Tình hình tội phạm ở TPHCM vẫn diễn biến phức tạp

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá tình hình tội phạm ở TP.Hồ Chí Minh vẫn khá phức tạp và chưa đảm bảo bình an cho nhân dân.
Chiều 15/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh về tình hình và kết quả công tác phòng, chống tội phạm từ đầu năm 2013 đến nay và nhiệm vụ thời gian tới trên địa bàn thành phố.

Báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn, Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Sở Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong 10 tháng, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 5.109 vụ phạm pháp hình sự, tăng 144 vụ (2,9%) so với thời gian cùng kỳ.

Các loại án tăng gồm: trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, hiếp dâm, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bắt giữ người trái phép luật và bắt cóc trẻ em. Các loại án giảm gồm: giết người, cướp tài sản, cướp giật tài sản, cưỡng đoạt tài sản, chống người thi hành công vụ…

Đáng lưu ý, tình hình trộm đột nhập tại khu dân cư, bãi xe chung cư, tập thể, công ty, cơ quan để lấy trộm tài sản, xe máy có giá trị lớn, số lượng lớn đang có dấu hiệu phức tạp. Thời gian gần đây, tội phạm có tổ chức, băng nhóm "xã hội đen" hoạt động phức tạp, có hành vi thanh toán, đâm chém lẫn nhau gây bất ổn về an ninh trật tự.

Trước thực trạng này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, mặc dù thành phố đã đạt được một số kết quả khá tốt trong công tác trấn áp tội phạm nhưng nhìn chung, tình hình tội phạm ở thành phố, kể cả tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại, cướp giật… vẫn khá phức tạp và chưa đảm bảo được bình an cho nhân dân.

Do vậy, Phó Thủ tướng đề nghị các ngành chức năng trên địa bàn thành phố cần tập trung để làm tốt nhiệm vụ, xem lại tình hình giáo dục pháp luật trong cộng đồng nhân dân vì công tác chống tội phạm là phải bằng sức mạnh của nhân dân, của cả hệ thống chính trị. Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của thành phố là giữ gìn an ninh chính trị, bảo đảm bình yên cho nhân dân, trong đó cần quan tâm đặc biệt đến tội phạm hình sự, băng nhóm xã hội đen, cướp có vũ khí...

Lãnh đạo thành phố phải có sự kiểm tra, chỉ đạo kiên quyết trong phòng, chống tội phạm; tăng cường công tác quản lý những đối tượng tiềm ẩn, có nguy cơ nảy sinh hành vi phạm tội, đặc biệt là cần làm rõ trách nhiệm của cá nhân. Địa bàn nào để tội phạm hoành hành thì người đứng đầu chính quyền và công an phải chịu trách nhiệm.

Phó Thủ tướng cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh bước đầu đã làm tốt điều này từ những vụ việc vi phạm pháp luật ở Bình Chánh, Bình Thạnh thời gian qua.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm phía Nam đã đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tội phạm của Thành phố Hồ Chí Minh đồng thời ở góc độ mỗi cơ quan khác nhau đã có những ý kiến đóng góp, gợi mở các giải pháp để thành phố làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống tội phạm.

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, để đấu tranh phòng, chống tội phạm, cần quan tâm đến cả phòng ngừa và đấu tranh, trong đó phòng ngừa phải dựa vào người dân, nếu huy động sức mạnh chính trị thì sẽ triển khai rất tốt trong chuyển hóa địa bàn.

Riêng vai trò của công an, đề nghị Sở Công an thành phố chú ý tập trung công tác trinh sát, điều tra; thực hiện quản lý chặt chẽ đối với các loại hình kinh doanh có điều kiện rất lớn, vũ trường, karaoke, nhà trọ, massage; tập trung rà soát lại các hoạt động phạm pháp mang tính chất có tổ chức, băng nhóm để phân cấp lập án đấu tranh, giáo dục, ngăn chặn các hành vi phạm tội.

Tiếp thu ý kiến đóng góp của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu, ông Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã chỉ đạo và phối hợp với các tỉnh, thành phố giáp ranh để thực hiện các đợt tấn công tội phạm, thời gian qua, thành phố đã rất chú trọng công tác phòng ngừa tội phạm từ sức mạnh của người dân, đề cao phát huy vai trò của công an nhân dân.

Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục kiểm tra và tổ chức thực hiện các giải pháp để làm tốt công tác này bởi những kết quả đạt được vừa qua là chưa bền vững, chỉ lơi lỏng là các loại tội phạm sẽ tăng nhanh và khó kiểm soát, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và cuộc sống người dân./.

Liên Phương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục