Khủng hoảng chính trị, tranh giành quyền lực và các cuộc đụng độ sắc tộc diễn ra trong nhiều năm ở Sudan đã khiến hàng triệu người dân nước này rơi vào cảnh khốn cùng, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
4 triệu trẻ em và phụ nữ bị suy dinh dưỡng cấp tính
Liên hợp quốc ngày 26/2 cho biết gần 4 triệu trẻ em và phụ nữ ở Sudan đang bị suy dinh dưỡng cấp tính.
Văn phòng Điều phối các vấn đề về nhân đạo của Liên hợp quốc tại Sudan (OCHA) nêu rõ: "Uớc tính khoảng 4 triệu trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ mang thai và cho con bú bị suy dinh dưỡng cấp tính và cần dinh dưỡng cứu sinh nhân đạo trong năm 2023, trong đó 611.000 người đang phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng."
[WFP cắt giảm viện trợ lương thực cho Sudan do thiếu kinh phí]
Tình trạng suy dinh dưỡng ở phụ nữ và trẻ em trở nên trầm trọng hơn do nhiều yếu tố, bao gồm chế độ ăn uống không đầy đủ, tỷ lệ mắc bệnh cao, không được chăm sóc đầy đủ, cũng như các dịch vụ y tế, nước sạch và vệ sinh không bảo đảm.
Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề về nhân đạo của Liên hợp quốc tại Sudan, tình hình phát triển kinh tế đang xấu đi, lạm phát, giá lương thực cao đã góp phần làm cho tình hình dinh dưỡng ở Sudan trở nên trầm trọng hơn trong năm 2022 và khả năng cao tình trạng này sẽ tiếp diễn trong năm 2023.
Không chỉ đối mặt với vấn đề suy dinh dưỡng, trẻ em Sudan còn đối mặt với các vụ bạo lực và xâm hại.
Tính tới ngày 19/1, Giám đốc Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) khu vực Trung Đông-Bắc Phi, ông Ted Chaiban, xác nhận rằng hơn 120 vụ vi phạm nghiêm trọng đối với trẻ em đã xảy ra ở Sudan kể từ cuộc đảo chính quân sự vào tháng 10/2021.
Ông Chaiban cho biết thêm rằng 9 trẻ em đã thiệt mạng và 13 trẻ em khác bị thương trong các cuộc biểu tình ở Sudan.
Hầu hết các trường hợp vi phạm xảy ra đối với các bé trai vị thành niên, trong đó nhiều bé trai và bé gái khoảng 12 tuổi đã bị giam giữ. Trẻ em còn bị ảnh hưởng bởi những cuộc tấn công thường xuyên vào các cơ sở y tế.
WFP cắt giảm viện trợ lương thực cho Sudan
Cuối năm 2022, Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP) đã thông báo cắt giảm viện trợ lương thực cho Sudan do thiếu kinh phí.
Thông cáo báo chí của Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc cho biết việc giảm viện trợ sẽ ảnh hưởng đến việc điều trị cứu người và làm tăng nguy cơ tử vong đối với 50% trong tổng số 1,7 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng.
Việc thiếu kinh phí cũng đã buộc họ chỉ cung cấp dịch vụ cho khoảng 6% học sinh Sudan được đưa vào chương trình cung cấp thực phẩm tại trường học.
Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc từng lên tiếng cảnh báo rằng 15 triệu người ở Sudan, tương đương 1/3 dân số nước này, đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng.
Đạt được thỏa thuận khung triển khai thỏa thuận hòa bình Juba
Ngày 19/2, Chính phủ chuyển tiếp Sudan và một số nhóm đối lập thuộc Mặt trận Cách mạng Sudan (SRF) đã ký khung thời gian về thực thi thỏa thuận Juba trong vòng 2 năm.
Đây là một thỏa thuận hòa bình toàn diện giữa chính phủ Sudan và SRF, được ký vào năm 2020, với vai trò trung gian của Nam Sudan.
Thỏa thuận khung nêu trên đạt được tại một hội nghị tại thủ đô Juba của Nam Sudan vào ngày 13/2 để đánh giá tiến độ và thách thức gặp phải trong quá trình thực hiện thỏa thuận hòa bình Juba.
Trong số các vấn đề quan trọng trong thỏa thuận khung là việc thực thi các thỏa thuận an ninh tại các tỉnh Darfur, Nam Kordofan và Blue Nile của Sudan.
Tiếp đó là vấn đề chia sẻ tài chính và quyền lực giữa chính phủ với các nhóm đối lập ở miền Trung và miền Bắc Sudan.
Thỏa thuận này sẽ đẩy nhanh việc thành lập chính phủ chuyển tiếp đoàn kết dân tộc ở Khartoum (thủ đô của Sudan)./.