Để thực hiện vai trò và trách nhiệm tạo động lực tăng trưởng chính trong phát triển kinh tế vùng, thời gian qua, tỉnh Long An đã triển khai nhiều chiến lược hành động xúc tiến đầu tư theo hướng khai thác hiệu quả và đồng bộ các lợi thế, tiềm năng vượt trội của tỉnh; đồng thời, tháo gỡ cho được những điểm nghẽn để vững bước đi lên theo kế hoạch.
Thúc đẩy tháo gỡ những điểm nghẽn
Nhờ nỗ lực kêu gọi, thu hút đầu tư hiệu quả, thời gian qua, cơ sở hạ tầng của tỉnh Long An đã đạt được một số kết quả khả quan. Kinh tế mở rộng, phát triển. Vốn đầu tư công được giải ngân hiệu quả. Thu nhập của người dân không ngừng tăng lên.
Theo ông Trương Văn Liếp, Quyền Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An, lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có trên 1.100 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 3,8% so với cùng kỳ. Tổng vốn đăng ký mới đầu tư trong nước trên 40.200 tỷ đồng, tăng trên 20.900 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Về đầu tư nước ngoài, lũy kế từ đầu năm đến nay, tỉnh đã cấp mới 64 dự án, tăng 30 dự án với tổng vốn đăng ký trên 483 triệu USD, tăng trên 225 triệu USD. Các khu công nghiệp của tỉnh lũy kế từ đầu năm đến nay thu hút được 96 dự án đầu tư; trong đó có 61 dự án đầu tư nước ngoài và 35 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư cấp mới lần lượt trên 518 triệu USD và trên 20.300 tỷ đồng. Từ tháng 1-7, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã đóng góp hơn 3.200 tỷ đồng vào ngân sách tỉnh.
Đối với các cụm công nghiệp của tỉnh, lũy kế từ đầu năm đến nay thu hút được 646 dự án đầu tư. Riêng đối với khu kinh tế cửa khẩu, hiện có 2 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đầu tư khoảng 75 triệu USD.
Mặc dù thu hút đầu tư thời gian qua có rất nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng hiện nay, tỉnh Long An vẫn còn có những khó khăn, điểm nghẽn.
Ông Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An, cho biết tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật một số khu, cụm công nghiệp còn chậm dẫn đến quỹ đất công nghiệp sạch không nhiều, ảnh hưởng đến xúc tiến kêu gọi thu hút đầu tư.
[Đến năm 2030 Long An sẽ thành lập mới thêm 17 khu công nghiệp]
Một số chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp chỉ quan tâm đến đầu tư xây dựng phần diện tích đất công nghiệp cho thuê, chưa quan tâm đầu tư hạ tầng xã hội. Trong quá trình đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp còn vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng. Có dự án đã bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng chậm làm thủ tục giao đất, cho thuê đất.
Chất lượng thu hút đầu tư của Long An còn hạn chế. Nhiều dự án có quy mô nhỏ, hàm lượng công nghệ của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài thu hút vào các khu công nghiệp ở mức chưa cao, chủ yếu là gia công, lắp ráp nên giá trị gia tăng thấp, sức lan tỏa của các doanh nghiệp FDI đối với các doanh nghiệp trong nước chưa thật sự mạnh mẽ.
Chính vì vậy, tỉnh đã chủ động chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tập trung nghiên cứu các giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm giải quyết những hạn chế trên. Cụ thể, tỉnh sẽ xây dựng tiêu chí, chỉ số cụ thể làm cơ sở lựa chọn dự án đầu tư (về suất đầu tư, sử dụng lao động, loại hình dự án, xác định các ngành nghề trọng tâm phát triển công nghiệp của tỉnh). Trong đó, ưu tiên các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, kết nối chuỗi sản xuất.
Trong thu hút đầu tư, nhất là thu hút FDI, tỉnh quán triệt nguyên tắc lợi ích kinh tế của các dự án đầu tư mang lại cho tỉnh phải được đánh giá trên các chỉ tiêu về tăng trưởng bao trùm và tăng trưởng xanh, không đánh giá về tăng trưởng GRDP đơn thuần.
Để có quỹ đất sạch thu hút đầu tư, tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; rà soát tình hình hoạt động các khu, cụm công nghiệp để có giải pháp khắc phục những bất cập hạn chế tại các khu vực này, nhất là việc đầu tư hạ tầng khu xử lý nước thải tập trung, hạ tầng xã hội. Đồng thời, rà soát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp để kịp thời phát hiện các dự án đã thay đổi mục tiêu hoạt động, vi phạm về xây dựng, bảo vệ môi trường để xử lý khắc phục.
Tạo đà cho phát triển
Nhằm khai thác tốt những tiềm năng, lợi thế, phát huy thế mạnh về vị trí địa lý để tạo điều kiện đẩy mạnh thu hút đầu tư một cách hiệu quả, tỉnh Long An luôn tập trung nguồn lực xây dựng kết cầu hạ tầng kinh tế-xã hội đặc biệt là hạ tầng giao thông. Theo đó, tỉnh chọn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ là chương trình đột phá; xây dựng các công trình giao thông huyết mạch, kết nối giao thương là công trình trọng điểm.
Ông Trương Văn Liếp cho biết nhiều tuyến đường được hoàn thành đã phát huy tốt hiệu quả thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển. Điển hình như Đường tỉnh 830 với chiều dài toàn tuyến khoảng 55km, đi qua các huyện trọng điểm về phát triển công nghiệp của tỉnh như Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước với điểm cuối là Cảng Quốc tế Long An (huyện Cần Giuộc). Đường tỉnh 823, Đường tỉnh 816 và một số tuyến đường mới đã giúp kết nối các khu, cụm công nghiệp, các khu đô thị mới được hình thành.
Việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông đã góp phần nâng cao chất lượng môi trường đầu tư của tỉnh, giúp rút ngắn thời gian di chuyển và tiết kiệm chi phí cho các doanh nghiệp, giúp kết nối dễ dàng với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Thời gian tới, định hướng hành động của tỉnh sẽ tăng cường đôn đốc các công ty xây dựng hạ tầng khu công nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng, tạo nhiều quỹ đất công nghiệp để xúc tiến kêu gọi đầu tư. Đồng thời, tỉnh sẽ nghiên cứu và ban hành các kế hoạch, chính sách phù hợp thẩm quyền để có những ưu đãi đặc biệt, nhằm thu hút các doanh nghiệp lớn, có năng lực và có tính lan tỏa cao đến đầu tư tại tỉnh.
Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu, đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Cụ thể, tỉnh sẽ tập trung ưu tiên thu hút đầu tư các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ xanh, bền vững; phát triển các khu phức hợp đô thị, thương mại, dịch vụ đẳng cấp, dịch vụ logistics, dịch vụ xuất nhập khẩu...
Để tạo đà thu hút đầu tư vào địa phương, thời gian tới, căn cứ Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Long An sẽ xây dựng các định hướng, chiến lược dài hạn để thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài dựa vào quy hoạch và dư địa của tỉnh.
Tỉnh cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để gia tăng quỹ đất sạch phục vụ cho việc kêu gọi, thu hút đầu tư. Bên cạnh đó sẽ triển khai các biện pháp bình ổn giá thuê đất tại các khu, cụm công nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thứ cấp lựa chọn và phát triển dự án tại tỉnh.
Long An sẽ chú trọng phát triển và đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông, nhằm đảm bảo tính kết nối vùng, kết nối các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh thông qua việc thực hiện hiệu quả Chương trình đột phá huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị, vùng kinh tế trọng điểm.
Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc cải cách hành chính; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh theo hướng tinh gọn, thông thoáng, kịp thời và đúng quy định; duy trì chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh luôn trong nhóm tốt. Tỉnh cũng sẽ thực hiện nhiều kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh để đáp ứng đầy đủ nhu cầu và tiêu chuẩn tuyển dụng của các doanh nghiệp.
Cùng với đó, tỉnh đặc biệt quan tâm công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp thông qua việc định kỳ tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp, hiệp hội tại các địa phương, kịp thời khơi thông những điểm nghẽn, ảnh hưởng đến quá trình đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.
"Lãnh đạo tỉnh Long An cam kết sẽ tiên phong và trực tiếp trong việc điều hành, chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ giải quyết từng dự án cụ thể; xác định thẩm quyền và lộ trình xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp; kiên quyết không để trường hợp tồn đọng kéo dài," Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh./.