Tình hình Sudan: Cần có thời gian cho quá trình chuyển tiếp

Sudan kêu gọi các đối tác trong cộng đồng quốc tế ủng hộ quá trình chuyển tiếp hòa bình theo cách có thể giúp nước này mở ra con đường dẫn tới ổn định, phát triển và thịnh vượng.
Tình hình Sudan: Cần có thời gian cho quá trình chuyển tiếp ảnh 1Người biểu tình Sudan tuần hành sau khi Tổng thống Omar al-Bashir bị phế truất, tại thủ đô Khartoum ngày 11/4/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đại biện lâm thời Sudan tại Liên hợp quốc Yasir Abdelsalam ngày 12/4 khẳng định quá trình chuyển tiếp sau khi Tổng thống Omar al-Bashir bị phế truất cần có thời gian và cộng đồng quốc tế không nên thúc ép quá trình này.

Phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sau khi các nước thành viên bỏ phiếu gia hạn sứ mệnh của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Abyei - khu vực tranh chấp giữa Sudan và Nam Sudan, ông Abdelsalam nêu rõ bất kỳ tiến trình dân chủ nào cũng đòi hỏi thời gian và không nên bị đe dọa.

Theo ông, những gì đang diễn ra tại Sudan chỉ là vấn đề mang tính nội bộ.

Do đó, Sudan kêu gọi các đối tác trong cộng đồng quốc tế ủng hộ quá trình chuyển tiếp hòa bình theo cách có thể giúp nước này mở ra con đường dẫn tới ổn định, phát triển và thịnh vượng, cũng như tạo điều kiện để Khartoum có thể tránh vòng xoáy bạo lực.

[Mega Story] Chính biển Sudan: Đốm lửa bất ổn mới ở châu Phi

Bên cạnh đó, Đại biện lâm thời Sudan tại Liên hợp quốc cho biết hội đồng quân sự chuyển tiếp sẽ ủng hộ và đảm bảo một chính quyền dân sự và sẽ không có đảng phái nào bị gạt ra bên lề tiến trình chính trị, trong đó có các nhóm vũ trang.

Việc đình chỉ Hiến pháp có thể được dỡ bỏ bất kỳ lúc nào và quá trình chuyển tiếp có thể được rút ngắn lại phụ thuộc vào những tiến triển trên thực địa cũng như thỏa thuận đạt được giữa các bên.

Hãng tin Sputnik (Nga) ngày 13/4 dẫn một tuyên bố của Lực lượng Phản ứng nhanh (RSF) - bộ phận thuộc lực lượng vũ trang Sudan, kêu gọi tiến hành tiến trình chuyển giao quyền lực kéo dài từ 3-6 tháng để tiến hành các cuộc bầu cử tự do, công bằng, với sự tham gia của các quan sát viên trong nước và nước ngoài, phù hợp với luật bầu cử.

Cũng theo RSF, việc thành lập một hội đồng chuyển tiếp phải bao gồm các sỹ quân quân đội và hội đồng các bộ trưởng của chính quyền dân sự.

Trước đó, ngày 11/4, Bộ trưởng Quốc phòng Sudan Ahmed Awad Ibn Auf thông báo quân đội đã bắt giữ Tổng thống Al-Bashir, đồng thời tuyên bố thành lập Hội đồng quân sự chuyển tiếp Sudan điều hành đất nước, do ông nắm quyền, trong 2 năm.

Tuy nhiên, chỉ một ngày sau đó, ông Auf đã bất ngờ từ chức với lý do nhằm duy trì sự đoàn kết của các lực lượng vũ trang, đồng thời cho biết Trung tướng Abdel Fattah Abdelrahman Burhan sẽ là nhà lãnh đạo mới của hội đồng quân sự chuyển tiếp.

Tình hình Sudan: Cần có thời gian cho quá trình chuyển tiếp ảnh 2Binh sỹ Sudan gác gần trụ sở Bộ Quốc phòng ở thủ đô Khartoum khi đông đảo người dân biểu tình phản đối chính quyền của Tổng thống Omar al-Bashir, ngày 11/4/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hiện, ông Abdel-Rahman cũng đã tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Hội đồng quân sự chuyển tiếp.

Hội đồng quân sự chuyển tiếp Sudan cho rằng việc phế truất Tổng thống Omar al-Bashir không phải là “cuộc đảo chính quân sự,” và hội đồng này sẽ mở cánh cửa đối thoại với tất cả các phe phái chính trị.

Tướng Omar Zain al-Abdin, người đứng đầu ủy ban chính trị thuộc Hội đồng quân sự chuyển tiếp cam kết sẽ có một chính phủ dân sự tại Sudan và hội đồng này sẽ không can thiệp vào thành phần của chính phủ, nêu rõ vai trò của hội đồng quân sự là nhằm bảo vệ an ninh và ổn định của đất nước.

Bên cạnh đó, ông kêu gọi các nước trong khu vực viện trợ tài chính để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế đang ngày một trầm trọng ở nước này.

Tuy nhiên, Liên minh Thay đổi và Tự do đối lập của Sudan đã kêu gọi ban lãnh đạo mới của Hội đồng quân sự chuyển tiếp lắng nghe tiếng nói của người dân và ngay lập tức chuyển giao quyền lực cho một chính quyền dân sự chuyển tiếp.

Liên minh này cũng hối thúc ban lãnh đạo mới của hội đồng hủy bỏ quyết định trước đó về việc đình chỉ Hiến pháp và áp đặt tình trạng khẩn cấp và giới nghiêm, đồng thời kêu gọi người dân tiếp tục tham gia biểu tình ngồi trước các sở chỉ huy quân đội.

Trong khi đó, nhiều nước lớn trên thế giới cũng kêu gọi Sudan thực thi quá trình chuyển tiếp hòa bình. Mỹ kêu gọi Hội đồng quân sự chuyển tiếp kiềm chế, để người dân tham gia vào chính quyền.

Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi quân đội nhanh chóng chuyển giao quyền lực cho người dân.

Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt khẳng định việc quân đội giám sát quá trình chuyển tiếp kéo dài 2 năm "không phải là câu trả lời."

Theo ông, cần nhanh chóng chuyển sang ban lãnh đạo dân sự, có đại diện của tất cả các bên.

Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet kêu gọi Hội đồng quân sự chuyển tiếp bảo vệ nhân quyền, hạn chế việc sử dụng vũ lực đối với những người biểu tình hòa bình ở thủ đô Khartoum.

Tình hình Sudan trở nên căng thẳng sau các cuộc biểu tình liên tiếp xảy ra từ ngày 19/12/2018, khi người dân phản đối tình trạng giá lương thực tăng mạnh, đồng thời bất bình với những chính sách kinh tế yếu kém của chính quyền khiến đời sống của người dân khó khăn hơn.

Sau khi bắt giữ Tổng thống Omar al-Bashir, quân đội Sudan đã bắt đầu lệnh giới nghiêm vào ban đêm trên toàn quốc trong vòng 1 tháng, bắt đầu từ 22 giờ đến 4 giờ (giờ địa phương).

Nhóm biểu tình chính ở Sudan đã phản đối các thông báo của quân đội, đồng thời kêu gọi tiếp tục các cuộc biểu tình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục