Tình hình dịch sáng 11/6: Đã có hơn 70.000 người tử vong tại Mỹ Latinh

Toàn thế giới ghi nhận 7.446.229 người mắc COVID-19, 418.137 người đã tử vong trong đó đáng chú ý số ca tử vong tại Mỹ Latinh đã lên hơn 70.000 người.
Tình hình dịch sáng 11/6: Đã có hơn 70.000 người tử vong tại Mỹ Latinh ảnh 1Chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Brasilia, Brazil. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo thống kê của trang mạng wordometers.info, tính đến 8h sáng 11/6, toàn thế giới ghi nhận 7.446.229 người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 418.137 người đã tử vong.

Số bệnh nhân phục hồi hiện ở mức hơn 3,7 triệu, trong khi số ca đang được điều trị là hơn 3,3 triệu, với 2% trong số này ở ình trạng nặng hoặc nguy kịch. Đáng chú ý số ca tử vong tại Mỹ Latinh đã lên hơn 70.000 người.

Sau khi công bố thêm hơn 20.800 ca nhiễm mới, tổng số ca mắc bệnh tại Mỹ hiện ở mức 2.066.401 người, cao nhất thế giới. Trong khi đó, tổng số ca tử vong vì dịch bệnh ở nước này cũng tăng thêm 982 ca lên mức hơn 115.000 ca.

Dù đã áp dụng các biện pháp phong tỏa nhưng số ca mắc mới và tử vong tại Mỹ không có dấu hiệu giảm bền vững. Điều này càng dấy lên quan ngại về việc chính phủ mở cửa trở lại nền kinh tế quá sớm.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nhận định nền kinh tế Mỹ bắt đầu phục hồi từ đại dịch COVID-19 và sẽ cải thiện đáng kể trong quý 3 và quý 4 năm nay.

Trong phát biểu trước Ủy ban Doanh nghiệp nhỏ của Thượng viện Mỹ nhằm đánh giá về tiến bộ của chương trình cho vay của liên bang, Bộ trưởng Mnuchin khẳng định tình hình việc làm và các dữ liệu kinh tế khác cho thấy Mỹ đang sẵn sàng cho việc mở cửa kinh tế theo từng giai đoạn.

Đầu tuần này, Ngân hàng thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm 6,1% trong năm nay. Trong khi đó, Văn phòng Nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ (NBER) cho hay kinh tế Mỹ đã chính thức bước vào suy thoái từ tháng Hai vừa qua, chấm dứt giai đoạn tăng trưởng dài nhất từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

[Dịch bệnh COVID-19: Iran ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới]

Tại quốc gia láng giềng Canada, người dân lo ngại nguy cơ làn sóng thứ hai dịch bệnh thứ hai có thể bùng phát. Chính vì vậy, sau nhiều tháng cách ly tại nhà để kiềm chế đà lây lan của đại dịch, người dân Canada hiện đã tích cực đeo khẩu trang.

Một cuộc khảo sát mới đây cho thấy có tới 76% số người được hỏi dự báo Canada sẽ phải chứng kiến làn sóng dịch bệnh thứ hai và 32% cho rằng làn sóng thứ hai sẽ mạnh hơn làn sóng đầu tiên. Tâm lý lo ngại của người dân cũng được thể hiện khi 2/3 số người tham gia khảo sát cho rằng chính phủ nên duy trì tốc độ mở cửa trở lại nền kinh tế một cách thận trọng, ở mức như hiện nay, trong khi 21% cho rằng tốc độ này cần chậm lại. Chỉ có chưa đầy 10% người dân ủng hộ mở cửa trở lại các nhà hàng, khách sạn, phòng tập thể hình, quán bar, rạp chiếu phim… mà không áp dụng biện pháp hạn chế nào.

Tình hình dịch sáng 11/6: Đã có hơn 70.000 người tử vong tại Mỹ Latinh ảnh 2Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan tại nhà thờ St. Nedelya ở thủ đô Sofia, Bulgaria. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tại châu Âu, Thủ tướng Bulgaria, ông Boyko Borissov tuyên bố nước này sẽ gia hạn tình trạng khẩn cấp đến cuối tháng Sáu để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch, sau khi các ca bệnh mới có xu hướng gia tăng. Bulgaria đã nới lỏng hầu hết các biện pháp hạn chế được áp dụng vào giữa tháng 3/2020, cho phép các nhà hàng và trung tâm mua sắm mở cửa trở lại.

Theo Thủ tướng Borisov, Chính phủ Bulgaria không có kế hoạch đưa ra các biện pháp hạn chế mới trong thời điểm hiện tại, song kêu gọi người dân nước này duy trì giãn cách xã hội. Cho đến nay, Bulgaria đã ghi nhận tổng cộng 2.889 ca mắc COVID-19, trong đó có 167 người tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 79 ca bệnh mới.

Trong khi đó, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki thông báo Ba Lan sẽ mở lại biên giới với các nước trong Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 13/6 tới.

Theo ông Morawiecki, Ba Lan cần khôi phục quan hệ thương mại với EU càng nhanh càng tốt, vì hầu hết hàng xuất khẩu của Ba Lan là sang các nước EU. Các chuyến bay quốc tế tại nước này cũng có thể mở trở lại từ ngày 16/6.

Ba Lan ghi nhận hơn 27.600 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có hơn 1.100 trường hợp tử vong. Nước này đã áp dụng các biện pháp phong tỏa chống COVID-19 tương đối sớm, vào tháng 3/2020 và bắt đầu nới lỏng các hạn chế vào tháng trước.

Tại châu Phi, Bộ Y tế Ai Cập khẳng định tỷ lệ mắc COVID-19 ở nước này vẫn ở trong “ngưỡng an toàn” nếu so sánh với các quốc gia khác có quy mô dân số tương đương.

[Xác định 4 yếu tố khiến bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ trở nặng]

Phát biểu trong cuộc họp cùng ngày với Tổng thống Abdel Fattah El-Sisi và Thủ tướng Mostafa Madbouly, bà Zayed cho hay số bệnh nhân COVID-19 ở trong tình trạng nghiêm trọng tại Ai Cập đã giảm, đồng thời tỷ lệ tử vong do căn bệnh nguy hiểm này đã ở mức “ổn định." Bên cạnh đó, số ca khỏi bệnh cũng đang tăng lên.

Tình hình dịch sáng 11/6: Đã có hơn 70.000 người tử vong tại Mỹ Latinh ảnh 3Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Sale, Maroc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Chính phủ Maroc cùng ngày tuyên bố sẽ bắt đầu nới lỏng các biện pháp ngăn ngừa sự lây lan của virus ở một số khu vực từ ngày 11/6, trong khi việc dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp giới nghiêm sẽ chỉ được thực hiện từ ngày 10/7. Quyết định nới lỏng các biện pháp hạn chế sẽ căn cứ vào tình hình thực tế của mỗi khu vực.

Chính phủ Maroc đã chia các tỉnh, thành và quận, huyện của nước này thành hai nhóm khu vực theo các tiêu chí do cơ quan y tế đặt ra. Quyết định nới lỏng các hạn chế sẽ bao gồm nối lại các hoạt động kinh tế ở cấp độ quốc gia, ngoại trừ hoạt động của các nhà hàng, quán cà phê, nhà tắm công cộng, rạp chiếu phim và tụ tập đông người.

Chính phủ Maroc kêu gọi người dân nước này tiếp tục tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh dịch tễ phòng ngừa virus SARS-CoV-2 lây lan, bao gồm đeo khẩu trang và giữ khoảng cách xã hội.

Tại Đông Nam Á, Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định nước này sẽ không do dự đóng cửa trở lại nếu số lượng các ca mắc COVID-19 gia tăng trong giai đoạn “bình thường mới."

Nhà lãnh đạo Indonesia cũng yêu cầu chính quyền các địa phương đã triển khai giai đoạn “bình thường mới” đánh giá thường xuyên tình hình địa bàn và sẵn sàng đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ hai.

Theo ông Widodo, hiện vẫn còn các khu vực có mức độ lây lan dịch bệnh biến động. Quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận hơn 34.300 ca, trong đó có 1.959 ca tử vong.

Ngày 10/6, quốc gia này số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất từ trước tới nay (hơn 1.200 ca) và là ngày thứ hai liên tiếp quốc gia đông dân thứ tư thế giới ghi nhận số ca mắc bệnh vượt 1.000 người.

Số ca nhiễm mới tăng cao trở lại chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Widodo tuyên bố mở cửa đất nước và dần nới lỏng các hạn chế trong giai đoạn “bình thường mới”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục