"Tình hình kinh tế-xã hội 7 tháng qua tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực"

Kinh tế vĩ mô trong 7 tháng của năm 2024 tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 7 tháng tăng 4,12%, tăng 0,04% so với tháng 6.
Bộ trưởng Trần Văn Sơn chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tháng 7 và 7 tháng đầu năm, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục xu hướng tích cực. Nhìn chung, kết quả tháng 7 cao hơn tháng 6 và nếu tính chung 7 tháng, tình hình tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực.

Thông tin trên được Bộ trưởng Trần Văn Sơn đưa ra tại buổi họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 5/8, tại Hà Nội.

Theo Bộ trưởng, trong 7 tháng, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 7 tháng tăng 4,12%, tăng 0,04% so với tháng 6. Tỷ giá, lãi suất nhìn chung ổn định. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm (xuất khẩu gạo đạt 5,18 triệu tấn, kim ngạch gần 3,3 tỷ USD); thị trường lao động phục hồi tốt, cơ bản bảo đảm cân đối cung cầu lao động.

Đáng chú ý, thu ngân sách Nhà nước tăng mạnh. Tổng ngân sách Nhà nước 7 tháng ước đạt 69,8% dự toán năm, tăng 14,6% so với cùng kỳ; trong khi đã thực hiện miễn, giảm 87,2 nghìn tỷ đồng thuế, phí, lệ phí. Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách Nhà nước được kiểm soát thấp hơn giới hạn quy định.

Bên cạnh đó, đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng. Thu hút FDI đạt 18 tỷ USD, tăng 10,9%; vốn FDI thực hiện đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4%, cao nhất trong 5 năm qua.

“Phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực. Tháng 7 có 14.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 7,3% so với cùng kỳ; tính chung 7 tháng có 139.500 doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường, tăng 5,9% so với cùng kỳ,” Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho hay.

Tuy vậy, đánh giá của các thành viên Chính phủ cho thấy sức ép lạm phát còn cao; tình hình thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản thế giới còn nhiều rủi ro; tình hình sản xuất-kinh doanh trong một số lĩnh vực còn khó khăn; số doanh nghiệp rút khỏi thị trường còn cao…

Vì vậy, ông Sơn cho biết Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh mục tiêu là phải kiên định ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia.

Trên cơ sở quan điểm chỉ đạo điều hành là tháng sau phải tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, năm sau tốt hơn năm trước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác. Tập trung giữ ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối; tăng tiếp cận vốn tín dụng, tập trung cho lĩnh vực ưu tiên; tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước; quyết liệt triển khai chuyển đổi số; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí. Bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu cho sản xuất và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp trong mọi tình huống.

Doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi Số, chuyển đổi Xanh và kinh tế tuần hoàn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, trong đó về đầu tư: đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư công và 03 chương trình mục tiêu Quốc gia; thúc đẩy đầu tư tư nhân; tăng cường hợp tác công tư; thu hút FDI có chọn lọc.

Về xuất khẩu, tập trung củng cố các thị trường lớn, truyền thống; mở rộng các thị trường mới; hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn mới, tiếp cận thị trường tiềm năng…, tập trung đẩy mạnh phát triển thị trường, kích cầu tiêu dùng trong nước, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam," thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, triển khai hiệu quả việc giảm thuế giá trị gia tăng.

“Có cơ chế, chính sách hiệu quả thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới (nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách; phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng, đô thị; chuyển đổi Số, chuyển đổi Xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực giá trị gia tăng, công nghệ như chíp bán dẫn, AI…),” Bộ trưởng Trần Văn Sơn nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục