Ngày 10/4, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã tổ chức công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý 1 năm 2018.
Các chuyên gia tại hội thảo đều cho rằng mức tăng trưởng trong quý 1/2018 là rất ấn tượng, đạt 7,38%, song đằng sau đó vẫn còn rất nhiều vấn đề rủi ro được dự báo.
Tăng trưởng có thực chất?
Theo báo cáo kinh tế Việt Nam quý 1/2018, kinh tế tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây, đạt mức 7,38%. Dường như đà tăng trưởng tích cực từ hai quý nửa sau năm 2017 góp phần cho mức tăng trưởng này.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của khu vực này với mức tăng rất cao 13,56%. Riêng Samsung Việt Nam tiếp tục đóng góp nhiều nhất cho ngành chế biến chế tạo.
Cụ thể, giá trị hàng xuất khẩu (điện thoại và linh kiện) của Samsung Việt Nam đạt 12,3 tỷ USD, tăng tới 58,8% so với cùng kỳ năm 2017. Điều này giải thích một phần nguyên nhân GDP Việt Nam quý 1 tăng trưởng mạnh. Đồng thời, ngành khai khoáng đã tăng trưởng dương trở lại với mức 0,4% sau hai năm liên tục suy giảm.
Các chỉ báo sản xuất công nghiệp cũng tiếp tục cho thấy sự khả quan trong quý 1. Chỉ số sản xuất công nghiệp quý 1 tăng 11,6%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm gần đây. Chỉ số tiêu thụ cũng tiếp tục được cải thiện, đạt mức tăng 14,2%.
Theo tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, giá trị gia tăng tạo ra trong ngành này chủ yếu tới từ khu vực FDI. Điều này cho thấy sự phụ thuộc ngày càng nhiều của tăng trưởng kinh tế Việt Nam vào khu vực vốn đầu tư nước ngoài.
Sản phẩm của Samsung cũng chỉ có tính chu kỳ, khi chúng ta phụ thuộc vào sự tăng trưởng của khối FDI, cụ thể hơn là các tập đoàn lớn như Samsung, đến một thời điểm, khối FDI dịch chuyển các khu vực sản xuất chế biến, chế tạo ra các nước khác, thì tăng trưởng của Việt Nam sẽ không còn là con số đẹp nữa.
Việc khu vực công nghiệp chế biến chế tạo đóng góp vào mức tăng trưởng kinh tế rất cao, sẽ đặt ra thách thức cho việc duy trì đà tăng trưởng trong các quý sau, cũng như cho thời gian cả năm, khi bị lệ thuộc vào khu vực này, tiến sỹ Thành nói.
Báo cáo cũng cho hay kim ngạch xuất nhập khẩu quý 1/2018 tuy không bằng nửa sau năm 2017 nhưng vẫn tăng trưởng tích cực. Cụ thể, xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt tăng 24,3% và 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Thặng dư thương mại quý đầu năm đạt xấp xỉ 1,3 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý 1 ước đạt 54,31 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu tới từ nhóm doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng chủ yếu. Xuất khẩu từ khu vực này đạt 39,34 tỷ USD, chiếm 72,4% tổng kim ngạch và tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2017. Xuất khẩu từ khu vực trong nước cũng có sự cải thiện khi tăng 21,2%.
Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu quý 1 ước đạt 53.01 tỷ USD. Cụ thể, nhập khẩu của khu vực FDI chiếm 31,75 tỷ USD và khu vực trong nước là 21,26 tỷ USD.
"Điều này dẫn tới tình trạng xuất siêu của khu vực FDI và nhập siêu 6,29 tỷ USD của khu vực trong nước trong quý 1, cho thấy khu vực FDI tiếp tục là đầu tàu thương mại của kinh tế Việt Nam," tiến sỹ Thành nói.
[Moody’s dự báo tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam tiếp tục vững mạnh]
Cũng theo báo cáo, quy mô việc làm tạo mới trong quý 1 không cao tương ứng với mức tăng trưởng cao của nền kinh tế so với năm trước. Cụ thể, tính chung cả quý 1, có hơn 225.000 việc làm mới được tạo thêm, trong khi cùng thời điểm này năm 2017 nền kinh tế thậm chí tạo thêm hơn 291.000 việc làm. Xét theo thành phần, tăng trưởng lao động ở khu vực nhà nước tiếp tục giảm 1,2%; trong khi ở khu vực ngoài nhà nước và FDI đều ghi nhận mức tăng lần lượt là 3,9% và 4,5%.
Tiến sỹ Thành bình luận hiện tượng số việc làm mới tạo ra ít hơn, trong khi tăng trưởng vẫn cao, một lần nữa đặt ra câu hỏi về chất lượng tăng trưởng và sức mạnh thực chất của khu vực nội địa. Đặc điểm tăng trưởng quý 1 là rất cao, các quý sau có thể tiếp tục tăng trưởng nhưng sẽ không còn cao nữa.
Nhóm nghiên cứu Kinh tế vĩ mô cũng dự báo tăng trưởng kinh tế trong quý 2 có thể đạt 6,51%; quý 3 là 6,84%, quý 4 là 6,75% và cả năm sẽ ở mức 6,83%.
Kiểm soát chi tiêu ngân sách
Một vấn đề nữa cũng được đặt ra sau báo cáo của nhóm nghiên cứu là vấn đề thu chi ngân sách. Tiến sỹ Vũ Sỹ Cường đặt câu hỏi tăng trưởng kinh tế cao nhưng thu ngân sách lại không cao, phải chăng tăng trưởng kinh tế không đi liền với thu ngân sách.
Tiến sỹ Cường cho hay thu từ hoạt động xuất nhập khẩu trong dự toán ngân sách được điều chỉnh giảm trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới. Việc cắt giảm hàng rào thuế quan thương mại là điều kiện bắt buộc khi Việt Nam tham gia ký kết các FTA song phương hay đa phương.
Để bù đắp cho sự suy giảm tỷ trọng thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu và từ dầu thô, Chính phủ buộc tăng các thu nội địa như thuế thu nhập cá nhân, thuế bảo vệ môi trường, thu về nhà đất…
Các chuyên gia cho rằng quan trọng là tính minh bạch, anh tăng thu nhưng chi như thế nào, bảo vệ môi trường như thế nào. Và nếu hụt ngân sách, buộc phải thu thì cũng phải làm rõ. Đồng thời, khi tăng các khoản thu thì cũng phải giải trình rõ. Khi minh bạch và có trách nhiệm giải trình thì người dân cũng sẽ có sự ủng hộ.
Về tình hình thu chi ngân sách nhà nước quý 1, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách tính đến ngày 15/03/2018 ước đạt 216,7 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, tổng chi ước đạt 229,1 nghìn tỷ đồng, bằng 16,5% dự toán năm; trong đó, chi thường xuyên bằng 173,2 nghìn tỷ đồng, chiếm tới 75,6% tổng chi. Nguồn nội lực cho phát triển kinh tế dài hạn là chi đầu tư phát triển chỉ chiếm 14,2% tổng chi ngân sách. Điều này một mặt cho thấy quy trình phân bổ dự toán chi tiêu đầu tư công vẫn còn rất chậm. Mặt khác, thực trạng này tiếp tục phản ánh sự thiếu cân bằng của tổng chi ngân sách.
Theo tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, "để đảm bảo cân đối thu chi, chúng tôi cho rằng cần cải thiện nguồn thu thông qua tăng hiệu quả hành thu, tăng hiệu quả thu trên các loại thuế đã có và thuế suất hiện thời thay vì vội vã áp thêm các loại thuế mới hoặc tăng thuế suất. Việc này cần có sự cải cách ngay trong nội bộ ngành thuế. Một giải pháp đi liền là duy trì nỗ lực kiểm soát chi tiêu ngân sách, đặc biệt là chi thường xuyên."
Chi thường xuyên luôn ở mức cao trên 70% tổng chi qua các năm, một phần nguyên nhân tới từ bộ máy nhà nước và đoàn thể chính trị cồng kềnh, lãng phí, kém hiệu quả. Nguồn lực cho phát triển kinh tế dài hạn là chi đầu tư phát triển chưa có nhiều cải thiện. Do đó, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt để thắt chặt chi thường xuyên như các chính sách tinh giảm biên chế, sắp xếp lại và tinh giản bộ máy, hạn chế chi tiêu cho các tổ chức đoàn thể, thoái vốn khỏi các doanh nghiệp nhà nước như đã và đang thực hiện trong thời gian qua./.