Trong tuần từ 10-15/4, Việt Nam ghi nhận 2.629 ca mắc mới COVID-19. Đây là tuần có số ca mắc mới cao nhất trong 4 tháng qua.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.530.356 ca mắc, trong đó có 10.615.343 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Hiện có 10 bệnh nhân nặng, trong đó có 8 ca thở ôxy qua mặt nạ; hai ca thở ôxy dòng cao HFNC. Trung bình 7 ngày qua không có ca tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 trường hợp.
Người dân cần chủ động thực hiện thông điệp 2K + vaccine
Nhận định về tình hình tiêm vaccine COVID-19, giáo sư Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá những người đã tiêm vaccine phòng COVID-19 hoặc đã từng nhiễm bệnh hầu hết đều có miễn dịch - do vaccine hoặc do mắc phải. Chính yếu tố này làm các trường hợp khi mắc bệnh có biểu hiện nhẹ hơn, ít hoặc không có triệu chứng.
Theo khuyến nghị mới, cần tập trung ưu tiên tiêm chủng bảo vệ nhóm nguy cơ cao (người cao tuổi, người mắc bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai) bởi nếu miễn dịch của các đối tượng trên giảm, dễ dẫn đến tình trạng tăng nặng, nhập viện, tử vong.
Hiện, Việt Nam chưa thay đổi khuyến cáo về tiêm vaccine COVID-19. Vaccine hiện nay dù còn hạn chế trong hiệu quả phòng lây nhiễm biến chủng Omicron nhưng vẫn phòng được ca nặng và nhập viện, tử vong một cách hiệu quả.
Đến nay, Việt Nam đã có tổng số hơn 266 triệu liều vaccine COVID-19 được tiêm với các mũi khác nhau. Với liều cơ bản, nước bao phủ gần như 100% cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên; mũi 3, 4 cũng đạt 80-90%; tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi mũi 1 cũng lên đến 90%, mũi 2 là gần 77%.
Việt Nam là một trong số quốc gia tiêm chủng COVID-19 cao trên thế giới. Tuy nhiên có nơi, có chỗ tỷ lệ tiêm chưa đạt như mong muốn, đặc biệt ở đối tượng nguy cơ cao.
Theo dự báo của các nhà khoa học và Tổ chức Y tế Thế giới, virus SARS-CoV-2 vẫn tồn tại. Mục tiêu giai đoạn tới là giảm nhập viện, trở nặng, tử vong, tránh quá tải hệ thống y tế, giữ vững thành quả phòng, chống dịch.
Do đó, một trong những nhiệm vụ hiện nay là tập trung bảo vệ đối tượng nguy cơ cao (người cao tuổi, có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai). Những đối tượng này khi đến nơi đông người, môi trường ít thông thoáng nên đeo khẩu trang đồng thời phải tiêm chủng vaccine đúng lịch, đủ liều theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
[Tình hình dịch COVID-19 tại Hà Nội không có diễn biến bất thường]
Theo giáo sư Phan Trọng Lân, để giảm bớt sự lây nhiễm, Bộ Y tế khuyến cáo, đối với người dân, cộng đồng xã hội cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo Thông điệp 2K (Khẩu trang, Khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác...
Việc đeo khẩu trang trong các cơ sở khám chữa bệnh, trên các phương tiện công cộng là yêu cầu phòng, chống dịch.
Bộ Y tế đã, đang theo dõi chặt chẽ tình hình, không để bị động trước những diễn biến mới của tình hình dịch bệnh; đồng thời phối hợp với các chuyên gia, các tổ chức trong nước, quốc tế thường xuyên cập nhật, đánh giá tình hình nhằm chủ động có các điều chỉnh phù hợp; huy động các nguồn lực của toàn thể hệ thống chính trị, xã hội trong công tác chống dịch, bảo đảm thống nhất với các quốc gia trên thế giới.
Tăng cường công tác phòng, chống dịch
Ngày 12/4, Bộ Y tế đã có công văn khẩn về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Để tiếp tục chủ động các biện pháp phòng, chống, kiểm soát tình hình dịch, không để dịch bùng phát trở lại, góp phần tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế-xã hội, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết số 38/NQ- CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ và Kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2023 tại Quyết định số 1331/QĐ-BYT ngày 10/3/2023 của Bộ Y tế.
Các địa phương thúc đẩy tiêm vaccine phòng COVID-19 đạt mục tiêu đề ra của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; huy động sự tham gia của chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể để triển khai quyết liệt việc rà soát, vận động các đối tượng tham gia tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, nhất là với các nhóm có nguy cơ cao.
Các tỉnh, thành phố chủ động giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh; tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở giáo dục, giám sát tại các cửa khẩu, trong các cơ sở y tế và tại cộng đồng, để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Y tế để chủ động phát hiện sớm các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Các địa phương cần tổ chức đánh giá cấp độ dịch theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, Quyết định số 218/QĐ-BYT ngày 27/01/2022 của Bộ Y tế về hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" để kịp thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp theo cấp độ dịch.
Bộ Y tế đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức tốt việc thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt với các nhóm nguy cơ cao, như: phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị; chuẩn bị sẵn sàng các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân, chủ động nâng cao năng lực điều trị, nhất là năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực; tiếp tục đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vaccine, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình, cộng đồng; thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, khuyến cáo người dân thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch, như: đeo khẩu trang, khử khuẩn trong các cơ sở y tế, trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các địa điểm, sự kiện tập trung đông người, đặc biệt vào dịp nghỉ lễ thời gian tới.
Cùng với đó, cơ quan chức năng tập trung thông tin về lợi ích, tác dụng của vaccine; bám sát xu hướng tâm lý của người dân, xã hội, nâng cao tự tin tưởng của cộng đồng và vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Xuất hiện biến thể phụ XBB.1.5
Báo cáo của Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) phối hợp với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy qua tiến hành giải trình tự SARS-CoV-2 từ các bệnh nhân dương tính trong giai đoạn từ ngày 11/1 đến 20/3/2023, kết quả có 5 mẫu được giải mã thành công.
Trong số này, có hai chủng thuộc biến thể phụ BA.5 (2/5, 40%), một mẫu BA.2.75 (1/5, 20%), một mẫu XBB.1 (1/5, 20%) và một mẫu XBB.1.5 (1/5, 20%).
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho hay XBB.1.5 hiện đang là biến thể chiếm ưu thế trên phạm vi toàn cầu (chiếm 47,1% số trường hợp trong tháng 3/2023, so với 39,8% trong tháng 2/2023). Biến thể XBB.1.5 đã được phát hiện ở 94 quốc gia.
Các dữ liệu phân tích hiện nay trên thế giới cho thấy không có báo cáo nào về mức độ nghiêm trọng cao hơn đối với các biến thể đang lưu hành, cũng không có báo cáo nào về việc gia tăng số ca nhập viện hoặc tử vong ở các khoa ICU do bất kỳ biến thể từ dòng XBB hiện đang lưu hành.
Hiện nay, WHO xếp XBB.1.5 vào nhóm biến thể đáng quan tâm (Variant Of Interest - VOI), tiếp tục theo dõi chặt chẽ. Có 7 biến thể khác thuộc nhóm đang được theo dõi (Variant Being Monitored - VBM) bao gồm BA.2.75, CH.1.1, BQ.1, XBF, XBB, XBB.1.16 và XBB.1.9.1.
Như vậy, hiện nay chưa xuất hiện biến thể thuộc nhóm biến thể đáng lo ngại (Variant Of Concern - VOC) hoặc biến thể gây hậu quả nghiêm trọng (Variant Of High Consequence - VOHC).
Nhận định về các loại biến thể của COVID-19 tại Việt Nam, giáo sư, tiến sỹ Phan Trọng Lân cho biết đến thời điểm này, Tổ chức Y tế Thế giới và trong nước cũng chưa ghi nhận các biến chủng khác. Hiện nay, trên thế giới, cũng như Việt Nam biến thể Omicron vẫn chiếm ưu thế.
Biến thể phụ Omicron đã xuất hiện được 16 tháng với hơn 500 biến thể phụ khác nhau. Biến thể này hiện đang lưu hành hầu hết các nơi trên thế giới và đang chiếm ưu thế. Các chuyên gia nhận thấy đây là biến thể có đặc tính lây lan nhanh, nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng về tăng ca nặng.
Với biến thể Omicron, vaccine vẫn có hiệu quả phòng chuyển nặng, nhập viện, tử vong, do đó người dân cần tiêm chủng đầy đủ theo đúng khuyến cáo của ngành y tế, giáo sư Phan Trọng Lân nói./.
Sở Y tế Hà Nội công bố 10 điểm tiêm vaccine COVID-19 Ngày 14/4, Sở Y tế Hà Nội đã ra thông báo công bố 10 điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 duy trì thường xuyên để đông đảo người dân biết, đăng ký tiêm. Sở Y tế Hà Nội lưu ý: người dân sinh sống, làm việc tại Hà Nội muốn tiêm vaccine phòng COVID-19 có thể liên hệ tới các điểm tiêm như sau để được hướng dẫn cụ thể về địa điểm, thời gian tiêm. Tại thị xã Sơn Tây - số điện thoại: 0243.3823.835. Tại quận Tây Hồ - số điện thoại: 0243.758.3334/0869.538.580. Tại huyện Thạch Thất - số điện thoại: 0243.3675.993. Tại quận Cầu Giấy - số điện thoại: 0243.768.0014/0243.993.6118. Tại quận Ba Đình - số điện thoại: 0243.7340.301. Tại quận Thanh Xuân - số điện thoại: 0243.558.1582 /0248.582.3468. Tại quận Hoàn Kiếm - số điện thoại: 0243.8284.827. Tại quận Hai Bà Trưng - số điện thoại: 0243.972.7867. Tại huyện Mỹ Đức - số điện thoại: 0243. 3740.641. Tại Thanh Oai - số điện thoại: 086.242.9697. |