Tình hình dịch COVID-19 tại châu Âu trước những tháng mùa Đông

Tiến độ tiêm chủng khác nhau mang đến những gam màu khác nhau trong bức tranh tình hình dịch bệnh tổng thể tại các nước châu Âu, trước nguy cơ số ca mắc gia tăng trong những tháng mùa Thu và Đông.
Người dân mua sắm tại một siêu thị ở London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hiện phần lớn châu Âu đã mở cửa đối với khách du lịch quốc tế và nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 sau đợt lây nhiễm bùng phát vào mùa Xuân vừa qua.

Các biện pháp nhằm đưa cuộc sống trở lại bình thường được thực hiện trong bối cảnh số ca mắc và nhập viện do COVID-19 gia tăng ở nhiều nước, chủ yếu do nhiễm biến thể Delta.

Tuy nhiên, các chương trình tiêm chủng được triển khai rầm rộ đã làm giảm đáng kể số người nhập viện so với những tháng đầu năm 2021.

Tiến độ tiêm chủng khác nhau mang đến những gam màu khác nhau trong bức tranh tình hình dịch bệnh tổng thể tại các nước châu Âu, khi các chính phủ phải chuẩn bị các phương án ứng phó nguy cơ số ca mắc gia tăng trong những tháng mùa Thu và Đông.

Anh bước vào năm 2021 trong bối cảnh biến thể Alpha lây lan rộng, trở thành quốc gia áp dụng phong tỏa lâu nhất ở châu Âu. Đến tháng 7, nước này dỡ bỏ hầu như toàn bộ hạn chế, dù số ca nhiễm có tăng lên.

Các sự kiện lớn diễn ra, câu lạc bộ đêm được phép hoạt động mà không giới hạn số người. Ở nơi công cộng, người dân không cần đeo khẩu trang. Số ca nhập viện cũng tăng lên kể từ thời điểm đó.

Theo dữ liệu chính thức, đầu tháng 9, số ca nhập viện vì COVID-19 trung bình 7 ngày đạt mức 1.000 ca, cao nhất kể từ tháng 2. Tuy nhiên, so với hồi tháng 1 khi Anh ghi nhận hơn 4.000 ca nhập viện mỗi ngày, tình hình dịch bệnh ở nước này sáng sủa hơn nhiều nhờ kết quả tiêm chủng đạt được.

[Anh điều chỉnh quy định với du lịch, Italy kiểm soát làn sóng thứ 4]

Hôm 14/9 vừa qua, Thủ tướng Boris Johnson cảnh báo nước này có thể tái áp đặt các biện pháp hạn chế vào mùa Đông nếu Cơ quan Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) bị quá tải.

Tại Pháp, số người nhập viện do COVID-19 tăng trong cả tháng 8. Nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về đợt bùng phát thứ 4, có thể tạo áp lực lên các cơ sở điều trị khắp cả nước. Cuối tháng 8, Pháp ghi nhận hơn 11.000 ca mắc COVID-19 phải nhập viện.

Tuy nhiên, số ca mắc có dấu hiệu chững lại vào tháng 9. Tổng số bệnh nhân giảm xuống dưới 10.000 ca, thấp hơn nhiều so với đỉnh dịch hồi tháng 4, khi nước này ghi nhận 30.000 ca phải điều trị COVID-19 ở bệnh viện.

Pháp đã áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đối với người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 nhằm đẩy mạnh chương trình tiêm chủng.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Marseille, Pháp, ngày 2/2/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Kể từ ngày 7/9, nhân viên y tế được yêu cầu chủng ngừa đầy đủ, người dân cần có giấy chứng nhận tiêm phòng COVID-19 khi muốn vào nhà hàng hoặc di chuyển đường dài. Chính phủ Pháp xác nhận khoảng 3.000 nhân viên y tế đã bị đình chỉ công tác vì từ chối tiêm vaccine.

Còn tại Italy, tình hình dịch bệnh cũng leo thang vào tháng 4, với hơn 32.000 người phải nhập viện. Số ca nhập viện sau đó giảm xuống mức thấp nhất, khoảng 1.250 ca/ngày vào giữa tháng 7 và tăng trở lại trong những tuần gần đây. Tuy nhiên, đến nay, trên toàn Italy chỉ ghi nhận dưới 5.000 ca nhập viện mỗi ngày.

Sau khi bị ảnh hưởng nặng nề trong giai đoạn đầu của đại dịch, Italy là một trong những nước đầu tiên mở cửa trở lại với khách du lịch vào năm 2020.

Năm 2021, các hạn chế nhập cảnh chủ yếu được áp dụng với Liên minh châu Âu (EU) và một số nước gồm Mỹ, Canada, Nhật Bản và Anh. Italy ngày 16/9 cũng là quốc gia đầu tiên yêu cầu nhân viên doanh nghiệp công và tư xuất trình chứng nhận tiêm chủng, xét nghiệm âm tính hoặc chứng nhận đã khỏi COVID-19 gần đây.

Quy định có hiệu lực kể từ ngày 15/10, được đưa ra nhằm khuyến khích nhiều người tiêm vaccine hơn. Theo số liệu của chính phủ Italy, khoảng 75% dân số Italy từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm chủng đầy đủ.

Ireland là một trong những nước có số ca mắc COVID-19 thấp nhất ở châu Âu, phần lớn nhờ vào chiến lược phong tỏa nghiêm ngặt. Giống với phần còn lại của EU, Ireland đã mở cửa đón khách du lịch trở lại. Số ca nhập viện tăng lên kể từ đó, song vẫn thấp hơn các đợt bùng phát trước đây.

Trong tháng 9, Ireland ghi nhận khoảng 60 ca phải vào khu hồi sức tích cực, thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh 221 ca hồi tháng 1. Khác với nước láng giềng Anh, Ireland vẫn giới hạn số người tham gia sự kiện lớn ngoài trời, gồm cả các giải đấu thể thao.

Các hạn chế sẽ được nới lỏng kể từ ngày 20/9. Những ai đã tiêm đủ hai mũi vaccine được vào nhà hàng với sức chứa khoảng 100 người. Từ ngày 22/10, chính phủ có kế hoạch dỡ bỏ các hạn chế cuối cùng như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và tránh tụ tập đông người.

Trong khi đó, Đan Mạch về cơ bản đã trở lại cuộc sống trước đại dịch vào tháng này. Chính phủ cho phép người dân tụ tập thành nhóm lớn, ra vào hộp đêm, nhà hàng mà không cần xuất trình hộ chiếu vaccine, sử dụng phương tiện công cộng mà không cần đeo khẩu trang.

Hiện còn quá sớm để biết liệu động thái đó có khiến số ca mắc COVID-19 gia tăng đáng kể hay không. Số ca nhập viện ở Đan Mạch dao động khoảng 100 người trong những tuần gần đây, thấp hơn nhiều so với con số 1.000 ca vào tháng 1.

Bộ trưởng Y tế Đan Mạch Magnus Heunicke hôm 15/9 cho biết R0 (số bệnh nhân lây nhiễm nCoV từ cùng một F0) hiện là 0,7, có nghĩa là quy mô dịch bệnh tiếp tục thu hẹp. Nếu con số cao hơn 1, số ca mắc COVID-19 sẽ tăng lên trong tương lai gần. Ngược lại, con số dưới 1, dịch bệnh được cho là lắng dịu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục