Chiều 19/3, tại bản Đông Phong, xã Thèn Sin, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, Cơ quan chức năng huyện Tam Đường phối hợp với Chi cục thú y tỉnh Lai Châu tổ chức tiêu hủy 117 con lợn được xác định nhiễm dịch tả lợn châu Phi.
Đây là ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên trên địa bàn.
Ổ dịch được gia đình ông Nguyễn Văn Cận, hộ chăn nuôi tại xã Thèn Sin phát hiện ngày 18/3, sau khi đàn lợn của gia đình xuất hiện tình trạng sốt nhẹ nhiều ngày và đột ngột chết mất 6 con.
Sau khi được gia đình báo tin, cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu đã lấy mẫu gửi đi xét nghiệm tại Trung ương và trong chiều nay, 4 mẫu gửi đi đều có kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi.
Ngay sau khi có kết quả dương tính với dịch, cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các thủ tục tiêu hủy tại chỗ đàn lợn gần 120 con của gia đình ông Nguyễn Văn Cận.
Ông Trần Văn Sứng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu cho biết, hiện trên địa bàn có tổng đàn lợn khoảng 40.000 con. Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, huyện cũng đã phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy ngay đàn lợn gia đình phát hiện dịch.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của huyện cũng như của tỉnh là đa phần đàn lợn tập trung ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Trong đó, đồng bào các dân tộc địa phương vẫn còn tập quán chăn nuôi thả rông, nên công tác quản lý, phòng chống dịch chủ yếu phụ thuộc vào công tác tuyên truyền.
[Sản phẩm thịt lợn rõ nguồn gốc xuất xứ hút người tiêu dùng]
Ông Phạm Anh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lai Châu cho biết, sau khi nhận được kết quả về xét nghiệm bệnh dịch tả lơn châu Phi, Chi cục Chăn nuôi và Thú Y đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Nhân dân huyện Tam Đường chỉ đạo chính quyền xã Thèn Sin tiến hành tiêu hủy toàn bộ số lợn của gia đình ông Nguyễn Văn Cận.
Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền cho bà con về các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên tiến hành vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, hạn chế tối đa đi đến khu vực vùng dịch; tiêm phòng đầy đủ các loại vắcxin phòng dịch.
“Để khống chế không cho dịch lây lan, phát sinh ra bên ngoài, cơ quan chức năng sẽ tiến hành phun tiêu độc khử trùng tại hộ xảy ra dịch 2 lần/ngày trong 4 ngày, sau đó là 1 lần/ngày liên tục trong thời gian một tháng.
Ngoài ra, đồ đạc vật dụng cũng phải được tiêu độc khử trùng, thậm chí quần áo của các thành viên trong gia đình cũng phải được đun sôi hoặc ngâm trong thuốc sát trùng nhẹ.
Đối với các hộ xung quanh gia đình có dịch, cơ quan chức năng cũng sẽ tiến hành phun thuốc sát trùng 2 lần/ngày....,” ông Phạm Anh Hùng cho biết thêm.
Trước tình trạng dịch có thể lây lan ra các vùng khác, cùng với việc tiêu hủy số lợn bị nhiễm bệnh, ngay trong chiều nay cơ quan chức năng huyện Tam Đường đã chỉ đạo khoanh vùng dịch, thành lập các chốt chặn tại các tuyến đường ra vào xã để kiểm soát phương tiện ra vào, tổ chức phun tiêu độc khử trùng… nhằm khống chế vùng dịch./.