Quan chức Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) ngày 4/3 khẳng định các chương trình hợp tác nghiên cứu vũ trụ giữa Nga và Mỹ, hai cường quốc về công nghệ vũ trụ, không có gì thay đổi bất chấp cuộc khủng hoảng quốc tế đang gia tăng liên quan đến tình hình ở Ukraine.
Phát biểu trong buổi bình luận truyền hình về ngân sách tài khóa 2015 mới công bố, Giám đốc NASA Charles Bolden liên tục khẳng định quan hệ giữa các cơ quan vũ trụ của Mỹ và Nga không có gì thay đổi.
Dẫn chứng cho tuyên bố trên, Giám đốc Bolden cho biết vào cuối tháng này, một phi hành gia của Mỹ sẽ trở về Trái đất từ Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) trên một tên lửa của Nga và kế hoạch vẫn được giữ nguyên.
Ông Bolden nhấn mạnh quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Nga đã kéo dài nhiều năm, các nhà nghiên cứu vũ trụ của Mỹ đã lên ISS trong 13 năm liên tiếp không hề bị gián đoạn và trong thời gian đó cũng đã xảy ra rất nhiều cuộc khủng hoảng quốc tế.
Cuộc khủng hoảng Ukraine đang phủ bóng đen lên quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Nga, khi Washington liên tục đưa ra những cảnh báo về các biện pháp trừng phạt hành động của Nga đưa quân vào Cộng hòa tự trị Crimea, động thái mà Moskva đã bác bỏ.
Tình hình chính trị đã làm dấy lên câu hỏi về quan hệ hợp tác giữa NASA và Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga Pockocmoc trên trạm ISS sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố dự thảo ngân sách tài khóa 2015, trong đó có khoản viện trợ 1 tỷ USD cho chính phủ tạm quyền ở Kiev (Ukraine).
Hiện NASA phụ thuộc nhiều vào tàu vũ trụ Soyuz (Liên hợp) của Nga để đưa phi hành gia lên và trở về từ ISS sau khi tàu con thoi của Mỹ buộc phải ngừng hoạt động năm 2011 khiến NASA không thể trực tiếp tiếp cận ISS.
Các chuyên gia ước tính Mỹ phải trả 70 triệu USD cho mỗi "vé khứ hồi" của một phi hành gia Mỹ trên tàu của Nga.
Thỏa thuận này dự kiến sẽ kéo dài thêm nhiều năm nữa cho đến khi dự án liên kết giữa NASA và các công ty tư nhân của Mỹ có thể chế tạo được tàu vũ trụ mới có khả năng mang theo người, dự kiến vào năm 2017./.