Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Nội các Thái Lan ngày 2/3 đã thông qua khoản ngân sách hơn 6,3 tỷ baht (khoảng 210 triệu USD) để mua thêm 35 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19.
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Chính phủ Thái Lan cho biết khoản ngân sách nói trên sẽ được chia thành 2 phần gồm 5,6 tỷ baht chi cho vắcxin ngừa COVID-19 của hãng dược AstraZeneca (Anh-Thụy Điển) và 700 triệu baht để phục vụ công tác chuẩn bị và quản lý ở cấp địa phương.
Theo người phát ngôn trên, lô vắcxin mới sẽ có sẵn đồng thời với 26 triệu liều vắcxin của hãng dược phẩm AstraZeneca và 2 triệu liều vắcxin của hãng Sinovac (Trung Quốc) đã được đấu thầu, nâng tổng số vắcxin mà Thái Lan đặt mua lên tới 63 triệu liều, đủ để tiêm chủng cho 60% dân số nước này trong năm nay.
Bộ Y tế Thái Lan vẫn đang đàm phán để mua thêm vắcxin từ các nhà sản xuất khác trong bối cảnh chính phủ chuẩn bị mở đăng ký tiêm vắcxin cho người dân.
Thái Lan đã chính thức khởi động chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 hôm 28/2. Chương trình này được chia thành hai giai đoạn.
Giai đoạn đầu tiên, với số lượng vắcxin hạn chế, được chuyển đến 13 tỉnh có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất, có tầm quan trọng kinh tế lớn nhất hoặc cả hai, với đối tượng ưu tiên là các nhân viên y tế, người có bệnh mãn tính và người cao tuổi.
Các tỉnh có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất ở Thái Lan là Samut Sakhon (vùng kiểm soát COVID-19 chặt chẽ và tối đa) và 8 tỉnh nằm trong vùng kiểm soát COVID-19 là Bangkok (phía Tây), Pathum Thani, Nonthaburi, Samut Prakan, Tak (huyện Mae Sot), Nakhon Pathom, Samut Songkhram và Ratchaburi.
Bốn tỉnh quan trọng về mặt kinh tế là Chon Buri, Phuket, Surat Thani (bao gồm cả Koh Samui) và Chiang Mai.
Quốc gia Đông Nam Á này ngày 2/3 ghi nhận thêm 42 ca nhiễm mới và 1 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm từ trước tới nay lên 26.073 ca và 84 ca tử vong.
Cùng ngày, Malaysia đã phê chuẩn có điều kiện việc sử dụng các vắcxin ngừa COVID-19 của các hãng dược phẩm AstraZeneca và Sinovac, chỉ vài ngày sau khi quốc gia Đông Nam Á này triển khai chương trình tiêm phòng ngừa COVID-19 trên toàn quốc.
Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, ông Noor Hisham Abdullah - một quan chức cấp cao Bộ Y tế Malaysia, cho biết phê chuẩn có điều kiện có nghĩa là Malaysia sẽ sử dụng vắcxin ngừa COVID-19 do hãng Astrazeneca và Sinovac điều chế, song cả hai hãng này - cùng với Pfizer (Mỹ) - sẽ được yêu cầu cung cấp thêm dữ liệu để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn của vắcxin.
Ông Noor Hisham cho biết thêm các cơ quan y tế cũng đang đánh giá vắcxin ngừa COVID-19 của Viện nghiên cứu Dịch tễ học và vi sinh vật học Gamaleya (Nga).
[Dịch COVID-1: Indonesia quyết định tự sản xuất vắcxin giá rẻ]
Trong khi đó, hãng tin Sinovac đã ký một thỏa thuận với Hãng dược phẩm Pharmaniaga của Malaysia, theo đó, Sinovac sẽ thực hiện đầy đủ quá trình phân phối vắcxin ở Malaysia, trước khi sản xuất tại địa phương sau đó.
Trước đó, ngày 24/2, Malaysia đã bắt đầu chương trình tiêm chủng với việc sử dụng vắcxin do hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) điều chế trong bối cảnh nước này cố gắng kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19 và vực dậy nền kinh tế vốn đã sụt giảm tồi tệ nhất trong hơn hai thập kỷ vào năm 2020.
Malaysia đặt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 80% dân số, tức khoảng 32 triệu người vào tháng 2/2022. Tháng trước, Chính phủ Malaysia cho biết đã đảm bảo 66,7 triệu liều vắcxin, đủ để tiêm cho toàn bộ dân số nước này./.