Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 9/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 268.068.322 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.294.421 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 241.266.095 người.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 813.846 ca tử vong trong tổng số 50.416.207 ca mắc, tiếp đó là Ấn Độ với 473.952 ca tử vong trong số 34.665.096 ca mắc. Brazil đứng thứ 3 với 616.298 ca tử vong trong số 22.167.781 ca mắc.
Trong bối cảnh biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đang lây lan ra nhiều quốc gia, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi chính phủ các nước cần đánh giá lại các biện pháp ứng phó quốc gia đối với đại dịch COVID-19 và tăng tốc các chương trình tiêm chủng nhằm giảm đà lây lan của biến thể này.
Ông nhận định việc biến thể Omicron lây lan toàn cầu có thể tác động lớn đến đại dịch COVID-19 và cần phải kiểm soát ngay trước khi có thêm nhiều bệnh nhân mắc biến thể mới phải nhập viện.
Theo WHO, tất cả các nước cần tăng cường giám sát, xét nghiệm, giải trình tự gene và "bất kì sự tự mãn nào cũng phải trả giá bằng mạng sống."
Bên cạnh đó, người đứng đầu WHO cũng cho rằng hiện còn quá sớm để đánh giá mức độ hiệu quả bảo vệ của các loại vaccine hiện hành đối với biến thể mới, khi lưu ý về bằng chứng ban đầu của Pfizer/BioNTech về hiệu quả của vaccine do hai hãng này phát triển đối với Omicron.
[Ca mắc COVID-19 trung bình 7 ngày của mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ]
Trước đó cùng ngày, hai hãng dược phẩm của Đức và Mỹ khẳng định kết quả thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy việc tiêm mũi vaccine tăng cường của hãng có thể trung hòa biến thể mới.
Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát Dược phẩm, Thiết bị và Dụng cụ Y tế Cuba (CECMED) đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine Soberana Plus do nước này tự phát triển và sản xuất cho trẻ em trên 2 tuổi đang điều trị COVID-19 tại nhà hoặc đã xuất viện được 2 tháng.
Kết quả sơ bộ của thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I và II ở trẻ em và thanh thiếu niên đang dưỡng bệnh sau khi mắc COVID-19 cho thấy việc sử dụng một liều duy nhất vaccine Soberana Plus là an toàn và góp phần tăng cường miễn dịch giúp chống lại nguy cơ tái nhiễm.
CECMED cho biết đã tiến hành kiểm tra tại các địa điểm thực hiện thử nghiệm lâm sàng, xác minh việc tuân thủ Thực hành lâm sàng tốt trong quá trình thực hiện thử nghiệm. Cuba đã áp dụng một liều Soberana Plus kể từ cuối tháng 9 cho người mắc COVID-19 trên 19 tuổi đang trong thời kỳ phục hồi.
Cuba là quốc gia Mỹ Latinh duy nhất tự sản xuất vaccine ngừa COVID-19. Hiện tập đoàn dược phẩm nhà nước BioCubaFarma đã sản xuất đủ vaccine để tiêm đầy đủ cho toàn bộ dân số nước này.
Cơ quan Quản lý sản phẩm y tế Nam Phi (SAHPRA) đã phê duyệt mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 thứ ba cho tất cả những người trên 18 tuổi đã được tiêm đầy đủ hai mũi vaccine của hãng Pfizer.
Người dân đủ điều kiện sức khỏe có thể tiếp nhận mũi tiêm nhắc lại này 6 tháng sau mũi thứ hai. Những người từ 12 tuổi trở lên có hệ miễn dịch kém có thể tiêm nhắc lại sau 28 ngày kể từ mũi tiêm thứ hai. SAHPRA đã cấp phép sử dụng vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer hồi tháng 3.
Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson thông báo khởi động "Kế hoạch B" cho vùng England nhằm ngăn chặn đà lây lan của biến thể Omicron. Cụ thể, từ ngày 12/12, người dân có thể làm việc từ ở nhà nếu có thể.
Trong khi đó, từ ngày 10/12, yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc sẽ được mở rộng đều hầu hết các địa điểm đông người trong nhà như rạp hát hay rạp chiếu phim. Bên cạnh đó, chứng nhận tiêm chủng vaccine sẽ là yêu cầu bắt buộc để có đến hộp đêm và các địa điểm tập trung đông người.
Hiện chứng nhận tiêm chủng vaccine vẫn có hiệu lực với người đã tiêm đủ 2 mũi, song nhà chức trách sẽ đánh giá lại vấn đề này khi chương trình tiêm chủng mũi tăng cường đang được triển khai.
Hồi tháng 7, Anh đã dỡ bỏ hầu hết những hạn chế chống dịch đối với vùng England. Hiện các vùng khác của nước Anh là Scotland, Wales và Bắc Ireland có quy định riêng và đều đã áp đặt các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt hơn.
Trong khi đó, tại Nhật Bản, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi nước này đã triệu tập các chuyên gia cố vấn y tế để thảo luận các biện pháp ứng phó với một làn sóng lây nhiễm mới có thể xảy ra.
Hội nghị đã thống nhất cần phải tăng cường công tác rà soát, xét nghiệm để sớm phát hiện các ca mắc biến thể Omicron, đặc biệt đối với người có tiền sử dịch tễ ở nước ngoài trở lại Nhật Bản.
Cụ thể, bên cạnh việc hạn chế nhập cảnh đối với người nước ngoài, các trường hợp có tiền sử dịch tễ ở nước ngoài, mới trở về nước cần phải được rà soát và xét nghiệm triệt để nhằm sàng lọc ra các ca nhiễm biến thể Omicron có thể lây lan trong cộng đồng.
Các chuyên gia đã nhấn mạnh nguy cơ tái bùng phát làn sóng lây nhiễm tiếp theo là khá cao, đặc biệt do biến thể Omicron trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tại Nhật Bản đã có dấu hiệu tăng so với tuần trước.
Theo số liệu thống kê mới nhất, số ca mới trung bình trong tuần qua đã tăng 1,11 lần so với một tuần trước đó, đáng chú ý là số ca mắc mới nhưng không rõ nguồn lây đang tăng lên.
Bộ trên cũng xác nhận ca nhiễm biến thể Omicron thứ 4 là một người trở về từ Nigeria ngày 4/12. Người này có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 khi xét nghiệm tại sân bay quốc tế Narita nhưng hiện không có triệu chứng gì và đã từng tiêm 2 mũi vaccine của hãng Pfizer vào tháng 10.
Toàn bộ 103 hành khách đi cùng chuyến bay được coi là trường hợp tiếp xúc gần và được liên lạc khẩn cấp để cách ly bắt buộc tại nhà trong 14 ngày kể từ sau khi nhập cảnh./.