dân chống dịch. Có người còn mang trứng, rau xanh trong vườn, cá nhà tự nuôi được đến tận trạm cách ly y tế để tặng bộ đội. Trời mưa đi cấp cứu bệnh nhân trong lúc đang mặc đồ bảo hộ, người dân đã đem ô, áo mưa để chúng tôi đỡ ướt,” Đại úy Đỗ Trung Thành chia sẻ.

Làm việc tại “vùng đỏ” đầy áp lực và căng thẳng, song Đại úy Đỗ Trung Thành vẫn cố gắng hằng ngày kết nối, gửi trao, động viên vợ anh, Đại úy Nguyễn Thùy Linh đang "bụng mang dạ chửa" vừa phải đi làm, vừa chăm sóc con nhỏ hơn một tuổi.

Nhưng chị rất thấu hiểu nhiệm vụ và quyết tâm của chồng, như anh nói “vì miền Nam lúc đó đang rất cần chúng tôi. Chúng tôi cố gắng làm hết tâm sức của những y, bác sỹ áo lính, cùng chung niềm tin chiến thắng đại dịch.”

Cũng vào Nam giúp dân chống dịch bằng “mệnh lệnh trái tim người chiến sỹ” như bác sỹ Đỗ Trung Thành là đồng đội, đồng nghiệp của anh ở Học viện Quân y, Đại úy Đặng Minh Thông.

Chia sẻ về thời gian tại Trạm y tế lưu động tại phường Cô Giang, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Đại úy Đặng Minh Thông cho hay Trạm tập trung các trường hợp lang thang, vô gia cư của toàn quận 1. Có những trường hợp mắc nhiều bệnh như HIV/AIDS, ma túy, tâm thần. Lúc bắt đầu làm việc ở đây, có những trường hợp F0 thiếu sự hợp tác, tỏ ra tiêu cực trong điều trị. Nhưng sau một tuần, trước sự chăm sóc, giải thích, hỗ trợ tâm lý và quan tâm chăm sóc của đội ngũ nhân viên y tế tại Trạm thì các bệnh nhân này đã hợp tác.

“Không chỉ điều trị bằng thuốc, phương tiện máy móc, oxy mà chúng tôi còn phải chú ý cả các liệu pháp tâm lý. Nhờ đó mà nhiều bệnh nhân đã hợp tác nên từ nặng đã chuyển nhẹ. Kết quả là chúng tôi đã kết thúc điều trị cho 258 bệnh nhân F0. Đáng nhớ nhất là có trường hợp F0 sau khi điều trị khỏi đã xin tình nguyện ở lại phục vụ tại khu cách ly vì đã có tình cảm gắn bó lâu ngày với những người ở khu cách ly,” Đại úy Đặng Minh Thông cho hay.

Đại úy Đỗ Trung Thành, Đại úy Đặng Minh Thông chỉ là số ít trong hàng trăm ngàn cán bộ, chiến sỹ toàn quân và lực lượng dân quân tự vệ không ngại hiểm nguy, gác lại mọi nỗi niềm riêng tư để thực hiện “trách nhiệm phụng sự nhân dân.”

Từ khi đại dịch diễn biến phức tạp, hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự chỉ đạo của Chính phủ, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp, cán bộ, chiến sĩ toàn quân và lực lượng dân quân tự vệ trong cả nước đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần yêu nước, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, vừa huấn luyện chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, vừa tích cực, chủ động tham gia phòng, chống đại dịch COVID-19, hạn chế thấp nhất không để dịch bệnh lây lan trong cơ quan, đơn vị; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh tại nhiều nơi có ổ dịch lớn.

Từ lãnh đạo cấp cao nhất của quân đội đến chiến sỹ binh nhì, ai cũng đều nhận thức, đây không chỉ là sứ mệnh, nhiệm vụ mà còn là mệnh lệnh trái tim của người chiến sỹ Quân đội Nhân dân.

Nhiệt huyết, tinh thần và quyết tâm từ trái tim đó chính là sự tỏa sáng phẩm chất của anh bộ đội Cụ Hồ - những người đang ngày đêm thực hiện sứ mệnh bảo vệ vùng biển, vùng trời, vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và đang làm nghĩa vụ quốc tế ở xa Tổ quốc.

Tất cả vì cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc của nhân dân và giá trị Việt Nam trên trường quốc tế.

Phẩm chất đó cũng là thể hiện nghĩa tình quân dân - mạch nguồn cuộn chảy 77 năm qua, từ khi thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam vào ngày 22/12/1944 đến nay.

Mà nghĩa tình quân dân ấy, như Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây đã nhấn mạnh là giá trị nội lực, sức mạnh nội sinh quan trọng góp phần làm nên thắng lợi trong cuộc chiến bảo vệ nền độc lập, tự do, thống nhất đất nước và vượt qua những thời khắc khó khăn của lịch sử như đại dịch COVID-19.

Cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 31, Sư đoàn 309 (Quân đoàn 4) chuyển quà cho nhân dân vùng dịch ở phường 16, quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Nay trước đại dịch đe dọa tính mạng và sức khỏe của đồng bào, những người con của nhân dân mang sứ mệnh màu xanh áo lính đã đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người, cần mẫn hướng dẫn nhân dân phòng, chống dịch, đi chợ, thu hoạch nông sản, phục vụ trong khu cách ly, canh gác các chốt kiểm dịch, cứu chữa người bệnh, chăm sóc em bé mồ côi, mai táng đồng bào tử vong do dịch bệnh bằng tất cả tấm lòng và trái tim chan chứa tình người.

Kể sao hết được những người cha, người mẹ suốt mấy tháng trời chỉ nghe thấy tiếng, chỉ nhìn thấy mặt con yêu thương qua điện thoại; không ít cán bộ, chiến sỹ đã không thể về đưa tiễn người thân đến nơi an nghỉ cuối cùng. Họ cũng sẵn sàng hoãn cưới vợ, cưới chồng, cưới con; không thể ở nhà lúc vợ trở dạ, sinh con… để hoàn thành mọi trọng trách mà nhân dân giao phó.

“Dịch bệnh đang dần qua đi, nhưng tình quân dân mãi mãi đọng lại trong trái tim của mọi người con đất Việt,” Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục