Tình hình tội phạm được kiềm chế nhưng còn diễn biến phức tạp

Một số loại tội phạm nghiêm trọng gia tăng như: hiếp dâm tăng 7,38%, trong đó hiếp dâm trẻ em tăng 14,59%; lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng 9,6%; gây rối trật tự công cộng tăng 24,77%.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Sáng 6/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tư pháp tổ chức Phiên họp thường trực mở rộng để thẩm tra các báo cáo công tác của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định dự và phát biểu chỉ đạo phiên họp.

Xử lý nghiêm vi phạm về phòng, chống dịch COVID-19

Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021 nêu rõ Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác nắm, dự báo tình hình, chủ động đề xuất và thực hiện các giải pháp khắc phục hậu quả do đại dịch COVID-19; tiếp tục coi trọng việc kết hợp giữa phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ và tấn công, trấn áp tội phạm; đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước.

Tỷ lệ điều tra khám phá các vụ án vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; làm giảm nhiều loại tội phạm nghiêm trọng; khẩn trương điều tra làm rõ các vụ án gây bức xúc dư luận.

Đặc biệt, lực lượng công an đã chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.

[Lĩnh án tù giam vì cầm dao chống đối lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch]

Công tác đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật trên lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông đạt nhiều kết quả tích cực, nhất là xử lý hành vi đăng thông tin sai sự thật, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dân.

Theo Báo cáo, lực lượng công an đã điều tra, khám phá 32.320 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội (đạt 86,57%), trong đó án rất nghiêm trọng đạt 95,38%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 91,9%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Các lực lượng đã triệt xóa 1.385 băng nhóm tội phạm có tổ chức; bắt và vận động đầu thú 5.254 đối tượng truy nã, trong đó có 1.393 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.

Về cơ bản, các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ. Hầu hết các loại tội phạm đều giảm (giết người giảm 6,02%; mua bán người giảm 45%; cướp tài sản giảm 12,1%...)

Toàn quốc xảy ra 37.333 vụ phạm tội về trật tự xã hội (giảm 3,05%), làm chết 863 người (giảm 14,98%), bị thương 7.589 người (giảm 8,61%), thiệt hại tài sản trên 1.600 tỷ đồng (tăng 35,01%). Nhìn chung, tình hình tội phạm được kiềm chế nhưng còn diễn biến phức tạp.

Đáng lưu ý, số vụ phạm tội xâm hại trẻ em tăng 9,13%, trong đó hiếp dâm trẻ em tăng 14,59%, nhiều vụ tính chất nghiêm trọng.

Tội phạm lừa đảo gia tăng, xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực, nhất là trên không gian mạng với các thủ đoạn mời gọi đầu tư tiền ảo, cổ phiếu theo hình thức đa cấp, chuyển tiền quốc tế, mua bán lan đột biến gen, đất nền các dự án…

Tội phạm giết người tuy giảm về số vụ nhưng xảy ra một số vụ hành vi gây án dã mãn, giết người do đối tượng sử dụng ma túy dẫn đến "ảo giác," hoặc có tiền sử bị bệnh tâm thần gây tâm lý lo lắng, bất an trong quần chúng nhân dân. Tội phạm chống người thi hành công vụ diễn ra với tính chất phức tạp…

Liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, lực lượng công an đã phát hiện 7.092 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế (tăng 21,9%), 6.533 đối tượng (tăng 23,85%). Riêng tội phạm tham nhũng đã phát hiện 297 vụ (tăng 23,75%), 528 đối tượng (tăng 3,13%).

Điểm nổi bật là đã chỉ đạo tăng cường công tác nghiệp vụ, nhận diện các vi phạm, chọn đúng khâu đột phá để phát hiện, xử lý theo phương châm "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực"; trong đó đã phát hiện, xử lý một số vụ án kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực y tế: vụ tại Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Sở Y tế Cần Thơ, Sơn La...; vụ án tại Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, Quảng Ninh... có tác dụng răn đe, lan tỏa, phòng ngừa chung trên cả lĩnh vực.

Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh cho thấy tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn ra rất phức tạp, nhất là các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai gây thất thoát lớn tài sản; các vi phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, xã hội hóa y tế và chỉ định thầu mua trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19; hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, trốn thuế, tiêu cực, tham nhũng "vặt" trong thực hiện các thủ tục hành chính.

Hà Nội thu giữ số lượng lớn thuốc điều trị COVID-19 không rõ xuất xứ. (Ảnh: TTXVN phát)

Hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm tiếp tục có xu hướng gia tăng, tập trung vào hàng thiết yếu, tiêu dùng, thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, phân bón, đặc biệt là xăng giả và khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn phục vụ phòng, chống dịch.

Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa xã hội

Trình bày ý kiến nghiên cứu về Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa nhấn mạnh mặc dù đại dịch COVID-19 vẫn ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, vừa chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, vừa thực hiện công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm, đảm bảo giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

"Chúng tôi ghi nhận những nỗ lực vượt qua khó khăn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ, trong đó lực lượng Công an là một trong những lực lượng tuyến đầu. Đã có nhiều lượt cán bộ, chiến sỹ vừa tăng cường phòng, chống dịch, vừa bảo đảm phòng, chống tội phạm, nhiều đồng chí đã nhiễm bệnh, thậm chí một số đồng chí đã anh dũng hy sinh. Đây là những cống hiến có ý nghĩa, đáng ghi nhận và chúng tôi rất trân trọng điều này," Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh.

Các biện pháp phòng ngừa xã hội được triển khai đồng bộ, là một trong những nguyên nhân quan trọng nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.

Theo bà Mai Thị Phương Hoa, mặc dù về tổng thể chung, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về trật tự xã hội giảm, tuy nhiên, một số loại tội phạm nghiêm trọng gia tăng, như: hiếp dâm tăng 7,38%, trong đó hiếp dâm trẻ em tăng 14,59%; lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng 9,6%; gây rối trật tự công cộng tăng 24,77%...

Tội phạm chống người thi hành công vụ tuy có giảm 9,38% nhưng diễn biến phức tạp, đặc biệt là hành vi chống lại lực lượng đang thi hành nhiệm vụ phòng, chống dịch và lực lượng công an.

Nhóm nghiên cứu đề nghị Chính phủ thời gian tới tiếp tục có những biện pháp nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực công nghệ thông tin, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, môi trường, an toàn thực phẩm, thực hiện các gói hỗ trợ an sinh xã hội… để hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm pháp luật, tội phạm và kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh đối với những vi phạm pháp luật, tội phạm trên các lĩnh vực này.

Nhóm nghiên cứu đề nghị Chính phủ nâng cao chất lượng công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi nhằm răn đe, phòng ngừa, để không làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch và trật tự an toàn xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục