Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Kiên Giang, trên địa bàn tỉnh có hơn 385km bờ sông, bờ biển bị sạt lở và nhiều đoạn, tuyến khác tiềm ẩn nguy cơ sụt lở cao ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất và đời sống của người dân.
Theo đánh giá của các ngành chức năng, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển tại tỉnh Kiên Giang rất nghiêm trọng nhất là cao điểm mùa bão, lũ sắp đến. Trong khi đó nguồn vốn đầu tư chống sạt lở khá lớn, vượt khả năng của địa phương.
Điển hình như tuyến bờ biển dài hơn 200km từ Mũi Nai (Hà Tiên) đến Tiểu Dừa (An Minh) tiếp giáp với tỉnh Cà Mau có nhiều đoạn bị sạt lở gần đến chân đê quốc phòng. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và nhiều tác động bất lợi khác...
Bên cạnh đó, đai rừng ngập mặn phòng hộ ven biển mỏng và nhiều đoạn rừng mất đi, không còn khả năng phòng hộ bảo vệ, làm giảm cường độ của sóng biển đánh mạnh vào bờ. Tình trạng khai thác đánh bắt ven bờ vừa gây suy kiệt nguồn lợi thủy sản, vừa ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái rừng, biển ven bờ làm mất khả năng tái tạo, phục hồi của rừng phòng hộ.
Tình trạng sạt lở hai bên bờ cũng xuất hiện ở hầu hết các con sông, kênh xáng, nhất là những dòng sông, kênh rạch dọc theo tuyến Quốc lộ 80, 61 và 63. Do lượng tàu thuyền lưu thông với mật độ dày, tạo sóng mạnh đánh vào bờ và xe có trọng tải nặng chạy trên đường, gây áp lực tải trọng mặt đường, nhất là những đoạn nền đất yếu. Cùng với đó, trên vùng Tứ giác Long Xuyên, vào mùa lũ hàng năm, nước lũ thượng nguồn đổ về khối lượng lớn, cường độ mạnh kết hợp với mưa bão kéo dài gây sạt lở, nhất là những khu vực tiếp giáp nhiều nguồn nước tạo dòng xoáy tác động vào hai bên bờ sông, kênh rạch.
Theo ông Lâm Hoàng Sa, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang, tỉnh đang xây dựng dự án khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển để thích ứng với biến đổi khí hậu. Dự án đã được Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Đức thống nhất, đang trong quá trình hoàn thiện dự án, dự kiến sẽ thực hiện trong năm 2015.
Trong quy hoạch và xây dựng hệ thống thủy lợi đa mục tiêu vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ nay đến năm 2020, định hướng năm 2030 ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, phục vụ phát triển sản xuất toàn vùng, Kiên Giang được phân bổ nguồn vốn đầu tư xây dựng hoàn thiện đê biển Tây, một số tuyến đê sông, xây dựng nhiều công trình thủy lợi trọng điểm. Các công trình này sẽ góp phần hạn chế, khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển.
Trước mắt, tỉnh Kiên Giang chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với các địa phương rà soát lại những bờ sông, bờ biển bị sạt lở, tập trung gia cố, bồi trúc và trồng cây gây rừng. Tỉnh tiếp tục thực hiện nhanh những dự án khôi phục rừng ngập mặn phòng hộ ven biển tại các huyện An Biên, An Minh, Hòn Đất và Kiên Lương. Khoán bảo vệ phát triển rừng cho hộ dân và kiểm soát chặt chẽ việc trồng rừng theo đúng tỷ lệ quy định để tái sinh, khôi phục nhanh rừng ngập mặn ven biển, tăng khả năng phòng hộ, ứng phó trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Các mô hình canh tác có hệ thống cây xanh chống xói lở, sạt lở đất, chắn gió bảo vệ mùa màng được khuyến khích xây dựng, ổn định mô hình sản xuất ngư-nông -lâm nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả, năng suất và chất lượng cao, góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.../.