Theo trang worldometers.info, tính đến 6h sáng ngày 16/5, thế giới ghi nhận 4.617.077 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó 307.977 ca tử vong, 1.748.478 ca đã hồi phục.
Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới với 1.481.831 ca nhiễm, 88.391 ca tử vong, 321.472 ca hồi phục. Tiếp sau đó là Tây Ban Nha, Nga, Anh và Italy.
Pháp ghi nhận hơn 27.500 ca tử vong do COVID-19
Tính đến tối 15/5, số ca tử vong do COVID-19 tại Pháp là 27.529 người (tăng 104 ca trong 24 giờ qua), bao gồm 17.342 ca trong bệnh viện và 10.187 ca tại viện dưỡng lão và các cơ sở y tế xã hội khác.
Hiện 19.861 bệnh nhân nằm viện (giảm 602 ca so với hôm trước), trong đó 2.203 người phải chăm sóc đặc biệt (giảm 96 ca). Bên cạnh đó, 60.448 người đã khỏi bệnh và ra viện.
Trong một cuộc gặp sáng 15/5 với nhân viên bệnh viện Pitié-Salpêtrière ở Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thừa nhận "đã phạm sai lầm trong chiến lược" về bệnh viện.
Đề cập đến kế hoạch cải cách y tế, được khởi động từ hai năm trước, ông Macron hứa sẽ "chấm dứt" sự "bần cùng hóa" những nhân viên y tế.
[Số ca nhiễm ở Mỹ có thể tăng gấp đôi, New York gia hạn phong tỏa]
Vào cuối tháng Ba, ông đã hứa "một kế hoạch đầu tư và nâng cấp lớn" cho bệnh viện và công bố mức thưởng đặc biệt từ 500 đến 1.500 euro. Các công đoàn và tổ chức bệnh viện đang lên kế hoạch cho một ngày tổng đình công vào giữa tháng Sáu.
Cùng ngày, Cơ quan thống kê quốc gia Pháp thông báo nước này đã ghi nhận tỷ lệ tử vong trong khoảng thời gian từ 1/3 đến ngày 4/5 cao hơn 22% so với cùng kỳ năm 2019. Chỉ số này hạ dần trong vài tuần nay, xác nhận sự "giảm nhiệt" của dịch COVID-19.
Số ca nhiễm bệnh và tử vong tại Ai Cập tăng cao
Bộ Y tế Ai Cập ngày 15/5 thông báo phát hiện thêm 399 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 11.228 người.
Bên cạnh đó, số trường hợp tử vong do căn bệnh nguy hiểm này là 592 người, sau khi có 21 ca tử vong mới trong ngày.
Theo Bộ Y tế Ai Cập, đã có 173 bệnh nhân được xuất viện trong ngày, nâng tổng số ca khỏi bệnh lên 2.799 người.
Trước đó, Bộ Y tế Ai Cập đã công bố kế hoạch kéo dài trong ba giai đoạn, nhằm từng bước đưa cuộc sống tại quốc gia Bắc Phi này trở lại bình thường. Kế hoạch nói trên hướng tới cân bằng giữa đưa cuộc sống trở lại bình thường, trong khi vẫn duy trì các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.
Giai đoạn đầu của kế hoạch cần được áp dụng ngay lập tức và đòi hỏi thực thi những biện pháp nghiêm ngặt nhằm tránh nguy cơ bùng phát các ca mắc COVID-19. Giai đoạn này sẽ kết thúc khi tổng số ca mắc bệnh trên toàn quốc giảm trong 2 tuần liên tiếp.
Trong khi đó, giai đoạn thứ hai là áp dụng biện pháp phòng ngừa dịch bệnh ở mức trung bình, sẽ kéo dài trong 28 ngày. Cuối cùng, giai đoạn thứ ba sẽ bao gồm các biện pháp nới lỏng hơn, song được áp dụng liên tục cho đến khi có hướng dẫn tiếp theo hoặc đến khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá rủi ro trên toàn cầu đã giảm xuống mức thấp.
WHO dự báo hơn 200 triệu người ở châu Phi có nguy cơ mắc COVID-19
Theo một nghiên cứu mô hình của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể cướp đi sinh mạng 150.000 người và khiến hơn 200 triệu người mắc bệnh ở châu Phi trong vòng một năm nếu các nước này không triển khai các biện pháp khẩn cấp.
Nghiên cứu dự báo khoảng 231 triệu người, chiếm 22% dân số 1 tỷ người ở "Lục địa Đen" có thể mắc COVID-19 trong giai đoạn 12 tháng, phần lớn trong số này không có hoặc có rất ít triệu chứng mắc bệnh.
Tuy nhiên, ước tính có 4,6 triệu người cần phải nhập viện trong khi 140.000 người mắc COVID-19 nặng và 89.000 bệnh nhân sẽ trong tình trạng nguy kịch. Nghiên cứu cũng cho thấy khoảng 150.000 người (nằm trong khoảng từ 83.000 đến 190.000 người) tử vong do COVID-19.
Các tác giả của nghiên cứu cảnh báo rằng bất chấp việc nhiều nước châu Phi đã khẩn cấp áp dụng các biện pháp ngăn chặn dịch COVID-19, hệ thống y tế ở những nước này vẫn có thể nhanh chóng bị quá tải.
Nhóm các nhà khoa học trên lưu ý rằng: "Mô hình của chúng tôi chỉ ra quy mô của vấn đề đối với hệ thống y tế trong trường hợp các biện pháp ngăn chặn thất bại."
[Vũ Hán tiến hành xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ cư dân]
Nghiên cứu này được công bố trong bối cảnh có những cảnh báo rõ ràng rằng đại dịch COVID-19 đang đặt ra thách thức y tế khẩn cấp ở các nước đang phát triển - nơi có hệ thống y tế yếu kém, song đang phải "vật lộn" với một loạt bệnh mãn tính khác.
Theo các nhà nghiên cứu, các nước châu Phi sẽ phải tập trung nguồn lực vốn dành cho các vấn đề y tế khác như HIV/AIDS, bệnh lao, tiêu chảy, suy dinh dưỡng để giải quyết tình trạng bệnh nhân mắc COVID-19 nhập viện gia tăng, làm trầm trọng thêm tác động của dịch COVID-19 đối với các nước này.
Các nhà nghiên cứu cho rằng virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có thể tồn tại ở châu Phi lâu hơn so với các khu vực khác, có thể kéo dài tới vài năm.
Tình trạng lây nhiễm dự báo gia tăng nhiều nhất ở những quốc gia nhỏ trong khu vực, với Mauritius được cho là nước có nguy cơ lây nhiễm cao nhất. Trong số các nước lớn của châu lục, Nam Phi, Cameroon và Algeria nằm trong tốp 10 nước có nguy cơ lây nhiễm cao nhất.
Các nhà nghiên cứu đưa ra dự báo trên dựa trên sau khi xem xét "nhân tố tập trung" của từng nước như quy mô gia đình, mức độ tập trung dân số, khả năng nới lỏng đi lại, các quy định vệ sinh, yếu tố thời tiết...
Nghiên cứu trên được đăng trên Tạp chí Y tế Toàn cầu BMJ số ra ngày 15/5.
Cộng hòa Séc nới lỏng lệnh phong tỏa
Ngày 15/5, Cộng hòa Séc thông báo sẽ cho phép tổ chức các sự kiện có tới 300 người tham gia vào cuối tháng này trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này ở mức thấp nhất trong số các nước châu Âu.
Theo Bộ trưởng Y tế Adam Vojtech, từ ngày 25/5, các sự kiện như thi đấu thể thao sẽ được phép diễn ra nhưng giới hạn ở mức 300 người tham gia, các cơ sở kinh doanh như nhà hàng và quán rượu cũng sẽ được phép hoạt động trở lại. Nếu tình hình dịch bệnh tiến triển thuận lợi, mức giới hạn người tham gia các sự kiện sẽ tăng lên 500 người vào ngày 8/6 và lên đến 1.000 người vào ngày 22/6.
Tuy nhiên, các nhà hàng và quán rượu sẽ không được phép mở cửa sau 23h sau khi xảy ra số ca nhiễm gia tăng gần đây tại Hàn Quốc có liên quan tới một hộp đêm.
Theo nhà dịch tễ học Rastislav Madar, việc nới lỏng hơn nữa sẽ được thực hiện nếu số ca nhiễm trong ngày tăng ở mức tăng hai con số cho đến hết tháng Năm.
Hoạt động khám chữa bệnh ở bệnh viện và đến thăm các nhà dưỡng lão cũng sẽ được nối lại vào ngày 25/5, nhưng quy định giãn cách xã hội sẽ vẫn có hiệu lực. Ngoài ra, cũng từ ngày 25/5, các quy định đeo khẩu trang bắt buộc cũng sẽ được nới lỏng dù vẫn có hiệu lực tại các cửa hàng, văn phòng và trên các phương tiện giao thông công cộng.
Tính đến sáng 15/5, Séc ghi nhận 8.352 ca nhiễm và 293 ca tử vong do COVID-19.
Tây Ban Nha cách ly du khách nhập cảnh
Tây Ban Nha đã bắt đầu áp đặt cách ly đối với những du khách nước ngoài nhập cảnh vào nước này.
Cụ thể, từ ngày 15/5, những người từ nước ngoài đến Tây Ban Nha phải tự cách ly hai tuần. Bên cạnh đó, giới chức Tây Ban Nha đã kéo dài đến ngày 15/6 các hạn chế hiện hành đối với du khách nhập cảnh vào Tây Ban Nha cũng như hạn chế việc tiếp cận tới năm sân bay và tám cảng biển của nước này.
Các biện pháp hạn chế mới này được áp đặt đối với các du khách được đưa ra khi trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận số ca tử vong mới do mắc COVID-19 ở mức thấp nhất kể từ ngày 11/5. Theo đó, Tây Ban Nha chỉ ghi nhận thêm 138 trường hợp tử vong, đưa tổng số ca tử vong ở nước này lên 27.459 người. Trong khi đó, tổng số ca mắc COVID-19 ở Tây Ban Nha hiện là 230.183 người.
Gruzia thông báo dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp
Trong khi đó, Thủ tướng Gruzia Giorig Gakharia thông báo nước này sẽ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vào ngày 22/5, với một số hạn chế vẫn có hiệu lực nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.
Trong cuộc họp báo ngắn tại thủ đô Tbilisi, Thủ tướng Gakharia nêu rõ: "Sau khi phân tích kỹ càng tình hình dịch bệnh, Chính phủ Gruzia quyết định không kéo dài tình trạng khẩn cấp sau ngày 22/5." Tuy nhiên, ông cho biết một số hạn chế mà các nhà dịch tễ học cho là cần thiết để kiểm soát dịch bệnh sẽ vẫn có hiệu lực.
Trước đó, ngày 21/3, Gruzia tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc và kéo dài đến hết ngày 21/4. Tuy nhiên, hồi tháng Tư, nước này quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp đến ngày 22/5. Chính phủ Gruzia thông báo số ca mắc COVID-19 tại nước này đến nay đã lên tới 671 ca./.