Theo trang thống kê worldometers, tính đến 8h sáng 4/11, thế giới đã ghi nhận 47.826.824 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 1.219.593 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, đã có thêm 472.943 ca nhiễm mới, hơn 1/5 trong số này được ghi nhận ở Mỹ (92.396 ca). Xét về số ca tử vong, hiện Mỹ dẫn đầu với 238.606 ca, tiếp đến là Brazil với 160.548 ca và Ấn Độ với 123.650 ca.
Châu Á là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (13.940.779 ca), trong đó Ấn Độ đứng đầu khu vực với 8.312.947 ca. Với gần 11.550.000 ca, Bắc Mỹ là khu vực bị ảnh hưởng thứ hai, Mỹ ghi nhận 9.689.507 ca nhiễm. Tiếp đến là châu Âu với 10.695.697 ca và Nam Mỹ với 9.777.441 ca. Châu Phi (hơn 1,8 triệu ca) và châu Đại Dương (hơn 38.000 ca) là hai khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.
[Tình hình dịch COVID-19: Châu Âu tiếp tục đối mặt "sức nóng'']
Hiện dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại châu Âu, nơi các nước như Nga, Pháp, Tây Ban Nha và Anh đều ghi nhận trên 1 triệu ca nhiễm. 1/5 số ca tử vong của châu lục này tập trung tại Anh, cũng là nơi ghi nhận số ca tử vong cao nhất với 47.250 ca. Con số này ở Pháp và Tây Ban Nha lần lượt là 38.289 ca và 36.495 ca.
Theo Chủ tịch Phòng y tế Séc Milan Kubek, trong 7 ngày qua, số lượng bác sỹ và y tá nhiễm SARS-CoV-2 đã tăng từ 13.000 người lên 16.000 người. Trước thực trạng số lượng nhân viên y tế nhiễm bệnh gia tăng, Bộ Y tế Séc đã đề nghị Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cử hai nhóm y tế tới nước này hỗ trợ ứng phó với dịch. Hạ viện Séc mới đây đã thông qua đề xuất của chính phủ tiếp nhận 300 nhân viên quân y từ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong thời gian tối đa 90 ngày để hỗ trợ nước này ứng phó với dịch. Theo số liệu của Bộ Y tế, khoảng 7.500 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các bệnh viện, trong đó hơn 1.000 ca trong tình trạng nghiêm trọng.
Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn nhận định của Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn, cho rằng Đức cần phải thực hiện ngay các biện pháp khẩn cấp để kiểm soát tình hình đại dịch đang diễn biến phức tạp tại nước này. Theo ông Spahn, tình hình dịch bệnh hiện nay tại Đức đang rất nghiêm trọng khi số ca nhiễm mới tính theo ngày tăng lên theo cấp số nhân, dẫn đến tình trạng số người cần dùng máy thở cũng tăng rất nhanh. Vì vậy, Berlin cần liên tục điều chỉnh các chiến lược cho phù hợp với tình hình dịch bệnh. Cũng trong cuộc họp báo, Phó Chủ tịch Viện Dịch tễ Robert Koch (RKI) Lars Schaade cảnh báo với tình hình gia tăng hiện nay, nếu không kịp thời kiểm soát thì nền kinh tế lớn nhất châu Âu này có thể ghi nhận tới 400.000 ca nhiễm mới trong dịp Lễ Giáng sinh tới. Theo các số liệu mới nhất do RKI công bố, trong 24 giờ qua, trên cả nước Đức ghi nhận 16.849 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 568.835 ca. Trong khi đó, số ca tử vong cũng tăng 157 ca, nâng tổng số lên 10.689 ca.
Tại Mỹ, hơn 850.000 trẻ em đã được chẩn đoán mắc COVID-19 kể từ đầu mùa dịch. Báo cáo mới của Viện hàn lâm Nhi khoa Mỹ và Hiệp hội Bệnh viện Nhi cho thấy tổng cộng 61.447 ca nhiễm mới là trẻ em đã được ghi nhận trong tuần từ ngày 22-29/10, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Trong cả tháng 10, gần 200.000 ca nhiễm mới là trẻ em đã được ghi nhận trên cả nước, nâng tổng số ca nhiễm trẻ em lên 853.635 ca, tương đương 11,1% tổng số ca nhiễm của nước này. Nói cách khác, tỷ lệ trẻ em nhiễm là 1.134 ca trên 100.000 em. Trẻ em cũng chiếm từ 1-3,5% số ca phải nhập viện vì COVID-19, chiếm 0,2% số ca tử vong.
Tại châu Á, sau Ấn Độ, Iran bị ảnh hưởng thứ hai khu vực với 637.712 ca nhiễm và 36.160 ca tử vong. Các nước như Iraq, Indonesia và Bangladesh đều ghi nhận hơn 410.000 ca nhiễm. Nhóm thứ hai ghi nhận trên 310.000 ca nhiễm gồm Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Pakistan và Israel. Lào là nước ít bị tác động nhất khu vực, với 24 ca nhiễm và không có ca tử vong./.