Sáng 4/8, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Chủ trì Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Phó ban Chỉ đạo Thường trực; Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó ban Chỉ đạo.
Số vụ vi phạm giảm so cùng kỳ
Báo cáo tại Hội nghị, ông Lê Thanh Hải, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2022, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, lực lượng chức năng của cả nước đã chủ động triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, xây dựng và triển khai ế hoạch công tác năm, tập trung lực lượng, phương tiện, sử dụng đồng bộ các biện pháp kết hợp vừa kiểm soát, phòng, chống dịch COVID-19, vừa tích cực, quyết liệt đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Sáu tháng đầu năm 2022, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 54.199 vụ việc vi phạm (giảm 25,05% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó, 5.243 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu (giảm 53,72% so với cùng kỳ năm 2021); 47.781 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế (giảm 4,72% so với cùng kỳ năm 2021); 1.019 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ (giảm 90,61% so với cùng kỳ năm 2021); thu nộp ngân sách nhà nước 3.728 tỷ đồng.
[Chống buôn lậu: Nhận diện đúng thủ đoạn, ‘đánh’ trúng đối tượng]
Nhiều vụ việc, vụ án, đối tượng cầm đầu, đường dây ổ nhóm, tụ điểm phức tạp về buôn lậu thương mại và hàng giả trên cả nước đã được các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, tạo sự răn đe, phòng ngừa.
Điển hình là vụ phát hiện gần 60.000 bộ xét nghiệm kháng nguyên COVID-19 cùng hơn 3.000 sản phẩm thuốc tân dược và gần 200.000 sản phẩm mỹ phẩm do nước ngoài sản xuất với tổng giá trị gần 10 tỷ đồng do lực lượng quản lý thị trường và Công an Kinh tế Hà Nội phối hợp phát hiện, xử lý.
Vụ Công an Nghệ An phát hiện, bắt giữ đối tượng có hành vi mua bán trái phép chất ma túy từ Lào về Nghệ An với tang vật thu giữ là hơn 30.000 viên ma túy tổng hợp.
Vụ phát hiện, thu giữ hơn 120 tấn phân bón giả mạo trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông...
Cùng với đó, công tác phối hợp giữa Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành thành viên, các địa phương, đặc biệt là những cơ quan chuyên trách như Hải quan, Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Quản lý thị trường... được triển khai thường xuyên và nhiều vụ việc, vụ án, chuyên án lớn về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã được phát hiện và xử lý kịp thời, hiệu quả.
Gia tăng gian lận trên thương mại điện tử
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm 2022 còn chưa tương xứng với tình hình thực tế.
Số vụ việc được phát hiện xử lý có quy mô lớn hơn, tính chất phức tạp, phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn, xu hướng chuyển dịch từ quy mô nhỏ lẻ sang lợi dụng pháp nhân để hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Các hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử là tất yếu, đa dạng. Hiện nay, việc các đối tượng vi phạm lợi dụng môi trường thương mại điện tử để hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra khá thường xuyên, công khai và phức tạp. Các cơ quan, lực lượng chức năng cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện, bắt giữ, xử lý.
Một số cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị chức năng còn buông lỏng, coi nhẹ công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, giao phó cho các lực lượng chức năng, thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát, kiểm tra, đôn đốc, dẫn đến kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt được thấp. Các vi phạm xảy ra trên địa bàn kéo dài, chậm xử lý, còn có cán bộ sai phạm.
Chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm, cơ chế, chính sách, pháp luật còn chồng chéo, nhiều kẽ hở để đối tượng lợi dụng vi phạm...
Nêu ý kiến tại Hội nghị, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), cho biết trong giai đoạn giá xăng dầu điều chỉnh tăng cao 2 lần liên tiếp dẫn đến giá cả các hàng hóa khác biến động mạnh.
Quản lý thị trường đã huy động lực lượng tối đa nhằm kiểm soát các đại lý xăng dầu trên thị trường đối với mặt hàng xăng dầu, từ đó kiểm soát chất lượng mặt hàng và đảm bảo nguồn cung cho người dân.
Cũng theo ông Trần Hữu Linh, sau khi mở cửa, tình hình gian lận thương mại tăng trở lại với những hành vi tẩy xóa mác đưa vào lưu thông hàng cận hạn sử dụng, hết hạn sử dụng. Một hành vi khác có chiều hướng gia tăng đó là việc thành lập doanh nghiệp nhằm trốn thuế, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng...
Thương mại điện tử trong thời gian đại dịch COVID-19 cũng rất phát triển. Các tổ chức, cá nhân lợi dụng giao diện điện tử sử dụng nhiều phương thức thủ đoạn từ rao bán quảng cáo, đăng tải mặt hàng trên Facebook, Tik Tok, Instagram...
Hầu hết các mặt hàng này đều xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, là hàng giả, kém chất lượng.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng quản lý thị trường phát hiện, xử lý hơn 17,3 nghìn vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính, nộp ngân sách Nhà nước trên 137 tỷ đồng.
Nhận định tình hình 6 tháng cuối năm 2022 sẽ gia tăng phức tạp, ông Trần Hữu Linh cho biết lực lượng quản lý thị trường tiếp tục giám sát mặt hàng xăng dầu, một số mặt hàng nổi cộm như trang thiết bị y tế, dược phẩm, mỹ phẩm, đường cát, vật liệu nổ, ma túy...
Đại tá Vũ Như Hà, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Kinh tế (Bộ Công an) cũng cho rằng, hoạt động gian lận trên thương mại điện tử thực tế là xu thế tất yếu.
"Hoạt động của thương mại điện tử phát triển cùng với kinh tế số nên việc người dân lợi dụng nó để gian lận thương mại sẽ còn gia tăng với các hành vi trốn thuế, lừa đảo...," Đại tá Vũ Như Hà nêu rõ.
Đại tá Vũ Như Hà cũng dự báo tình hình 6 tháng cuối năm. Theo đó, các hoạt động gian lận thương mại sẽ gia tăng theo hướng phức tạp do nhu cầu về hàng tăng mạnh vào thời điểm cuối năm.
Bên cạnh đó, sau khi mở cửa trở lại, hoạt động vận chuyển hàng hóa trên tuyến hàng không tăng vọt, do đó, tuyến vận chuyển này ngày càng tiềm ẩn phức tạp.
Một điểm rất đáng lo ngại hiện nay, theo Đại tá Vũ Như Hà, đó là việc gia tăng hành vi gian lận xuất xứ nguồn gốc... Do đó, ông đề xuất tăng cường phối hợp các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Ban Chỉ đạo 389 quốc gia duy trì việc tập hợp khó khăn, vướng mắc của lực lượng chức năng theo hướng phân loại nhóm để kịp thời tháo gỡ.
Các cơ quan sớm kết nối cơ sở dữ liệu dân cư nhằm có phương án đối chiếu, từ đó phát hiện được những vụ việc lợi dụng thành lập doanh nghiệp để hoạt động buôn lậu, trốn thuế.
Về khó khăn trong xử lý tang vật các vụ việc, Đại tá Vũ Như Hà cũng nêu rõ: "Đây là vấn đề cực kỳ nhức nhối. Chi phí cho bảo quản, lưu giữ, chưa nói đến định giá, giám định rất lớn, gây lãng phí, kiến nghị Trung ương sớm rà soát để có phương án tháo gỡ."
Vẫn còn lực lượng tiếp tay cho hành vi buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của các thành viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và các Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian qua.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng đánh giá tình hình hàng giả, buôn lậu, gian lận vẫn có chiều hướng gia tăng, hết sức phức tạp, tinh vi, đặc biệt là khi Việt Nam quay trở lại trạng thái bình thường.
Nguồn cung một số mặt hàng bị đứt gãy như xăng dầu, dược phẩm và một số hàng hóa thiết yếu khác khiến tình hình buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại cũng có chiều hướng tăng.
Bên cạnh đó, một số phương thức, thủ đoạn mới cũng được các đối tượng lợi dụng, thực hiện như đội lốt doanh nghiệp, lừa đảo trên các giao dịch điện tử... dẫn đến việc khó kiểm soát hàng giả, hàng vi phạm bản quyền.
Nhận định nhiệm vụ thời gian tới hết sức nặng nề, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị các lực lượng thực hiện nghiêm các văn bản pháp luật liên quan, trong đó đặc biệt chú ý đến Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ; "Quy định về những điều đảng viên không được làm."
Theo Phó Thủ tướng, để tình trạng buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại còn nhức nhối như hiện nay là có sự tiếp tay, bảo kê của lực lượng chức năng. Do đó, cần nhận diện rõ vấn đề nổi cộm hiện nay trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chính là phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng. Bên cạnh đó, cần tập trung rà soát thể chế để sửa đổi, bổ sung kịp thời với tình hình thực tế.
Đối với việc xử lý hàng thu giữ, Phó Thủ tướng yêu cầu lực lượng chức năng cần phối hợp, chia sẻ thông tin với nhau để có phương án tối ưu, tránh sự chồng chéo gây lãng phí.
Để nắm chắc thông tin tội phạm, truy gốc nguồn hàng giả, hàng lậu, hàng gian lận thương mại, Phó Thủ tướng đề nghị có sự phối hợp trong tuyên truyền, vận động người dân tham gia tố giác tội phạm, công khai địa chỉ, đường dây nóng, thư điện tử của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương.
Cùng với đó, các lực lượng chức năng khẩn trương cập nhật tình hình thực tế, dự báo biến động trong các dịp nghỉ lễ, đặc biệt là Tết Nguyên đán 2023, trong đó, tập trung vào các tuyến hàng không, đường biển, đường bộ, khu vực các tỉnh giáp biên, việc kiểm soát hàng buôn lậu qua biên giới.../.