Tỉnh Iwate - thủ phủ sản xuất sơn mài của Nhật Bản

Sơn mài được sử dụng làm sơn tại Nhật Bản từ thời cổ đại. Tỉnh Iwate là địa phương sản xuất sơn mài lớn nhất nước này.

Chị Hanadate Shiho đang lấy nhựa từ cây sơn mài. (Ảnh: Nguyễn Tuyến-Phạm Tuân-Xuân Giao/Vietnam+)
Chị Hanadate Shiho đang lấy nhựa từ cây sơn mài. (Ảnh: Nguyễn Tuyến-Phạm Tuân-Xuân Giao/Vietnam+)

Sơn mài là lớp phủ tự nhiên được tạo ra bằng cách tinh chế nhựa cây lấy từ thân cây sơn mài, có thể cải thiện độ bền của vật liệu do đặc tính chống ăn mòn và chống nước.

Tỉnh Iwate là địa phương sản xuất sơn mài lớn nhất Nhật Bản. Chất liệu này được sử dụng làm sơn tại Nhật Bản từ thời cổ đại.

Vì bề mặt của sơn mài trở nên sáng bóng sau khi khô và cứng lại, nên sơn mài được sử dụng rộng rãi trên mọi thứ, từ thùng chứa đến vũ khí, tượng Phật và các tòa nhà.

Vẻ đẹp của sơn mài cũng làm say đắm các thủy thủ châu Âu đến thăm Nhật Bản trong Thời đại Khám phá từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 17, và nhiều tác phẩm làm bằng sơn mài đã được xuất khẩu sang châu Âu trong thời kỳ đó.

Konishi Decor Arts & Crafts (Chi nhánh Ninohe) - công ty trang trí nghệ thuật, bảo dưỡng và sửa chữa đồ trang trí của các đền thờ và miếu có lịch sử hoạt động trong hơn 300 năm, kể từ thế kỷ 17.

Đây là công ty lớn nhất trong ngành hiện nay, bảo dưỡng và sửa chữa các tòa nhà được chỉ định là Bảo vật quốc gia và Di sản văn hóa quan trọng.

vnp_son_mai_2_resize.jpg
Hạt và hoa cây sơn mài. (Ảnh: Nguyễn Tuyến-Phạm Tuân-Xuân Giao/Vietnam+)

Năm 2020, công ty này đã xử lý công việc bảo dưỡng và sửa chữa cho Golden Hall của Đền Chuson-ji, một Bảo vật quốc gia nằm ở Hiraizumi, tỉnh Iwate.

Năm 2016, Konishi thành lập một văn phòng chi nhánh tại Ninohe, Iwate, khu vực sản xuất sơn mài lớn nhất Nhật Bản.

Động lực để thành lập chi nhánh mới này là nhu cầu về sơn mài trong nước tăng đột biến khi Cơ quan Văn hóa ban hành thông báo vào năm 2015 rằng về nguyên tắc, sơn mài trong nước sẽ được sử dụng để bảo trì và sửa đổi sửa chữa các công trình Bảo vật Quốc gia và Di sản Văn hóa quan trọng.

Do sơn mài trong nước đã trở thành một vật liệu không thể thiếu hoạt động kinh doanh chính của Konishi là bảo trì và sửa chữa đồ trang trí Di sản phẩm văn hóa, nên việc đảm bảo nguồn cung cấp trở thành nên cấp thiết.

Kể từ năm 2016, Konishi đã tự mình thực hiện mọi bước sản xuất sơn mài tại Ninohe, trồng cây sơn mài từ cây non, trồng các loại cây sơn mài và cắt cành cây để thu thập nhựa cây tiết ra.

Mô tả về công việc của mình, chị Hanadate Shiho, thợ lấy nhựa từ cây sơn mài, cho biết có thời điểm một ngày làm việc của chị bắt đầu từ 6 giờ sáng và kết thúc lúc 6 giờ tối.

Chị cho biết với những thợ chưa lành nghề, thậm chí không có thời gian ăn trưa, nhất là vào thời điểm lấy nhựa năng suất nhất trong năm, vào khoảng tháng Chín.

Chị đã có 7 năm làm công việc này và cho đến nay với chị phần việc khó nhất vẫn là phân bổ lực hợp lý khi tạo rãnh lấy nhựa vì tùy vào cây to hay cây nhỏ để tạo rãnh có độ sâu vừa đủ, vừa lấy được lượng nhựa tối đa đồng thời cũng không tạo vết thương quá sâu trên cây.

Theo chị Hanadate Shiho, vào thời điểm năng suất nhất, trung bình một cây cho khoảng 20 gram nhựa một ngày và khu vực chị phụ trách có khoảng 51 cây, thu hoạch được khoảng 1kg nhựa sơn mài/ngày.

vnp_son_mai_3_resize.jpg
Ông Tatsutane Fukuda, Phó Chủ tịch điều hành, Tổng giám đốc Bộ phận sản xuất sơn mài của Konishi, đang giới thiệu về quy trình tạo ra sơn mài. (Ảnh: Nguyễn Tuyến-Phạm Tuân-Xuân Giao/Vietnam+)

Ông Tatsutane Fukuda, Phó Chủ tịch điều hành, Tổng giám đốc Bộ phận sản xuất sơn mài của Konishi, cho biết một cây sơn mài có vòng đời khoảng 15 năm. Công ty Konishi có khoảng 10 hécta trồng cây sơn mài và trong 6 năm trồng được khoảng 11.000 cây.

Theo ông Fukuda, công ty có kế hoạch mỗi năm trồng thêm khoảng 1.000 đến 2.000 cây sơn mài để tăng nguồn nguyên liệu.

Mặc dù là vùng đất nổi tiếng có sản lượng cây sơn mài dồi dào nhưng sau Chiến tranh thế giới thứ II, việc trồng cây sơn mài cũng như sản xuất sơn mài đã suy giảm ở Nhật Bản.

Đối mặt với áp lực từ sơn mài Trung Quốc giá rẻ hơn, tại một thời điểm, chưa đến 2% sơn mài được sử dụng ở Nhật Bản có nguồn gốc trong nước.

Năm 2015, Cơ quan Văn hóa đã công bố chính sách mới về nguyên tắc, sơn mài trong nước sẽ được sử dụng để bảo trì và sửa chữa các tòa nhà Bảo vật Quốc gia và Tài sản Văn hóa quan trọng do nhà nước tài trợ.

Điều này dẫn đến nhu cầu về sơn mài trong nước tăng lên và Tỉnh Iwate đã chuyển sang tăng sản lượng. Tính đến năm 2022, Tỉnh Iwate cung cấp khoảng 80% lượng sơn mài Nhật Bản trong nước.

vnp_son_mai_4_resize.jpg
Sảnh vàng của chùa Chusonjin, một trong những bảo vật quốc gia Nhật Bản, do Konishi thực hiện công việc trùng tu. (Ảnh: Nguyễn Tuyến-Phạm Tuân-Xuân Giao/Vietnam+)

Kể từ thông báo năm 2015, sản phẩm sơn mài đã tăng lên trên khắp khu vực Ninohe, nơi từ lâu đã là trung tâm sản xuất sơn mài. Lượng sơn mài trong nước sản xuất vào năm 2022 gấp 1,5 lần lượng sản phẩm sản xuất vào năm 2015. Mặc dù Nhật Bản vẫn chỉ sản xuất được 7% lượng sơn mài mà họ sử dụng, nhưng khoảng 80% đến từ Iwate.

Ngành sơn mài của tỉnh Iwate đã hồi sinh mạnh mẽ nhờ sự hỗ trợ về mặt chính sách của chính phủ.

Konishi Decor Arts & Crafts chính là một trong những doanh nghiệp đã kịp thời nắm bắt cơ hội để bảo tồn và phát triển một ngành nghề truyền thống của địa phương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục