Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h30 sáng 24/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 278.477.755 ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.400.192 người không qua khỏi. Số bệnh nhân bình phục hiện là hơn 249.137.756 người.
Tình hình dịch bệnh thế giới những ngày cuối năm 2021 ảm đạm khi số ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua gần chạm mốc 1 triệu ca, cụ thể với 954.604 ca, trong đó nước Mỹ chiếm nhiều nhất với 255.909 ca, tiếp đến là Anh và Pháp lần lượt ghi nhận 119.789 và 91.608 ca.
Trước diễn biến phức tạp tại Mỹ, Thị trưởng thành phố New York (Mỹ) Bill de Blasio thông báo sẽ thu hẹp quy mô tổ chức và giới hạn người tham gia bữa tiệc mừng Năm mới theo truyền thống tại Quảng trường Thời đại do lo ngại sự lây lan của biến thể Omicron.
Chính quyền thành phố New York sẽ chỉ cho phép 15.000 người tham dự sự kiện nổi tiếng này. Những người tham gia buộc phải đeo khẩu trang và có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19.
Nhiều nước châu Âu siết chặt các biện pháp hạn chế trước thềm Giáng sinh. Hy Lạp thông báo từ ngày 24/12, người dân sẽ phải đeo khẩu trang bắt buộc cả ở trong nhà và ngoài trời nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh trong các cuộc tụ tập mừng Giáng sinh và Năm mới. Quyết định này sẽ có hiệu lực đến ngày 2/1/2022.
Hy Lạp đã hủy toàn bộ các lễ hội mừng Giáng sinh và Năm mới công cộng và yêu cầu du khách phải xét nghiệm COVID-19 vào ngày thứ 2 và thứ 4 sau khi nhập cảnh.
Đan Mạch thông báo du khách nước ngoài nhập cảnh sẽ phải trình xét nghiệm COVID-19 âm tính, cho dù đã tiêm chủng hay chưa. Quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 27/12 tới.
[Nhiều nước châu Âu siết chặt các biện pháp hạn chế phòng dịch]
Theo quyết định trên, tất cả những người không phải công dân hoặc cư trú lâu dài tại nước này sẽ phải trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ hoặc xét nghiệm kháng nguyên nhanh trong vòng 48 giờ trước khi nhập cảnh. Người dân Đan Mạch khi trở về nước phải xét nghiệm trước hoặc trong 24 giờ sau khi trở về.
Cùng ngày, chính quyền Scotland thuộc Vương quốc Anh cũng thông báo đóng cửa các câu lạc bộ đêm từ ngày 27/12 để khống chế sự lây lan của biến thể Omicron. Giới chức Scotland cho biết sẽ hỗ trợ tài chính để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt.
Tại Italy, chính phủ đã thông qua sắc lệnh mới gồm một loạt các biện pháp bổ sung nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron trong dịp lễ Giáng sinh và Năm mới sắp tới. Sắc lệnh mới quy định bắt buộc phải đeo khẩu trang, đồng thời cấm ăn uống trong rạp chiếu phim.
Sắc lệnh mới quy định thời hạn của Thẻ xanh COVID-19 sẽ giảm từ 9 tháng xuống còn 6 tháng và thời gian tối thiểu để tiêm liều thứ 3 vaccine ngừa COVID-19 sẽ giảm từ 5 tháng xuống 4 tháng kể từ thời điểm hoàn thành chu kỳ tiêm chủng. Trong khi các dịch vụ khiêu vũ, vũ trường và các hoạt động tương tự sẽ đóng của đến ngày 31/1/2022.
Theo sắc lệnh mới, từ ngày 30/12, người dân phải có Thẻ xanh COVID-19 mới được phép tham gia các dịch vụ bơi lội, phòng tập thể dục, thể thao, các trung tâm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp, trung tâm văn hóa, vui chơi, giải trí; việc áp dụng ngoại trừ trẻ em dưới 12 tuổi và những trường hợp được miễn tiêm chủng.
Ngoài ra, Italy cũng tăng cường hoạt động kiểm soát tại sân bay, nhà ga, bến tàu, và triển khai xét nghiệm kháng nguyên hoặc phân tử với du khách nhập cảnh vào nước này. Trong trường hợp có kết quả dương tính sẽ buộc phải cách ly 10 ngày, nếu cần thiết sẽ triển khai cách ly tại Khách sạn COVID-19.
Tại châu Á, Chính phủ trung ương Ấn Độ đã khuyến cáo các bang và vùng lãnh thổ liên bang không nên mất cảnh giác và chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh COVID-19 do sự xuất hiện của biến thể mới Omicron.
Theo một tuyên bố của Bộ Y tế Ấn Độ, trong cuộc họp với các quan chức y tế địa phương, Thứ trưởng Bộ Y tế Rajesh Bhushan đã rà soát công tác chuẩn bị về y tế cộng đồng của các bang trong việc phòng chống dịch COVID-19 và biến thể Omicron cùng với tiến độ tiêm chủng.
Cùng ngày, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi cho biết tính đến thời điểm hiện tại, 22 quốc gia châu Phi đã báo cáo ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể Omicron của COVID-19. Trong số này, Burkina Faso, Togo, Ai Cập, Kenya, Maroc và Mauritius đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể Omicron trong tuần qua.
Liên quan đến vaccine, Chính phủ Ecuador thông báo việc tiêm chủng ngừa COVID-19 là bắt buộc và lệnh có hiệu lực ngay lập tức do sự gia tăng các ca mắc mới và việc các biến thể của virus SARS-CoV-2 liên tiếp xuất hiện trên thế giới đang gây áp lực lên hệ thống y tế nước này.
Tiêm chủng ngừa COVID-19 là bắt buộc với mọi người dân Ecuador, trừ những người xuất trình được giấy tờ liên quan chứng minh tình trạng sức khỏe không thể tiêm chủng hoặc chống chỉ định với thành phần nào đó của vaccine.
Tuần này, cơ quan quản lý các chính sách đối phó với đại dịch COVID-19 của Ecuador đã yêu cầu bắt buộc xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng ở các khu vực công cộng hoặc nơi diễn ra các hoạt động không thiết yếu nhằm giảm lượng người tụ tập ở những nơi như nhà hàng, rạp chiếu phim, rạp hát... đồng thời hủy bỏ nhiều buổi biểu diễn.
Tại Cuba, các nhà khoa học cho biết đang thực hiện những bước đánh giá cuối cùng trước khi “trình làng” vaccine Mambisa, một trong số ít các loại vaccine ngừa COVID-19 sử dụng qua đường mũi đang được nghiên cứu và phát triển trên thế giới.
Thông qua mạng xã hội Twitter, Chủ tịch Tập đoàn công nghệ sinh học BioCubaFarma của Cuba Eduardo Martínez cho các thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh vaccine Mambisa có khả năng phản ứng miễn dịch niêm mạc cao chống lại virus SARS-CoV-2, do đó có thể ngăn ngừa hiệu quả sự lây truyền của virus và cung cấp một mức độ miễn dịch khử trùng nhất định.
Theo ông Martínez, các loại vaccine COVID-19 hiện có trên thế giới, bao gồm cả các chế phẩm của Cuba, đều rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa các bệnh có triệu chứng, các ca COVID-19 dạng nặng và các trường hợp tử vong, nhưng lại chưa đủ hiệu quả để ngăn ngừa virus SARS-CoV-2, do đó những người đã được tiêm chủng đầy đủ vẫn có nguy cơ bị nhiễm bệnh, và kết quả là không thể dập tắt được chuỗi lây nhiễm một cách triệt để.
Cuba được xem là “điểm sáng” về vaccine của Mỹ Latinh trong bối cảnh khu vực này hiện vẫn đang là tâm điểm của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu.
Đây là quốc gia Mỹ Latinh duy nhất tự sản xuất vaccine ngừa SARS-CoV-2, bao gồm Abdala, Soberana 02 và Soberana Plus, cùng 2 chế phẩm đang được thử nghiệm lâm sàng là Mambisa và Soberana 01.
Vaccine ngừa COVID-19 của Cuba đã được xuất khẩu sang Venezuela, Nicaragua và Việt Nam. Argentina và Mexico cũng tỏ ra quan tâm đến các sản phẩm này./.