Trước nguy cơ lây lan của biến chủng Delta, các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Philippines đang gấp rút triển khai tiêm chủng diện rộng cũng như tìm kiếm vaccine từ cơ chế COVAX.
Thái Lan nỗ lực thúc đẩy hoàn thành mục tiêu tiêm chủng
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul đã bày tỏ tin tưởng rằng nước này sẽ đạt được mục tiêu tiêm chủng ngừa COVID-19 cho 50 triệu người, tức khoảng 70% dân số, vào cuối năm nay, đồng thời cho biết tỷ lệ tiêm chủng ngừa COVID-19 ở Thái Lan hiện đang ở mức cao, với 700.000 liều /ngày.
Tính đến ngày 16/9, Thái Lan đã tiêm được 41.858.386 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 các loại, đạt 41,86% kế hoạch tiêm tổng cộng 100 triệu liều vaccine cho tới cuối năm. Hiện có khoảng 20,81% dân số Thái Lan đã được tiêm chủng đầy đủ.
Ông Anutin cho biết 30% còn lại trong số 1 triệu tình nguyện viên y tế công cộng sẽ tiêm mũi vaccone ngừa COVID-19 thứ hai vào giữa tháng 10 tới, đồng thời đảm bảo rằng những tình nguyện viên y tế công cộng đã được tiêm hai mũi vaccine của hãng Sinovac sẽ được tiêm liều thứ ba tăng cường vào tháng tới.
Ông Anutin nói rằng chính phủ Thái Lan sẽ tiêm mũi nhắc lại cho những người đã được tiêm loại vaccine ngừa COVID-19 ngoài chương trình tiêm chủng của nhà nước.
Truyền thông sở tại cho biết ông Anutin nêu quan điểm nói trên khi trả lời các câu hỏi liên quan đến những người được tiêm vaccine của hãng Sinopharm do Học viện Hoàng gia Chulabhorn (CRA) phân phối.
Loại vaccine này đã được triển khai tiêm chủng ở Thái Lan từ ngày 24/6 với khoảng cách giữa hai liều là 3 tuần và nhiều người đang băn khoăn liệu họ có đủ điều kiện để nhận liều thứ ba tăng cường hay không.
[WHO khuyến cáo các nước Đông Nam Á nâng cấp hệ thống y tế thiết yếu]
Theo ông Anutin, chính phủ Thái Lan sẵn sàng cung cấp mũi tiêm tăng cường cho những người đã tiêm vaccine bất hoạt, nhưng những người đã tiêm vaccine của Sinopharm sẽ chưa được tiêm nhắc lại trong đợt này.
Theo Bộ trưởng Y tế Thái Lan, mũi tiêm nhắc lại đang được cung cấp cho những người đã tiêm vaccine bất hoạt từ tháng 3 đến tháng 5 và những người là nhân viên y tế. Mũi tiêm thứ ba cho công chúng sẽ được thực hiện vào ngày 24/9.
Trong khi đó, Bộ Giáo dục Thái Lan đã đưa ra lịch trình tiêm chủng cho học sinh từ 12-18 tuổi trên toàn quốc bằng vaccine của hãng Pfizer vào tháng tới, với điều kiện được sự đồng ý của phụ huynh học sinh.
Theo lịch này, những học sinh được tiêm mũi đầu tiên vào tuần đầu của tháng 10 sẽ được tiêm mũi thứ hai vào cuối tháng 10 để có thể được tiêm chủng đầy đủ trước khi bắt đầu học kỳ mới vào tháng 11.
Bộ Giáo dục cho rằng vaccine là chìa khóa để giúp 4,5 triệu học sinh trở lại lớp học trong thời gian tới. Ngoài ra, Bộ Giáo dục cũng đang có kế hoạch tiêm chủng cho khoảng 170.000 giáo viên và nhân viên trường học chưa được tiêm.
Ngoài vaccine của hãng Pfizer được sử dụng để tiêm cho thanh thiếu niên từ 12-18 tuổi, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của Thái Lan cũng đang xem xét đề xuất tiêm vaccine của hãng Sinopharm cho trẻ em từ 3 tuổi trở lên.
Theo ZP Therapeutics - một bộ phận của công ty Zuellig Pharma, một trong những nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe lớn nhất ở châu Á, FDA đã phê duyệt vaccine của hãng Moderna được sử dụng cho thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi.
Về tình hình COVID-19 ở Thái Lan, quốc gia Đông Nam Á này sáng 17/9 ghi nhận thêm 14.555 ca mắc mới và 177 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay lên 1.448.792 ca, trong đó có 15.124 người không qua khỏi.
Indonesia và Philippines tiếp tục nhận viện trợ vaccine qua cơ chế COVAX
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 17/9, Indonesia nhận 2,6 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer từ Mỹ và gần 1 triệu liều vaccine của Moderna từ Pháp thông qua cơ chế COVAX.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 17/9, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết Mỹ đã viện trợ cho nước này 2.632.599 liều vaccine của hãng Pfizer trong hai ngày 16-17/9.
Lô hàng này là một phần trong số 4.644.900 liều vaccine bổ sung thông qua cơ chế COVAX. Tính đến nay, Mỹ đã viện trợ 12 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho Indonesia.
Cùng ngày, Indonesia cũng tiếp nhận 968.360 liều vaccine của hãng AstraZeneca do Pháp hỗ trợ thông qua cơ chế COVAX. Đây là giai đoạn hai trong cam kết của Chính phủ Pháp cung cấp 3 triệu liều vaccine cho Indonesia.
Trong khi đó, một quan chức Nhà Trắng ngày 16/9 cho biết Chính phủ Mỹ sẽ bắt đầu chuyển thêm 2,58 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 do hai hãng Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) hợp tác sản xuất tới Philippines thông qua cơ chế COVAX.
Theo quan chức này, các lô hàng vaccine nói trên nâng tổng số vaccine được chuyển đến Philippines lên hơn 9 triệu liều.
Quan chức trên cho biết thêm các nhà khoa học và các cơ quan quản lý của hai nước đã phối hợp với nhau để đảm bảo việc cung cấp nhanh chóng vaccine cho Philippines./.