Tỉnh Nghệ An đề nghị hỗ trợ 152 tỷ đồng để chống hạn hán

Tỉnh Nghệ An cũng đang đề nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh 152 tỷ đồng để giúp địa phương có điều kiện đối phó với tình hình hạn hán và triển khai công tác chống hạn có hiệu quả.
Đồng ruộng xác xơ vì nắng hạn. (Ảnh: Nguyễn Văn Nhật/Vietnam+)

Chiều 11/6, ông Nguyễn Xuân Đường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An chủ trì cuộc họp khẩn với các ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh về công tác phòng chống hạn và bàn một số giải pháp cấp bách nhằm hạn chế thiệt hại do nắng hạn gây ra.

Tại Nghệ An, tình hình thời tiết đang tiếp tục có diễn biến bất lợi, thậm chí có những ngày nhiệt độ lên trên 41 độ C.

Hiện nay, mực nước của đa số các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh đều xuống rất thấp (hồ cao nhất có mực nước bằng 30% dung tích thiết kế); nguồn nước trên các sông, suối giảm nhanh; nhiều trạm bơm lấy nước dọc sông Lam (sông lớn nhất tỉnh) không hoạt động được.

Tình trạng khô hạn, thiếu nước xảy ra trên diện rộng đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân sinh, kinh tế-xã hội của tỉnh.

Nhiều nơi không có nước sinh hoạt và nguy cơ cháy rừng là rất lớn, trong khi đó nguồn nước bị mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng ở các vùng cửa sông, ven biển.

Theo kế hoạch, lúa Hè Thu phải gieo cấy 56.000ha nhưng do nắng nóng không đủ nước nên đến nay toàn tỉnh mới chỉ gieo cấy được 42.440ha, đạt 75,78% kế hoạch. Tuy nhiên, có đến 4.500ha trong tổng số 42.440ha lúa đã gieo cấy có nguy cơ khô cháy do nắng hạn.

Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh, các ngành, đơn vị, địa phương đã có nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo công tác chống hạn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nghệ An cũng làm việc với Nhà máy thủy điện Bản Vẽ để nâng lưu lượng xả nước; tổ chức tuyên truyền về tình hình thiếu nước và khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm.

Công ty thủy lợi Nam Nghệ An đã lắp đặt 3 tổ máy bơm 1.000m3/h tại trạm bơm sông Rum lấy nước từ sông Lam vào kênh Lê Xuân Đào và đắp đập ngăn mặn, giữ ngọt ở sông Cấm để nâng cao mực nước cho các trạm bơm thuộc huyện Nghi Lộc hoạt động; đồng thời lắp đặt nhiều bơm dã chiến.

Tại cuộc họp, sau khi nghe ý kiến phát biểu của các ngành, địa phương, đơn vị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Xuân Đường yêu cầu nhà máy thủy điện Bản Vẽ và Khe Bố có lịch xả nước phù hợp để cung cấp nguồn nước cho vùng hạ du.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các ngành, địa phương liên quan cử cán bộ lãnh đạo trực 24/24 giờ, trong thời gian nắng hạn không bố trí cán bộ lãnh đạo đi công tác xa, nhất là công tác nước ngoài.

Tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu các địa phương tích cực nạo vét kênh mương, lắp đặt các trạm bơm dầu, bơm dã chiến để tận dụng nguồn nước phục vụ sản xuất; rà soát lại kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu, chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý.

Với những diện tích không đảm bảo đủ nguồn nước tưới suốt vụ phải chuyển sang trồng ngô hoặc các loại cây khác; chủ động chuẩn bị các loại giống ngắn ngày để khi có nguồn nước là gieo trồng được ngay, đảm bảo kịp thời vụ. Cán bộ cần xuống các địa bàn để hướng dẫn triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống hạn và sản xuất.

Trong công tác chống hạn, tỉnh Nghệ An cũng đang đề nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh 152 tỷ đồng để giúp địa phương có điều kiện đối phó với tình hình hạn hán và triển khai công tác chống hạn có hiệu quả; hỗ trợ kinh phí xây dựng một trạm bơm với lưu lượng ít nhất 25m3/s để bơm lấy nước từ sông Lam vào kênh thấp để cung cấp nước cho hệ thống thủy lợi Nam Nghệ An, xây dựng một cống ngăn mặn giữ ngọt trên sông Cấm để nâng mực nước trong sông Cấm cho các trạm bơm thuộc huyện Nghi Lộc và thành phố Vinh hoạt động.

Tỉnh Nghệ An cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, sớm cho đầu tư dự án cống ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Lam bằng nguồn vốn ODA Nhật Bản để giải quyết triệt để hạn hán cho vùng Nam Nghệ An và Bắc Hà Tĩnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục