Tỉnh Kon Tum triển khai các giải pháp ứng phó với động đất

Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã tuyên truyền và cung cấp thông tin về động đất, biện pháp cần thiết để người dân biết, chủ động ứng phó, yên tâm sản xuất, sinh sống.
Tỉnh Kon Tum triển khai các giải pháp ứng phó với động đất ảnh 1Bản đồ chấn tâm động đất. (Nguồn: Viện Vật lý địa cầu)

Theo Viện Vật lý địa cầu và Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông (Kon Tum), từ 14 giờ 8 phút đến 16 giờ 15 phút ngày 23/8, tại khu vực huyện xảy ra 5 trận động đất liên tiếp có độ lớn từ 2,5-4,7, độ sâu tiêu chấn từ 8,1-8,2 km. Trong đó, trận động đất xảy ra vào lúc 14 giờ 8 phút 4 giây (giờ Hà Nội) có độ lớn nhất kể từ năm 1903 đến nay, với độ lớn 4,7.

Theo ghi nhận của Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông, đến 16 giờ ngày 23/8, trên địa bàn huyện có nhà một hộ dân tại thôn Đăk Chờ, xã Đăk Ring bị rơi ngói ở phần mái phụ phía sau, nhà đã xuống cấp. Ủy ban nhân dân xã đã chỉ đạo khắc phục kịp thời. Ngoài ra, chưa có thiệt hại nào về người và tài sản do động đất gây ra. Tuy nhiên, các trận động đất đã gây tâm lý lo lắng trong nhân dân.

Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã bằng hình thức phù hợp tuyên truyền và cung cấp thông tin về động đất, biện pháp cần thiết để người dân biết, chủ động ứng phó, yên tâm sản xuất, sinh sống.

[Kon Tum: Liên tiếp xảy ra 3 trận động đất lớn từ 3.6-4.7 tại Kon Plông]

Trước tình hình động đất liên tiếp xảy ra, giữa tháng 8/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã có Kế hoạch số 2653/KH-UBND về việc ứng phó thảm họa động đất trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu là huy động hợp lý nguồn lực, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa và ứng phó thảm họa động đất nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, môi trường; tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động của cơ quan, tổ chức và nhân dân; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện giải pháp ứng phó, khắc phục hậu quả động đất trên địa bàn.

Cùng với đó là hoàn thiện hệ thống kế hoạch ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa, làm cơ sở cho địa phương triển khai thực hiện; nâng cao năng lực giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai; nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, phổ cập kiến thức cho người dân, rèn luyện kỹ năng cho các lực lượng để giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra động đất.

Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện hiệu quả Kế hoạch ứng phó thảm họa động đất trên địa bàn tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về nhiệm vụ phòng, chống thiên tai; hướng dẫn xây dựng, phát huy tổ đội đoàn kết, lực lượng xung kích cấp xã tại các địa phương sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra, đảm bảo thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”...

Theo thống kê, từ năm 1903 đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 33 trận động đất có độ lớn từ 2,5 trở lên tại huyện Kon Plông và lân cận; trong đó, chỉ có hai trận động đất xảy ra vào năm 1973 độ lớn 3,9 và năm 2015 độ lớn 3,0.

Tuy nhiên, từ tháng 4/2021 đến nay, trên địa bàn huyện Kon Plông và vùng lân cận ghi nhận hơn 300 trận động đất có cường độ ngày càng lớn. Trong đó, hai trận động đất lớn nhất diễn ra vào 14 giờ 8 phút ngày 23/8 (độ lớn 4,7) và 12 giờ 54 phút ngày 18/5 (độ lớn 4,5)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục